Sinh con thứ ba?

Việc xử lý CBCCVC sinh con thứ 3 đang được áp dụng chưa nhất quán ở nhiều địa phương, đơn vị, và thực tế đã xảy ra khiếu nại, tố cáo về việc xử lý không công bằng.  

Ngày 4/3/2009, trả lời phỏng vấn trên Báo Gia đình & xã hội, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, ông Dương Quốc Trọng cho biết: Sau khi Điều 10, Pháp lệnh Dân số năm 2003 được UBTVQH sửa đổi và có hiệu lực từ ngày 1/2/2009, Tổng Cục đang trình Chính phủ Dự thảo Nghị định qui định việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) vi phạm chính sách DS-KHHGĐ.

Ông Trọng cho biết, đối với đảng viên, Bộ Chính trị đã ban hành Qui định số 94QĐ/TW ngày 15/10/2007 về xử lý vi phạm đảng viên và tiếp đó UBKTW đã có Hướng dẫn số 11, ngày 24/3/2008 hướng dẫn cụ thể việc thi hành. Theo đó: đảng viên sinh con thứ 3 sẽ bị cảnh cáo, giữ chức vụ lãnh đạo sẽ bị cách chức; sinh con thứ 4 sẽ bị khai trừ. Vừa qua, đã có một Bí thư cấp thành phố bị cách chức vì sinh con thứ 3.

Đối với CBCCVC, thực hiện Qui định 94 cũng như Hướng dẫn số 11 của Đảng, cần được thể chế hóa bằng văn bản của Nhà nước và vì thế Bộ Y tế (cụ thể là Tổng cục DS-KHHGĐ) được giao nhiệm vụ tham mưu trình Chính phủ Nghị định về xử lý vi phạm đối với đối tượng này. Ông Trọng cho biết: “Chúng tôi xây dựng theo hình thức, đối với CBCCVC sinh con thứ 3 sẽ bị cảnh cáo và cách chức nếu đang giữ chức vụ lãnh đạo; sẽ không đề bạt bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo đối với những người vi phạm chính sách DS-KHHGĐ; sẽ không được chuyển ngạch công chức, kéo dài thời gian nâng lương; có thể bị buộc thôi việc đối với CBCCVC cố tình sinh con thứ 4...”.

Ông Trọng cũng khẳng định tính nhất quán và nghiêm minh trong việc xử lý vi phạm, việc sửa đổi Điều 10 trong Pháp lệnh Dân số cũng là để tránh sự hiểu lầm về việc sinh con thứ 3 trước đây. Tuy nhiên, cho đến nay, ngoài trường hợp đảng viên vi phạm được xử lý theo Qui định 94 và Hướng dẫn số 11 của Đảng, thì việc xử lý đối tượng là CBCCVC đang đặt ra nhiều câu hỏi vì chưa có Nghị định hướng dẫn theo tinh thần Quy định 94 và hướng dẫn số 11 của Đảng, cũng như sau sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số. Trước hết là Điều 10 sửa đổi của Pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1/2/2009 được hiểu như thế nào, có giá trị hồi tố hay không? Hành vi vi phạm được tính từ thời điểm mang thai hay thời điểm sinh con? Trong khi chưa có Nghị định mới, thì việc xử lý CBCCVC sinh con thứ 3 căn cứ vào đâu, vào Qui định 94, Hướng dẫn số 11 của Đảng hay căn cứ vào Nghị định số 104/2003/NĐ-CP ngày 16/9/2003 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Dân số?

Theo pháp luật thì Nghị định này đang có hiệu lực nhưng trong Nghị định, phần xử lý vi phạm chỉ có nội dung (nguyên văn): “Người nào có hành vi vi phạm các qui định của Nghị định này và các qui định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo qui định của pháp luật”. Không có nội dung xử lý cụ thể như các trường hợp mà người lãnh đạo ngành DS-KHHGĐ đã nói ở trên.

Do vậy, việc xử lý CBCCVC sinh con thứ 3 đang được áp dụng chưa nhất quán ở nhiều địa phương, đơn vị, và thực tế đã xảy ra khiếu nại, tố cáo về việc xử lý không công bằng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên