Vị lương y và những “toa thuốc chữa nghèo”

Nổi tiếng khắp vùng vì hoạt động giúp đỡ người nghèo, đặc biệt, ngoài 70 tuổi, ông vẫn làm trang trại để lấy tiền làm từ thiện

Bước ngoặt trở thành lương y

Chúng tôi về xã Dân Tiến - Khoái Châu - Hưng Yên tìm gặp lương y Nguyễn Phú Cửu. Việc hỏi thăm không mấy khó khăn vì ở vùng này, ông Cửu khá nổi tiếng. Trong phòng khách của ông, nổi bật nhất không phải là những tủ thuốc hay sách thuốc mà là những tấm bằng khen dán đầy trên tường.

Trông vào một tấm Huân chương Kháng chiến, tôi đã tưởng ông Cửu một thời là lính Trường Sơn, nhưng ông cười bảo: “Tôi có đi bộ đội đâu, tấm Huân chương này tôi có là vì những thành tích khi làm Chủ nhiệm Hợp tác xã ngói của huyện. Năm nào Hợp tác xã cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao nên thời đó Hợp tác xã được nhận Huân chương Lao động, còn tôi vinh dự được nhận tấm Huân chương Kháng chiến này”.

Đang là một Chủ nhiệm hợp tác xã có uy tín thì một tai nạn xảy ra làm ông Cửu phải đi viện dài ngày. Năm 1991, ông bị ô tô đâm gãy xương ống chân. Vết thương khá nặng tưởng chừng phải cắt bỏ đi một chân, nhưng sau đó, nhờ các y bác sĩ tận tình cứu chữa kịp thời, nên chân ông Cửu lại lành được.

Trở về sau tai nạn, ông Cửu nghỉ mọi công tác tập thể. Với nhiều người, có lẽ đây là một cái hạn lớn vì vừa gãy chân lại phải nghỉ công tác. Nhưng với ông, đây lại là một bước ngoặt, đưa cuộc đời ông từ một anh Chủ nhiệm sang là một lương y, mà lại là một lương y nhân đức theo cách nói của người dân địa phương.

Ông kể: “Nhà tôi có nghề Đông y gia truyền đã mấy đời. Nhưng đến đời tôi, do bố mẹ mất sớm, nên tôi không theo được nghề y từ nhỏ. Suốt mấy chục năm gắn bó với công việc tập thể, đến khi bị tai nạn, tôi mới bắt đầu nghiên cứu sâu về y dược. Khỏi bệnh, tôi đăng ký theo học lớp Đông y trên tỉnh, đến năm 1992, tôi được cấp chứng chỉ hành nghề”.

Lương y Nguyễn Phú Cửu tại trang trại của ông

Dựng trang trại để làm từ thiện

Hành nghề y ở một miền quê còn nhiều khó khăn về kinh tế, ông Cửu luôn tâm niệm, nghề y là để giúp người chứ không phải để làm giàu. Bởi thế, với người bệnh, ông luôn giúp đỡ nhiệt tình mà không tính thiệt hơn về tiền bạc. Bà Hoa, vợ ông bảo: “Những người đến đây lấy thuốc nếu có tiền thì trả, khó khăn thì ông nhà tôi lại cho, chúng tôi già rồi cũng chẳng chi tiêu gì nhiều”.

Nhưng làm sao để giúp đỡ những người nghèo khó hữu hiệu hơn? Câu hỏi đó cứ thường trực trong đầu ông Cửu. Và rồi, ông quyết định tự mình làm trang trại để lấy tiền giúp đỡ người nghèo. Trên mảnh đất hơn một mẫu, ông Cửu đào ao thả cá, trồng cây thuốc, cây ăn quả và mới đây là nuôi nhím. Giới thiệu thành quả lao động của mình, ông bảo: “Nếu chỉ làm đông y thì lấy đâu tiền mà giúp đỡ người khác. Được cái, công việc ở trang trại có các con tôi giúp đỡ nên cũng không mấy khó khăn”.

Từ khi làm trang trại, mỗi năm ông có thu nhập khoảng hơn 100 triệu đồng. Nguồn thu nhập ấy ông không dùng cho riêng mình. Một phần chia cho con cái, phần lớn ông đem ủng hộ các Quỹ vì người nghèo của chính quyền hoặc giành để chu cấp cho một vài hoàn cảnh mà ông cho là cần giúp đỡ.

Lật giở cuốn album ông đưa, tôi thấy đại đa số là ảnh ông tặng tiền cho những Quỹ giúp đỡ người nghèo, ảnh những gia đình khó khăn mà ông có dịp đến thăm cùng với chính quyền. Khi được hỏi đã giúp đỡ được bao nhiêu người, ông bảo: “Tôi cứ thấy ai khó, ai khổ thì giúp thôi chứ có bao giờ ghi chép đâu. Vả lại mình đã cho đi thì thôi, ai còn ghi chép làm gì, có phải không anh?”. Ông kết thúc câu trả lời với một câu hỏi rồi cười như thể trong suy nghĩ của ông, việc làm đó là một trách nhiệm với xã hội.

Ước tính, số tiền mà ông Cửu đã ủng hộ cho các Quỹ vì người nghèo của chính quyền trong vài năm qua cũng ngót nghét 1 tỷ đồng. Ông Cửu cho biết thêm: “Dịp Tết này, tôi đã chuẩn bị một số quà để tặng cho các hộ nghèo ăn Tết; tặng cho một xã 20 triệu đồng vào Quỹ vì người nghèo và mua một số đồ thờ cung tiến vào các đền miếu thờ danh y Lê Hữu Trác. Tất cả trị giá hơn 50 triệu đồng”.

Nói về ông, một số người dân địa phương còn cho biết, ông thường xuyên đi khám chữa bệnh cho người nghèo. Nhà sát quốc lộ, nhiều khi có người lỡ độ đường cần thuốc, ông cho ngay. Có khi tai nạn trên đường, ông cũng sơ cứu, thuốc thang mà không lấy tiền.

Nền y học dân tộc đã ghi danh những thầy thuốc xả thân vì người bệnh. Còn lương y Nguyễn Phú Cửu, như cách ông nói về chính mình: “Không sâu về y học, nhưng lại chuyên mang đến cho người dân quê những toa thuốc bổ khi họ đang trong lúc nghèo khó, túng quẫn”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên