Nhọc nhằn cào hến mưu sinh

Nghề cào hến ở Quảng Nam tập trung từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch, nước sông cạn, con hến cũng sinh sôi nảy nở sau một mùa mưa

Trong từ điển ẩm thực của người Quảng Nam, hến xào xúc bánh tráng là món không thể thiếu. Hến có quanh năm, nhưng "rộ mùa" chủ yếu từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Tháng 3, mùa nước sông cạn, con hến qua một mùa mưa cũng sinh sôi nảy nở nhiều và đó là dịp để người làm nghề ven sông xứ Quảng nhộn nhịp một mùa làm thêm trên sông nước.

Làm hến là công việc mưu sinh từ lâu của những gia đình ven sông Tam Kỳ ở Quảng Nam, có nơi cả làng cùng làm nghề này như làng Tân Phú (Tam Kỳ), Thạnh Hòa (Quế Sơn). Chúng tôi đến làng hến Tân Phú, Tam Kỳ khi nhiều lò nấu hến đang đỏ lửa. Người dân ở đây không biết nghề cào hến đã có từ bao giờ, nhưng trẻ con lớn lên đã biết cào hến, đãi hến bán cho nơi khác. Ngày xưa làng Tân Phú nổi tiếng nhất Quảng Nam với nghề cào hến, bởi chất lượng hến ở đây vô cùng đặc biệt. Con hến được tận dụng để chế biến nhiều món ăn như ruột hến xào, nấu canh ngon tuyệt, nước luộc hến ngọt lịm, còn vỏ hến dùng để nung vôi.

Con hến chỉ nhỉnh hơn đầu ngón tay út, lại nằm dưới đáy sông nên công việc xúc hến khá vất vả, chỉ dành cho những người đàn ông. Để có thể "vào nghề", yêu cầu đầu tiên với người làm nghề là phải thạo bơi lội và giỏi chịu lạnh. Đồ nghề chỉ có một chiếc ghe nhỏ, một bàn cào bằng tre và vài chiếc rổ mắt thưa. Cào hến chóng mất sức do phải ngâm mình trong nước nên đi theo nhóm là lựa chọn hàng đầu của các "thợ cào".

Phụ nữ chịu trách nhiệm sàng sảy lại khi hến được mang về

Khi hến được mang về, những người phụ nữ chịu trách nhiệm sàng sảy lại cho sạch đất, sỏi, rong rêu. Công việc này tưởng đơn giản, nhưng rất tốn thời gian và công sức. Chị Trần Thị Ngạn, thôn Tân Phú cho biết: "Bùn bám trên vỏ hến rất chắc, phải vừa sàng, vừa rửa mới sạch được. Công đoạn này phải làm đi làm lại cho đến lúc thật sạch mới mang bán, có khi làm từ 7-10 lần đãi rửa mới được”.

Từ xưa đến nay, đàn ông trong làng có nhiệm vụ ra sông cào hến, còn phụ nữ ở nhà rửa, đãi sạch hến rồi đem vào lò nấu. Nấu xong bóc nhân hến, làm sạch nhiều lần trước khi đem bỏ cho các chủ quán bán hàng ăn. Vỏ hến được bán với giá 500 - 800 đồng/kg, ruột hến từ 7.000 - 10.000 đồng/kg. Một buổi dầm nước trên sông, người làm nghề cào hến có thể kiếm được khoảng 30.000 - 50.000 đồng, một khoản tiền chẳng thấm vào đâu đối với những nguy hiểm và công sức người làm nghề nơi đây bỏ ra.

Anh Nguyễn Xuân Nhớ, 45 tuổi, người đã có thâm niên 25 năm cào hến, chia sẻ: “Lội nước lâu, bị chuột rút là điều đáng sợ nhất đối với người làm nghề cào hến. Rồi cả những bệnh ngoài da khi phải ngâm cả thân mình dưới sông hàng tiếng đồng hồ, trong khi giá hến bán không được bao nhiêu. Trong làng đã có nhiều người, nhất là những người lớn tuổi phải bỏ nghề do các bệnh về xương khớp. Nhưng cha giải nghệ thì con, cháu lại tiếp tục bám nghề, bởi đó là công việc giúp nuôi sống những con người nơi đây”.

Thời gian gần đây, nạn hút cát trộm dưới lòng sông đã khiến cho những người làm nghề cào hến trong làng thất nghiệp. Lòng sông chảy yên bình tự bao đời, vậy mà nay bỗng dưng có những xoáy nước, những hố sâu bất chợt khiến nhiều thợ cào hến lâu năm kinh nghiệm như ông Bạch, ông Thịnh trong làng gặp tai nạn bất ngờ, phải từ bỏ nghề cào hến. Người dân làm nghề hến ở đây đã nhiều lần gửi đơn thư  kiến nghị lên các ngành chức năng yêu cầu cấm các đơn vị hút cát dưới lòng sông. Thế nhưng thư đi mà không có tin lại, người dân vẫn cào hến với những hiểm nguy rình rập.

Chị Lê Thị Nhàn, 41 tuổi bộc bạch: “Hồi trước kia chỉ cần cắm sào là có hến mang về. Bây giờ lòng sông lởm chởm những “hố tử thần”, chỉ cần sơ sẩy một chút là có thể nguy hiểm đến tính mạng. Kiến nghị nhiều lần nhưng không thấy ai quan tâm nên người dân chỉ còn biết tự bảo vệ mình để giữ nghề cào hến”. Bây giờ những người cào hến như anh Nhớ, chị Nhàn, chị Ngạn và nhiều người khác trong làng phải đi xa hàng chục km, xuống tận làng biển Tam Thanh để cào hến mang về, trong khi nguồn hến tự nhiên đang dần cạn. Anh Nhớ lo lắng: “Không biết sau này có còn hến để cào nữa không. Bao đời nay người dân trong làng chỉ biết trong chờ vào con hến. Không còn làm hến nữa, biết trông cậy vào đâu…”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên