Quản lý nghề giúp việc: Chuyện chưa có hồi kết!

Rắc rối trong quan hệ chủ nhà – người giúp việc gia đình bắt nguồn từ việc không có hợp đồng hai bên mà chủ yếu là thỏa thuận miệng.

Lao động giúp việc gia đình đã được xã hội thừa nhận là một nghề. Tuy nhiên, do thiếu những quy định được pháp luật điều chỉnh, thiếu tính chuyên nghiệp trong quản lý và đào tạo nghề giúp việc gia đình đã khiến cho thị trường lao động giúp việc luôn tiềm ẩn những nguy cơ, bất ổn. Bộ Luật Lao động (sửa đổi) vừa được Quốc hội Khóa XIII đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 2 với những quy định về loại hình lao động giúp việc gia đình, đã mở ra hướng mới cho loại hình lao động này.

Tại anh, tại ả?

Những rắc rối trong quan hệ giữa chủ nhà và người giúp việc gia đình bắt nguồn từ việc không có hợp đồng rõ ràng giữa hai bên mà hầu hết chỉ là thỏa thuận miệng.

Chị Nguyễn Hương Giang, nhà ở khu chung cư Trung Hòa Nhân Chính (Hà Nội) bức xúc: “Tìm người giúp việc bây giờ rất khó vì ngoài việc họ phải có kỹ năng thì một yêu cầu không thể thiếu là sự tin cậy. Có vậy mới có thể giao nhà cửa, con cái cho họ trông nom. Tôi đã thuê không biết bao nhiêu người giúp việc nhưng vẫn không thể tìm được người phù hợp. Vừa rồi tôi còn bị họ lấy mất tiền rồi bỏ đi mất nhưng cũng chẳng biết kêu ai”.

Cần thay đổi nhận thức về người giúp việc gia đình

Cùng chung tâm trạng, chị Hồng Hạnh ở Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội cho biết: “Tôi thuê rất nhiều người giúp việc, đến nỗi không thể nhớ nổi, nhưng mỗi người mỗi kiểu. Người thật thà ở quê lên thì vụng quá. Người có chút kinh nghiệm thì “kén cá chọn canh”, nào là yêu cầu công việc phải nhàn hạ, nhà càng ít tầng càng tốt”.

Tuy nhiên, chị Luyến, một người giúp việc gia đình đã nhiều năm ở Hà Nội tâm sự: “Thực lòng, làm giúp việc gia đình rất khó vì mỗi nhà mỗi tính. Bản thân họ đôi khi cũng không tin tưởng mà thường hay nghi ngờ vô căn cứ khiến nhiều người như chúng tôi không còn muốn gắn bó, thiết tha với công việc mà chỉ làm cho tròn trách nhiệm”.

Thống kê của Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho thấy, có đến 70% số lao động giúp việc hiện nay ở các thành phố lớn có trình độ học vấn từ cấp 3 trở xuống, và cũng chỉ 10% trong số đó được đào tạo sơ qua về nghề giúp việc gia đình. Viện Gia đình và Giới cũng xếp "giúp việc gia đình" vào loại hình lao động thiếu chuyên môn và quan hệ pháp lý.

Cơ bản vẫn là nhận thức

Trước vấn đề này, TS Luật học Phạm Trọng Nghĩa - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB &XH cho rằng, việc “tù mù” trong quan hệ giữa hai bên bởi một thỏa thuận mang tính cá nhân là nguyên nhân nảy sinh những rắc rối.

Theo điều tra của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 2010, trong số 117 nước, có 52,6 triệu lao động giúp việc. Tuy nhiên, theo tổ chức này, nếu thống kê đầy đủ thì con số này có thể lên đến 100 triệu người. 90% trong số đó là phụ nữ và trẻ em - những đối tượng dễ bị tổn thương. Vì vậy, việc quy định theo hợp đồng lao động thay vì hợp đồng dân sự sẽ khiến quyền lợi của những đối tượng lao động này được bảo vệ nhiều hơn.

Trong Bộ luật Lao động của nước ta hiện nay chỉ có 3 điều khoản nằm rải rác ở các mục khác nhau có liên quan đến người giúp việc gia đình. Bộ luật Lao động sửa đổi vừa được Quốc hội Khóa XIII đưa ra thảo luận đã có một mục xác định rõ khái niệm người giúp việc gia đình; quy định hợp đồng giữa người lao động và người sử dụng lao động phải được xây dựng bằng văn bản; trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động và những hành vi bị cấm…

Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng khẳng định: “Việc đưa lao động giúp việc gia đình vào Luật là một bước tiến bộ. Từ đó cũng đòi hỏi người lao động phải có tính nghề nghiệp, được điều chỉnh bởi thị trường lao động. Tất nhiên phải có sự phân cấp quản lý với vai trò của chính quyền xã phường, chỉ Bộ LĐ-TB&XH quản lý không xuể. Đồng thời, có thể tiến tới thành lập nghiệp đoàn cho lao động giúp việc”.

Tuy nhiên, theo TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội và Truyền thông đại chúng - Viện Khoa học xã hội Việt Nam, để luật đi vào đời sống phải có cơ chế và điều quan trọng hơn cả là phải cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường lao động giúp việc, đặc biệt là có chương trình đào tạo bài bản cho người giúp việc. Điều này không chỉ thay đổi nhận thức của xã hội về công việc này mà cả những người làm nghề giúp việc cũng sẽ thay đổi quan điểm: Đi học để làm nghề ổn định, chuyên nghiệp và hưởng lợi chính đáng từ công việc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên