Những mối tình Kinh - Thượng vượt thời gian

Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, tại căn cứ cách mạng Nam Nung, Đắc Nông, nhiều đôi lứa người Kinh và M’Nông đã nên duyên vợ chồng. Giờ đây, họ lại cùng nhau xây dựng mảnh đất Đắk Nông ngày càng giàu đẹp

Căn nhà gỗ nhỏ của ông bà Lê Trúc Phương và H’Hồng, ở tổ dân phố 1, phường Nghĩa Đức, Thị xã Gia Nghĩa, thật ấm áp. Bà H’Hồng nói, dù 7 người con, đều đã trưởng thành, có nhà cao cửa rộng, nhưng ông bà vẫn thích chọn cho mình một không gian riêng, như thủa ban đầu hai người đến với nhau. Căn nhà có một khoảng sân rộng, cùng vài cây ăn quả như chôm chôm, xoài… làm chỗ chơi cho trẻ con hàng xóm, cũng là để mỗi dịp cuối tuần con cháu của ông bà về họp mặt.

Bà H’Hồng kể, mười bốn tuổi, bà đã tham gia kháng chiến ở vùng căn cứ Nam Nung, tỉnh Quảng Đức (nay là tỉnh Đắk Nông). Ban đầu bà tham gia đội văn công, rồi sau xung phong đi tải vũ khí, tiếp tế lương thực cho bộ đội, và được huấn luyện thành xạ thủ trong đại đội nữ cối 83 anh hùng. Năm 1974, cô gái M’Nông H’Hồng gặp anh bộ đội Lê Trúc Phương.

Bà H’Hồng tâm sự: “Thời chiến tranh, phải chung sức chung lòng chứ làm sao mà hò hẹn, giận hờn như thanh niên bây giờ. Đến khi hòa bình, cùng chung sống mới là khoảng thời gian khó khăn nhất của hai người. Kinh tế thiếu thốn, vợ chồng lại xuất phát từ hai tập tục văn hóa khác nhau, nên cũng còn nhiều khó khăn”.

Ông Lê Trúc Phương đỡ lời vợ: “Sau năm 1975, hai vợ chồng chỉ có khẩu súng và 1 chiếc ba lô. Tuy rằng gian khổ khó khăn, hai vợ chồng cùng nhau vượt qua. Cũng có những điều chưa hiểu nhau, nhưng hai bên cùng phải kiên trì, để dần dần hiểu nhau; và khi hiểu nhau kỹ hơn thì lại càng quý nhau hơn”.

Ở cùng khu phố 1, phường Nghĩa Đức, còn có vợ chồng ông Nguyễn Văn Nhiên và bà H’Keo, cũng gắn bó với nhau từ trong kháng chiến. Thấy chúng tôi đến nhà, ông ân cần đỡ bà ngồi tựa vào thành giường, rồi ra cửa đón khách. Ông Nhiên bảo, mấy hôm nay mưa nắng thất thường, nên bà hơi mệt. Sức bà yếu, cũng là từ cái lần suýt chết vì bom Mỹ đánh trúng hầm. Năm 1965, từ Sông Bé, ông được điều động về căn cứ Nam Nung, rồi như duyên đã định, phải lòng cô nữ giao liên H’Keo, người M’Nông. Ngày đất nước hòa bình, mang trên mình thương tật hạng 2/4, vợ chồng ông và con gái về sống tại tổ 1 phường Nghĩa Đức, Thị xã Gia Nghĩa. Qua 40 năm chung sống, ông Nguyễn Văn Nhiên vẫn nói rằng, bà H’Keo chính là hạnh phúc của đời ông, và chưa bao giờ vợ chồng ông to tiếng với nhau.

Còn câu chuyện tình của ông Nguyễn Quyết Tiến và bà H’Lan, cũng thật cảm động. Năm 1968, trong một lần bị thương, chàng trai Nguyễn Quyết Tiến đã được cô y tá H’Lan tận tình chăm sóc. Thời gian sau, tại căn cứ Nam Nung, lễ cưới của họ diễn ra đơn giản nhưng thật đầm ấm. Bà H’Lan kể: “Đám cưới chúng tôi chỉ có mấy gói trà, mấy gói kẹo và vài điếu thuốc. 2 vợ chồng thương nhau, không ai phân biệt là Kinh hay dân tộc”.

Kết quả tình yêu giữa hai người là 6 người con lần lượt ra đời, và được nuôi dạy trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Sau mấy mươi năm chung sống, ông bà nghiệm ra rằng, không có sự khác biệt nào có thể cản được tình yêu chân thành. Trong kháng chiến chống Mỹ, tại căn cứ Nam Nung (tỉnh Quảng Đức cũ), đã có hàng chục cặp vợ chồng  Kinh – Thượng gắn bó với nhau. Ngày hòa bình, 12 cặp vợ chồng đã quyết định ở lại mảnh đất Gia Nghĩa, Đắk Nông lập nghiệp. Giờ đã lên ông, lên bà, họ vẫn sống hạnh phúc bên nhau, như tấm gương về lòng chung thủy, về tình đoàn kết. Những mối tình Kinh – Thượng  là minh chứng sống, rằng sắc tộc, màu da hay bom đạn của kẻ thù cũng không thể chia cắt được tình yêu đôi lứa, được đắp xây cùng tình yêu đất nước, qua những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên