Tết này da diết nỗi nhớ con
Khi các gia đình sum vầy Đêm trừ tịch, ở dải đất nghèo miền Trung vẫn có những bà mẹ nặng trĩu âu lo vì những đứa con lỗi hẹn…
Ngày 30 Tết, trong căn nhà nhỏ chừng 30 mét vuông nằm sát cửa biển Sa Cần, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, chị Biện Thị Viên tất tả dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa. Những đợt mưa lũ vừa qua, may mà căn nhà ọp ẹp này chưa bị xô ngã.
Cả tuần nay, vợ chồng chị mua mấy tấm ván ép cũ che dựng lại chỗ ở cho bớt trống trước, hở sau với một mong ước giản dị đón con về vui vầy ngày Tết. Dễ chừng hơn chục năm, chưa có mùa xuân nào, cả nhà chị được quây quần bên mâm cơm chiều 30 Tết. Lúc có cha thì vắng mẹ, lúc đủ cha mẹ lại thiếu các con.
Vì cuộc mưu sinh, chồng ngày đêm bám biển ra khơi, còn chị thì phiêu bạt khắp nơi, vào tận TP HCM làm thuê, vác mướn, kiếm tiền nuôi các con ăn học. Hơn 30 năm theo chồng về miền Trung sinh sống, cô gái miền quê Quan họ xinh đẹp ngày nào giờ tóc đã điểm bạc, nếp nhăn hằn sâu trên gương mặt gầy gò, đen sạm vì nắng gió. Giao thừa năm nào, chị Biện Thị Viên cũng cồn cào nỗi nhớ quê, thương những đứa con ăn Tết xa nhà thiếu hơi ấm gia đình: “Thương con bị thiệt thòi so với bạn bè. Ngày Tết, bạn bè nó được về nhà, đoàn tụ cùng gia đình, còn con mình phải ở lại”.
Nhớ mẹ, thương cha một đời lam lũ, 4 đứa con của chị Viên đều ngoan ngoãn, học hành giỏi giang. Bây giờ, cả 4 con trai của chị đã là những sinh viên của các trường đại học ở TP HCM.
Cậu con trai út Nguyễn Ngọc Tứ, sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Hồng Bàng kể lại, khi em vào đại học, cha lâm bệnh, gánh lo gia đình đè nặng đôi vai gầy của mẹ. Mẹ âm thầm thức khuya dậy sớm, làm đủ thứ việc từ rửa bát, gánh nước thuê, nhặt rác đến buôn bán lặt vặt để kiếm tiền nuôi chồng con. Có những hôm bị sốt cao nhưng mẹ vẫn gượng dậy từ 3 giờ sáng gánh mắm đi bán xa hàng chục cây số. Thấy mẹ nghèo khổ có người cho mấy mét vải về may áo mặc mẹ cũng nhường hết cho con. Để có tiền nuôi con ăn học, cha mẹ chỉ dám ăn mỗi ngày 2 bữa cơm, tích cóp từng đồng tiền lẻ mong đến cuối tháng có đủ 100.000 – 200.000 đồng gửi vào cho 4 anh em.
Đêm giao thừa xa nhà, Nguyễn Ngọc Tứ cùng các anh trai cố lẫn vào dòng người trên phố cho vơi đi nỗi nhớ quê nhà: “Em nhớ nhất là những lúc mẹ dậy sớm từ 3-4 giờ sáng đi bộ đến quán ăn rửa chén, bát thuê đến 11- 12 giờ đêm mới về. Có những lúc trời mưa mẹ ướt đẫm nhưng vẫn cười và đem phần ăn khuya cho tụi em. Việc gì mẹ cũng làm hết. Hết rửa bát thuê, mẹ lại đi phụ việc nhà cho người ta. Bọn em ở trong này có Tết không về mong làm thêm phụ giúp ba mẹ. Những năm ấy, đêm giao thừa ba mẹ lại gọi điện vào chúc Tết rồi khuyên nhủ mấy anh em cố gắng học hành để sau này không khổ như ba mẹ. Những lời chúc Tết đơn giản thôi nhưng là động lực để chúng em phấn đấu, mong rằng sau này ra trường đi làm đỡ đần cha mẹ, ước mơ lớn hơn nữa là cất được một ngôi nhà rộng để ba mẹ sống cuộc sống an nhàn”.
Đẹp thay những người mẹ “Nuôi con chẳng quản chi thân – Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn”. Dải đất nghèo miền Trung “cơn bão chưa qua, hạn hán đổ tới rồi” có rất nhiều, rất nhiều những người mẹ như chị Biện Thị Viên. Đó là chị Trương Thị Khiên rời vùng quê Quảng Nam, ngày ngày quẩy gánh trên vai rong ruổi khắp các tuyến phố Sài Gòn, buôn bán ve chai kiếm tiền cho 3 con học đại học. Đó là cụ bà Trần Thị Trang, 72 tuổi, quê ở tận tỉnh Bình Định, ngày đêm len lỏi mọi ngã đường góc phố cùng gánh hàng rong, chắt chiu từng đồng tiền kiếm được nuôi đứa cháu đang học Đại học Bách khoa TP HCM…
Trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ sang năm mới, không chỉ có những người mẹ miền xuôi mà nhiều bà mẹ ở vùng cao cũng da diết nỗi nhớ những đứa con xa nhà. Bà Bling Thị Tư, ở xã Lăng, huyện miền núi cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã từng khóc rưng rức trong Đêm trừ tịch. Chồng mất sớm, một mình bà hết quần quật sớm tối với 3 sào ruộng, 1 ha cao su, 3 ao cá nuôi, lại mệt nhoài trong việc chăm sóc đàn heo, bò hơn 20 con. Bà làm đủ mọi thứ để “cho con tất cả, mẹ nào giữ riêng”. Con trai đầu lòng của bà đêm nay đón giao thừa trong ký túc xá trường Đại học Văn hoá TP HCM. Hai đứa con kế tiếp học Đại học tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã kịp về với mẹ và các em trước lúc xuân sang. Hơi ấm gia đình đêm cuối năm cũng là mong ước bình dị của bà Bling Thị Tư.
Xuân Tân Mão đang gõ cửa mọi gia đình. Nhà nhà đang vui vầy sum họp. Đêm trừ tịch, bên mâm cỗ giao thừa cúng ông bà tổ tiên, vẫn còn nhiều bà mẹ ở quê nghèo miền Trung lặng lẽ khóc thầm nhớ những đứa con ăn Tết xa nhà. Yêu biết mấy những giọt nước mắt của tình thương và hy vọng cho ngày mai, khi các con thành đạt sẽ về bên mẹ, gia đình lại đầm ấm, sum vầy./.