Thiên đường hay bãi rác công nghệ?

“Uả chi thiên thằng” (tạm dịch là “bước tới chốn thiên đàng”) của ông bạn người Hoa gốc Việt đã như một liều “đô ping” hữu hiệu giúp chúng tôi háo hức đến “miền đất hứa” Quảng Châu...

Từ thiên đường mua sắm của châu Á…

Tại Quảng Châu, các khu chợ nhìn chung đều thiết kế khá quy mô theo kiểu siêu thị hiện đại nhiều tầng cùng hàng loạt hệ thống thang máy khắp nơi. Mặt bằng chợ rất lớn với vô số quầy hàng bố trí chi chít (tuy mỗi gian hàng chỉ khoảng vài m2), bao quanh là những lối đi nhỏ xíu luôn quá tải bởi dòng người ngược xuôi mua bán. Nét đặc trưng không thể lẫn tại các chợ ở Quảng Châu là trật tự. Sự trật tự và vệ sinh công cộng trên toàn khu chợ luôn được đảm bảo mà chủ yếu nhờ ý thức tự giác rất cao của các hộ kinh doanh tại đây. Tuyệt nhiên không thấy cảnh cãi lộn, tranh giành khách hoặc lừa đảo, trộm cắp. Khánh hàng đến đây với tâm lý rất thoải mái, xem và lựa hàng chán chê rồi bỏ đi không mua cũng được, người bán vẫn rất vui vẻ.

Tại Quảng Châu mỗi loại hàng hoá đều có một chợ riêng, chỉ chuyên kinh doanh một loại hàng hóa như: Chợ Quần áo: chợ Bạc Mả (tiếng Việt là Bạch Mã) là chợ bán buôn quần áo, hầu hết dân Việt Nam kinh doanh thời trang đều sang lấy hàng từ đây. Ưu điểm của chợ này là giá cả cực rẻ nếu mua số lượng nhiều (từ 5-10 cái trở lên).

Chợ đồ len: nằm trên đường Dezheng nan Lu, gần khách sạn Đức Chính cách khoảng 500m, từ khách sạn Đức Chính rẻ phải theo đường Dezheng nan Lu sẽ gặp chợ bên phía bên phải của đường.

Chợ đồ da: nằm trên đường Jiefang Beilu và đường Ziyuangang Lu, với các trung tâm như Guihualou Leather Mall, YiSen Leather Building... Tại đây bán các loại như túi da, ví da và các hàng hiệu nổi tiếng đều được làm giả như thật, giá rất rẻ nếu mua từ 5-10 cái trở lên.

Chợ giầy dép: tên là Metropolis Shoes City nằm đối diện chợ đồ chơi
One Link International Plaza, nằm trên đường Jiefang nan Lu, góc ngã tư đường Yide Lu và Jiefang Nan Lu. Chợ này bán buôn tất cả các thể loại giầy dép, hàng hiệu, hàng nhái rất rẻ, như thật. Nếu mua nhiều giá rẻ đến sửng sốt.
Chợ đồ lưu niệm: nằm trên đường Yide Lu, tại góc ngã tư đường Yide Lu và Jiefang Nan Lu. Đối diện chợ đồ chơi One Link International Plaza và Chợ giầy dép Metropolis Shoes city. Chợ bán buôn bán lẻ các loại đồ lưu niệm.
Chợ đồ chơi: tên là One Link International Plaza, địa chỉ 39 đường Jiefang nan Lu (Lu có nghĩa là phố, nan là Nam) tại góc ngã tư đường Yide Lu và Jiefang nan Lu.

Chợ máy tính, linh kiện máy tính: chợ điện tử Thiên Hô, nằm trên đường Tianhe Lu và đường Shipai XiLu chuyên bán buôn, lẻ các loại máy tính, linh kiện máy tính. Theo lời ông bạn dẫn đường thì đây là một trong chợ đầu mối cực lớn và quan trọng tại Quảng Châu.

Chợ điện thoại còn gọi là Photography Electronics City, nằm trên đường Luyin Lu, tại đây có 2 chợ điện thoại, máy ảnh, loa đài. Một bên chuyên bán đồ cũ và một bên chuyên bán đồ mới. Tại Chợ có “thượng vàng hạ cám” đủ thể loại điện thoại, hàng thật, hàng nhái hàng hiệu đều có nhưng chủ yếu là bán số lượng lớn với giá rất rẻ

Beijing Lu hay được người dân bản địa gọi với tên gần gũi là Phố Bắc Kinh. Đây là tuyến phố đi bộ nổi tiếng Quảng Châu và cũng là một trung tâm mua sắm, hàng hoá nhưng thiên về hàng hiệu với hàng loạt các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới như Levis, D&G, Nike, Adidas, Puma với giá rất đắt nhưng cũng có nhiều cửa hàng bán quần áo, túi da, ví da rẻ đến không tưởng tượng nổi. Phố này ngày cũng như đêm đều rất đông đúc và sầm uất.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có một điều rất chung của các khu mua sắm này là giá cực rẻ nếu bạn mua với số lượng nhiều còn nếu mua 1 cái giá lại rất đắt, đắt gần bằng 10 cái và nhiều khi họ cũng không bán.

