Rượu “trời” trên dãy Trường Sơn

VOV.VN - Đó là loại rượu duy nhất trên thế giới được lấy trực tiếp từ cây xuống uống mà không qua bất cứ khâu chế biến nào.

Trong dãy Trường Sơn hùng vĩ, người ta đồn rằng có một loại rượu duy nhất trên thế giới được lấy trực tiếp từ cây xuống uống mà không cần qua bất cứ công đoạn chế biến nào. Cóp nhặt những lời đồn, những thông tin ít ỏi về loại rượu “có một không hai” ấy, chúng tôi quyết định tìm đến cái nôi của loại rượu lạ lẫm đó: huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Cây đoác

Ngất ngây men “rượu trời”

Đến thị trấn A Lưới, hỏi nhiều người dân bản địa về loại rượu được lấy từ thân cây ra uống, chẳng ai biết. Dò dẫm những xã quanh đó, ai cũng lắc đầu. Việc tìm kiếm thứ rượu huyền thoại kia tưởng chừng bế tắc thì chúng tôi gặp được anh Hồ Văn Ngoan, Trưởng phòng văn hóa huyện A Lưới. Anh là người am hiểu rất rõ văn hóa của người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy… đang sinh sống trong huyện.

Theo anh Ngoan thì loại rượu ấy được lấy từ cây đoác, đùng đình, hoặc ta via. Tuy nhiên, rượu đoác có mùi thơm, đậm đặc và uống ngon hơn cả. Số người làm được loại rượu này ở A Lưới giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, hiện sống chủ yếu ở hai xã A Ngo và A Roàng. Muốn tìm hiểu sâu thì cứ tìm đến những nghệ nhân sẽ rõ.

Theo chỉ dẫn của anh, chúng tôi gặp được ông Quỳnh Hý, một trong bốn nghệ nhân làm rượu đoác còn sống ở A Ngo. Khi biết chúng tôi đến tìm hiểu về loại rượu mà người dân vẫn gọi là “rượu trời” kia, nghệ nhân Quỳnh Hý hồn hậu, khoác vai, kéo vào nhà bảo: “Con muốn viết hay, muốn hỏi được nhiều thông tin thì phải uống và cảm nhận nó đã”.

Chắt rượu vào can

Nói rồi, ông chạy đến khe cửa xách hẳn một can 5 lít, bên trong đựng thứ nước màu vàng đục, rót ra chiếc cốc lớn (loại cốc mọi người hay dùng để uống bia - PV) mời tôi uống. Nhấp thử một ngụm, tôi thấy vị cay cay, mát mát và đăng đắng nơi đầu lưỡi. Một lúc sau thì thấy ấm ấm, trong người cảm giác lâng lâng nhưng nhẹ nhàng dễ chịu.

Theo nghệ nhân Quỳnh Hý, người Tà Ôi ở đây quan niệm đến A Lưới mà chưa thưởng thức rượu đoác coi như chưa đến, ngày xuân và ngày trọng đại mà thiếu rượu đoác thì kém vui…

Chuyện kể về những người thợ săn

Cứ thế, rượu đoác tồn tại song song với những nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây. Nó gắn bó máu thịt với người dân, trở thành gia vị thiết yếu trong cuộc sống của họ chẳng khác gì cơm để ăn, nước để uống và quần áo để mặc mà chẳng nơi nào trên thế giới có được ngoài người Tà Ôi sinh sống trên dãy Trường Sơn hùng vĩ này.

Tuy nhiên, khi được hỏi về nguồn gốc ra đời loại rượu này, ngay cả đến nghệ nhân Quỳnh Hý dù đã nhiều năm tìm hiểu, lục tìm hết những cuốn gia phả của người Tà Ôi nơi đây cũng không thể trả lời được. Nghệ nhân Quỳnh Hý cũng chỉ được nghe mang máng rằng: Thời xưa có một đám thợ săn mải đuổi theo con thú đã bị lạc vào rừng, đến khi hết cái ăn mang theo, nước cũng cạn kiệt thì họ bỗng nhìn thấy dòng nước chảy ra từ thân cây nhìn giống như cây dừa. Khi họ uống vào, cảm thấy sảng khoái, hưng phấn như uống rượu. Sau này khi thoát chết, họ quay về loan tin về loại rượu mà họ vô tình phát hiện kia. Nghề lấy rượu đoác bắt đầu từ đó.

Với người Tà Ôi, nếu ai muốn làm được loại rượu này ngon, trước tiên phải chuẩn bị một con gà, con dê hay con lợn nhỏ để làm lễ xin cây đoác ra nước. Người này phải có tố chất thông minh, chịu khó quan sát, học hỏi và siêng đi vào rừng tìm cây để lấy rượu. Bởi theo những nghệ nhân nơi đây, không phải ai muốn lấy rượu từ cây đoác cũng được, họ phải có kinh nghiệm trong việc tìm cây, tìm điểm để khoét lỗ, lấy rượu, hoặc phải có “mẹo”, bắt cây tiết ra rượu.

Ông Huỳnh Hý (giữa) mời khách uống rượu

Theo mọi người thì muốn lấy được rượu ngon, cần phải chọn những cây đoác già trồng ít nhất từ 4 - 5 năm, sau đó đục một lỗ nhỏ ở bẹ thứ 3 từ dưới lên rồi luồn ống tre lồ ô vào để dẫn rượu vào can. Nếu sau một tuần không thấy rượu ra, họ sẽ dùng ớt tươi xát vào vết cắt, tiếp đến là dùng lá môn giã mịn bịt vào đó, một thời gian sau rượu ắt sẽ ra.

Tùy thuộc vào cây già hay non mà người dân có thể khai thác được lâu hay ngắn, nhiều hay ít rượu. Tuy nhiên, thông thường một cây đoác cho lấy rượu khoảng 3 - 4 tháng với tổng sản lượng từ 80 - 100 lít. Sau đó phải cho cây nghỉ khoảng 2 - 3 tháng mới lại khai thác tiếp.

Để tăng thêm độ nồng, các nghệ nhân sử dụng thêm vỏ cây chuồn khô cho rượu lên men, sau một ngày ngâm, nếu thấy bột trắng sủi lên là có thể uống được. Vì rượu được làm tự nhiên, không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào nên loại rượu này uống vào rất êm, cảm giác khoan khoái, không say bí tỉ, đau đầu, mệt mỏi và độc hại như những loại rượu trôi nổi ngoài thị trường. Không những thế, với loại rượu này chị em phụ nữ cũng có thể vô tư thưởng thức mà chẳng phải lo gì.

Chính vì thế, rượu đoác đóng một vai trò quan trong trong đời sống văn hóa của người Tà Ôi, nó không chỉ có mặt trong những ngày vui đoàn tụ gia đình, lễ mừng nhà mới, cưới xin, công việc quan trọng mà đặc biệt không thể thiếu được trong những ngày Tết đến xuân về.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên