Hành trình tìm lại sự sống của cô gái ung thư máu
Hơn 7 năm chiến đấu với bệnh ung thư máu Hoàng Thị Diệu Thuần vừa được xuất viện sau ca phẫu thuật ghép tế bào gốc thành công...
Xuất viện, Thuần về nhà trọ cùng người anh họ để chờ hai tuần sau quay lại viện tái khám. Biết tin Thuần ra viện, bạn bè cùng người thân gọi điện hỏi thăm và tới chia vui. Nghe tiếng gõ cửa, cô gái thân hình gầy còm, lọt thỏm trong chiếc áo khoác xanh nhanh nhẹn chạy ra mở và nở nụ cười quen thuộc.
Thuần cho biết, đang bồi bổ sức khỏe để chuẩn bị cho kế hoạch bản thân, trong đó quan trọng nhất là đi tìm việc làm. Ảnh: BM. |
Thuần khoe, hiện bắt đầu thấy khỏe hơn nhưng chưa ăn được nhiều. "Trước khi ghép tế bào gốc, mọi xét nghiệm về bệnh đều dương tính nhưng sau ghép, làm lại các xét nghiệm đó, kết quả đều chuyển sang âm tính. Trong cơ thể em bây giờ, 100% gene là của anh trai em. Bước đầu, em không có đột biến gene cũ nữa", cô cho biết.
Trước lúc nhập viện, Thuần hay bị đau chân, tay nhưng giờ cô cho hay những triệu chứng ấy cũng không còn. Theo thạc sĩ Bạch Quốc Khánh, Phó viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương (Hà Nội), Thuần bị bệnh Lơxêmi kinh dòng bạch cầu hạt, một dạng ung thư máu hay dân gian gọi là bệnh máu trắng.
Cơ hội duy nhất của bệnh nhân lúc này là ghép tế bào gốc tạo máu. Tuy nhiên, thường chỉ có khoảng 10% bệnh nhân có khả năng ghép được. Thuần may mắn có người anh trai sẵn sàng hiến tế bào gốc, nhưng khó khăn là chỉ số hòa hợp giữa người cho (anh trai) và người nhận (Thuần) chỉ đạt 5/6, chưa phải là chỉ số lý tưởng cho việc ghép. Không những thế, thời gian mắc bệnh của cô quá lâu, trong khi để đạt tỷ lệ thành công cao nhất thì cần tiến hành ghép càng sớm càng tốt, trong một năm sau khi được chỉ định.
Một khó khăn nữa nảy sinh là Thuần có virus viêm gan C. Với bệnh nhân ung thư máu, miễn dịch giảm, đặc biệt khi điều trị ghép thì lại dùng hóa chất cao, mạnh nên sức đề kháng giảm, gần như bằng không. Virus viêm gan C chỉ chờ cơ hội khi cơ thể yếu thì phát triển, hoạt động trở lại.
Đầu tháng 9, anh ruột Thuần nhập Viện Huyết học truyền máu Trung ương cùng với em gái để lấy tủy. Trong khi tủy của anh trai được chuyển xuống phòng bảo quản, Thuần được truyền hóa chất cực mạnh do bạch cầu và tiểu cầu xuống quá thấp. "Thời gian đó, tóc em rụng hết, động vào là rụng. Thể trạng yếu nên lúc truyền tủy, nhịp tim tăng khiến em không thở được. Thấy vậy, các bác sĩ vội chạy vào đo nhịp tim cho em và truyền chậm lại", Thuần kể.
Vài ngày sau lần truyền ấy, Thuần mệt và nằm li bì. Cô gái hoa hướng dương nhớ lại, thời gian ấy, các vết loét như nhiệt phá ra từ cổ họng lên đến miệng khiến cô không thể nuốt được thức ăn hay nói chuyện. Răng yếu không nhai được, cô phải dùng ống hút.
Suốt thời gian ghép tế bào gốc, Thuần nằm trong phòng vô trùng. Cô cho hay, căn phòng có lắp cửa kính chỉ có bên trong nghe được phía ngoài. Có lần đau quá, yếu không cất tiếng gọi mẹ được, Thuần phải dùng mọi cách "đánh kẻng" để mẹ nghe thấy.
Trong phòng vô trùng, để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, người nhà không được đi vệ sinh hay mang đồ ăn bên ngoài vào. Vệ sinh cá nhân và ăn uống là những đường vi khuẩn dễ xâm nhập nên Thuần được yêu cầu kiêng nghiêm ngặt. Cô được khuyên không ăn những hoa quả không rõ nguồn gốc sợ có thuốc bảo quản và nên dùng trái cây được gửi từ quê ra.
"Em chỉ ăn được cháo nhưng ăn mãi cũng chán, đến nỗi mẹ chỉ cần bê bát cháo tới cửa là em buồn nôn. Em phải ăn thêm ngũ cốc, uống sữa tươi không để tủ lạnh. Về về sinh cá nhân, em cũng không được tắm, chỉ được lau rửa", Thuần chia sẻ.
Trong thời gian ghép, do chân tay yếu, việc đi lại khó khăn nên mỗi khi đi vệ sinh, Thuần đều phải nhờ mẹ dìu. Có lần đi tiểu xong, chân tay cô co quắp không đứng được dậy.
Lần đầu tiên sau đợt điều trị, "ngắm" mình trong gương, Thuần giật mình vì thấy khác quá. Dù không quá sốc nhưng bản thân cô cũng thấy sợ khi khuôn mặt hốc hác và nước da tái. Trở về phòng trọ, Thuần được bác sĩ dặn dò tránh tiếp xúc nhiều người, không nên đi lại ra ngoài và ăn uống cẩn thận, có chất. Thuần bảo, món ăn cô thèm nhất bây giờ là thịt chó.
"Lúc còn điều trị, em mong được ra viện từng ngày. Nghe các bác sĩ thông báo em đã hoàn toàn lui bệnh và đang dần bình phục, em thấy tự tin và bắt đầu lập kế hoạch cho tương lai. Khỏi bệnh, em sẽ đi xin việc làm và lại có thời gian tụ tập cùng bạn bè. Bây giờ em phải cố gắng ăn uống để tăng cân đã", Thuần nói.
Hiện tại, cô được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch để chống thải ghép. Trong ba tháng đầu, Thuần tới bệnh viện kiểm tra định kỳ hai tuần một lần. Sau 6 tháng ổn định bệnh nhân sẽ được dừng thuốc và sẽ chỉ theo dõi các xét nghiệm, và sau một năm cô sẽ được điều trị viêm gan C.
Tháng 9/2005, bắt đầu vào học năm thứ nhất khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng là thời điểm Thuần phát bệnh. Một lần tình cờ vào Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương thăm người bệnh về máu, cô gái trẻ nhận thấy nhận thấy mình cũng có những triệu chứng như vậy. Suốt 4 năm đại học, Thuần ghi lại những lần vào viện, tâm trạng và cả câu chuyện về các bệnh nhân vào nhật ký. Từ năm 2010, bệnh trở nên nặng hơn, Thuần mới viết nhiều vì sợ cái chết, cô đơn và nỗi đau. Cuốn tự truyện Như hoa hướng dương của Thuần ra đời trong những cơn đau như vậy. Biết hoàn cảnh của Thuần, một nhà văn người Israel đã đồng ý giúp cô đi chữa bệnh. Nữ nhà văn này từng mắc bệnh như Thuần và giờ đã bình phục. Tuy nhiên sau đó, chuyến sang Israel của Thuần không thực hiện được. Ngày 10/9 Thuần nhập viện Huyết học truyền máu Trung ương tại Hà Nội. Hơn ba tháng điều trị, ca ghép tế bào gốc của Thuần được đánh giá thành công. Hiện bệnh tình của Thuần đã được đẩy lui, sức khỏe của cô dần bình phục. |