… đến bãi rác công nghệ khổng lồ

Theo báo cáo của Tổ chức Hoạt động môi trường Hoà bình Xanh (Green Peace) thì Trung Quốc đang trở thành nơi chứa rác thải công nghệ cao lớn nhất thế giới. Vẫn chưa thống kê được chính xác số lượng chất thải điện tử được đổ vào Trung Quốc nhưng Green Peace cho biết hiện nước này đã trở thành bãi đổ rác ưa chuộng của các tập đoàn nước ngoài và đóng góp thêm phần không nhỏ của các sản phẩm điện tử được sản xuất ngay tại trong nước. Ngay tại thành phố Quảng Châu mặc dù chính quyền thành phố cấm nhập khẩu rác điện tử nhưng các công ty tại các nước phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu vẫn lén lút tuồn rác vào bằng nhiều hình thức, trong đó chủ yếu dưới dạng hàng đã qua sử dụng…

Còn theo điều tra đánh giá từ Tổ chức Hòa bình Xanh của Hồng Kông, thì Quảng Châu hiện đang dẫn đầu Trung Quốc về các trung tâm tái chế rác thải điện tử qui mô rất lớn với hàng trăm ngàn công nhân làm việc tại mỗi trung tâm. Các doanh nghiệp tái chế rác thải điện tử tại đây phân chia thành khu vực rõ ràng. Ví dụ như khu chuyên về tháo dỡ máy in, hàng điện từ gia dụng, khu chuyên về nhựa tái chế, khu chuyên về phân loại kim loại…

Để “mục sở thị” rõ hơn, chúng tôi đảo qua khu vực đồ cũ chợ điện thoại Photography Electronics City, lớn nhất tại Trung tâm thành phố, chợ nằm ngay cạnh ven lộ khá to. Hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là hàng loạt thanh niên dùng tuốc nơ vít, kìm để bóc, tách, chọn lựa và phân loại các bo mạch điện tử trong hàng “núi” các máy điện thoại hỏng cũ.

Theo A Thọ (người hướng dẫn bản địa trong suốt chuyến đi) thì đây chính là trạm trung chuyển khu vực điện thoại cũ hỏng lớn nhất tại Quảng Châu với con số hàng triệu máy điện thoại luân chuyển mỗi năm, và trong số đó không ít máy bằng nhiều con đường khác nhau đã về Việt Nam.

Mới đầu giờ sáng, mà chợ khá đông tấp nập kẻ bán người mua. Bỏ qua lời chào mời bằng thứ tiếng Việt lơ lớ của hàng loạt các kiốt bán điện thoại khác, chúng tôi nhằm một gian hàng bầy la liệt các mẫu máy Black Berry (một nhãn hiệu điện thoại của Mỹ hiện đang rất ăn khách tại Việt Nam). Cũng như các gian hàng trong cùng khu vực, kiốt này chuyên về các loại máy Black Berry cũ (thường là những máy “dựng”, rẻ tiền, tất nhiên kèm theo đó là cũ và lỗi). Từng lô máy được đóng vào bịch nilon riêng biệt, khoảng 50 chiếc/1 túi vứt lỏng chỏng hàng đống ngay dưới chân ông chủ cửa hàng. Chỉ có những chiếc đủ tiêu chuẩn và đời cao mới được “ưu tiên” đưa riêng vào trong 1 chiếc tủ kính bé xíu trước mắt để trưng bày.

Bất ngờ hơn khi chúng tôi được biết với mỗi chiếc túi nilông khoảng 50 máy BlackBerry các loại lẫn lộn kia giá chỉ có vỏn vẹn hơn 10 triệu đồng tiền Việt Nam. Càng ngạc nhiên hơn khi qua lời người bán, giá vẫn còn có thể cân đối được hơn nữa nếu chúng tôi mua số lượng lớn hơn nữa. Và tất nhiên điều mà chúng tôi quan tâm nhất là vấn đề về chất lượng thì ông chủ lại bật mí vỏn vẻn hai từ... “hên, xui”.

Vĩ thanh

Suy người thì ngẫm đến ta, thực tế việc chuyển dịch “rác thải công nghiệp” chủ yếu là hàng điện tử từ một số nước điển hình là Trung Quốc thì quả thực nguy cơ Việt Nam sẽ trở thành một bãi thải công nghiệp tiếp theo là điều chúng ta hoàn toàn có thể tiên liệu trước.

Vấn đề đặt ra là mỗi người có bao giờ tự đặt câu hỏi: “Sao có thể rẻ đến như vậy?”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên