Làm gì để phát hiện và xử lý bọ xít hút máu người ?

Để phòng tránh những nguy cơ có thể xảy ra, người dân nên áp dụng những biện pháp mà chuyên gia về côn trùng khuyến cáo. Không nên quá hoang mang khi bị bọ xít cắn

>> Hà Nội xuất hiện bọ xít hút máu người

Mấy ngày nay, dư luận rộ lên thông tin một số vùng ở nước ta phát hiện bọ xít hút máu người, khiến không ít người dân hoang mang. Trên thực tế loài côn trùng này có nguy hiểm như nhiều người tưởng tượng không và người dân cần làm gì để phát hiện và xử lý bọ xít hút máu người.

Bọ xít hút máu người không phải bây giờ mới tìm thấy tại nước ta mà loài côn trùng này lần đầu tiên được phát hiện tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 2004. Anh Phạm Huy Phong, cán bộ nghiên cứu của  phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng từng bị loại côn trùng này hút máu vào tháng 8/2009, nhưng đến nay vẫn khỏe mạnh bình thường. Anh Phạm Huy Phong cho biết: “Tôi bị bọ xít đốt 2 nốt nhưng cơ thể chưa thấy có triệu chứng gì. Tại vì lúc đó chỉ thấy cái nốt đó đỏ lên thôi chứ không thấy buồn ngủ hay gây ra một cái gì đó bất thường nên tôi không đi khám ở đâu cả”.

Theo Tiến sỹ Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, hiện nay tại Việt Nam chưa có một nghiên cứu nào khẳng định người dân bị truyền bệnh sau khi bị bọ xít hút máu. Trên thực tế cũng chưa phát hiện trường hợp nào ở nước ta mắc bệnh do loài côn trùng này đốt. Qua một số tài liệu nước ngoài, Tiến sỹ Trương Xuân Lam biết được rằng: ở một số nước từng phát hiện những trường hợp bị truyền bệnh chagas sau khi bị bọ xít hút máu, với các triệu chứng ban đầu là mệt mỏi, ngủ nhiều, mất khả năng miễn dịch và có nguy cơ tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Tại nước ta, bọ xít hút máu người, gần đây được phát hiện tại huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và một số quận, huyện của Hà Nội như: Gia Lâm, Ba Vì, Mê Linh, Cầu Giấy, Hà Đông. Chúng hoạt động vào tối, đêm; chủ yếu hút máu người và động vật để sống. Thân bọ xít hút máu người thường dẹt, có màu nâu, cánh ngắn, con trưởng thành to gần bằng đầu ngón tay út và con cái có khả năng đẻ tới 1.000 trứng trong vòng đời từ 4 - 6 tháng. Bọ xít hút máu người chủ yếu được tìm thấy ở một số Vườn quốc gia và các nhà nghỉ, khách sạn có điều kiện vệ sinh kém. Một số trường hợp khác, phát hiện bọ xít hút máu người ẩn náu ở lạch giường, gầm giường, khe tủ trong nhà dân và phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Do vậy, người dân cần thường xuyên kiểm tra những vị trí vừa nêu để phát hiện bọ xít hút máu người. Tiến sỹ Trương Xuân Lam khuyến cáo: “Khi phát hiện có bọ xít hút máu trưởng thành bò trên tường hoặc chỗ nào đó thì nên tắt hết điện, dùng đèn pin để soi vào các kẽ tường, kẽ tủ để bắt đấy là cách tốt nhất. Cũng không nên hoang mang đáng sợ đến mức phải phun hóa chất để tiêu diệt”.

Mặc dù đến nay, ở nước ta chưa có căn cứ nào cho thấy người dân bị truyền bệnh nguy hiểm sau khi bị bọ xít hút máu. Tuy nhiên, để phòng tránh những nguy cơ có thể xảy ra, người dân nên áp dụng những biện pháp mà chuyên gia về côn trùng vừa khuyến cáo; đồng thời cơ quan chức năng cần có những nghiên cứu cụ thể để đưa kết luận khoa học về việc bọ xít hút máu người./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên