Xây dựng Hà Nội thanh lịch văn minh: Có nên siết nhập cư?

(VOV) -Theo GS TS Nguyễn Minh Thuyết, siết nhập cư không phải là một giải pháp tốt. Điều này không có lợi gì cho việc xây dựng thủ đô.

Hà Nội đang tiếp hành tiếp thu góp ý của các nhóm khách để tiến tới xây dựng một hệ thống quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Hệ thống này sẽ bao gồm những qui định cụ thể đơn giản, dễ thực hiện nhưng lại cơ bản, thiết thực, vừa đảm bảo được quyền của mỗi công dân nhưng cũng làm rõ được nghĩa vụ của mỗi cá nhân trước cộng đồng, xã hội.

Phóng viên VOV phỏng vấn GS TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội xung quanh vấn đề này.

** Thưa giáo sư, sự xuống cấp văn hóa ứng xử trong cộng đồng, những hiện tượng tiêu cực gần đây trong ứng xử đã đặt ra những vấn đề đáng báo động về văn hóa ứng xử ở Hà Nội. Ông có nhận xét gì về tính cấp thiết của việc ban hành một hệ thống quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh?

Thực ra những việc này đáng lẽ chúng ta phải làm từ lâu. Những hương ước cổ có từ thế kỷ 15 rồi, trong đó có nhiều làng nhất là những làng nghề của Hà Nội, đã có từ lâu. Đến thời xây dựng xã hội mới có nhiều hương ước không được tôn trọng, sử dụng nữa.

GS TS Nguyễn Minh Thuyết

-

Nhưng rất may từ những năm bắt đầu đổi mới, chúng ta có chủ trương khuyến khích các khu dân cư, các làng xã xây dựng hương ước mới, nhiều hương ước đã được xây dựng nhưng chủ yếu ở nông thôn, làng nghề còn ở khu dân cư thì có những qui ước về đời sống văn hóa trong phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa chứ chưa có nhiều địa phương xây dựng kiểu như hương ước.

** Việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử này phải căn cứ vào đâu? Nên chăng luật hóa những hành vi cư xử thiếu văn minh?

Từ xưa đến nay ở nước nào cũng vậy có 2 loại chuẩn mực điều chỉnh hành vi con người. Một là những chuẩn mực đạo lý có trước và thứ hai là những chuẩn mực pháp lý. Có những chuẩn mực đạo lý được chuyển đổi thành chuẩn mực pháp lý.

Chúng ta biết vừa qua phải có đến hàng chục bộ ngành cơ quan xây dựng qui tắc ứng xử của cán bộ nhân viên của mình. Những qui tắc ứng xử ấy do cán bộ cơ quan quản lý nhà nước ban hành thì theo qui định những văn bản đó được gọi là các văn bản qui phạm pháp luật. Vi phạm những qui định đó được coi là vi phạm pháp luật.

Còn những vi phạm khác chúng ta phải giải quyết bằng những giao ước giữa những thành viên cộng đồng đó với nhau chứ không phải việc gì cũng luật hóa được, nhất là lĩnh vực ứng xử, đạo đức, tinh thần.

Có những vấn đề có thể luật hóa là cán bộ phải đối xử với nhân dân khi họ đến tiếp xúc như thế nào, hay những việc như giữ gìn vệ sinh môi trường…

Những thủ tục cưới xin, ma chay, ăn hỏi lễ lạt, rồi ứng xử thăm viếng nhau, nhường nhịn nhau trong đời sống.., là qui tắc về đạo lý khó có thể luật hóa được.

** Vai trò của hệ thống quy tắc ứng xử trong việc xây dựng văn hóa ứng xử là rất cần thiết, nhưng chúng ta sẽ xây dựng mới toàn bộ những qui tắc đó hay là đúc kết từ những nguyên tắc mang tính truyền thống kết hợp với việc điều chỉnh, bổ sung, xây mới phù hợp với nhu cầu của đời sống?

Chắc chắn phải kết hợp cả cũ và mới. Vì qui tắc đạo đức phải có gốc rễ từ lâu đời trong truyền thống dân tộc. Phải tận dụng những qui ước ấy. Có những vấn đề bây giờ mới nảy sinh thì xây dựng những qui tắc mới.

Trước đây, ứng xử giữa con người với nhau được chú ý nhiều hơn. Bây giờ bên cạnh đó còn phải chú ý đến ứng xử với môi trường. Đó là những nét mới mà chắn chắn phải có sự bổ sung. Nhiều mối quan hệ giữa con người mới nảy sinh phải có sự bổ sung để có những qui tắc ứng xử cho nó đúng đắn. 

** Có một số ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân khiến văn hóa Hà Nội đi xuống là do người nhập cư và cần siết nhập cư. Giáo sư nghĩ thế nào về vấn đề này?

Trước sau tôi cũng phản đối chuyện siết nhập cư. Phân tích về sự suy thoái của văn hóa, phân tích về nhiều bức xúc trong xã hội hiện nay như nạn tắc đường, quá tải dân cư có nhiều nguyên nhân không đúng. Đất lành thì chim đậu, không thể cấm được người dân về đây sinh sống.

Siết chặt vấn đề nhập cư chỉ để giải quyết vấn đề có hay không có hộ khẩu thôi. Thực tế, không cấp hộ khẩu, người dân vẫn về đây sống mà lại không quản lý được. Vì vậy, siết nhập cư không phải là một giải pháp tốt. Làm không tốt thậm chí còn gây ra một khoảng cách giữa người dân thủ đô và người dân ở các địa phương khác. Điều này không có lợi gì cho việc xây dựng thủ đô.

Rất nhiều nhà khoa học, rất nhiều nghệ sĩ, thậm chí nhiều nhà lãnh đạo của ta bây giờ đâu có phải gốc gác Hà Nội mà chỉ mới một đời ở đây thôi. Nếu ngay từ đầu khi họ đến Hà Nội mà Hà Nội siết nhập cư thì giờ lấy đâu ra những người tài năng như thế để quản lý xã hội cho tốt đẹp được.

** Hà Nội đang quá tải, vậy không siết nhập cư, theo ông có biện pháp nào khả thi không?

- Phải phát triển kinh tế dịch vụ thật tốt ở những nơi mới xây dựng khu vực ven đô. Hiện các khu này đã được xây dựng rất đẹp nhưng trường học tốt không có, bệnh viện tốt không có, chợ búa cũng không có thì người dân ở khu vực ấy cũng không thể sống. Người ta sẽ vào trung tâm thành phố để cho con đi học, đi khám chữa bệnh và đi chợ…

Thứ hai là Nhà nước phải có kế hoạch phát triển kinh tế đồng đều ở các vùng. Nếu  chỉ tập trung phát triển ở một số vùng, thì người dân ở các nơi theo nguyên tắc đất lành chim đậu, nước chảy chỗ trũng sẽ đổ xô đến những nơi ở. Nếu quanh Hà Nội có nhiều tỉnh như Đà Nẵng thì người ta sẽ đến đó sống chứ không ở đây. Phải phân tích đúng nguyên nhân của tất cả vấn đề này để giải quyết nguyên nhân chứ đừng giải quyết triệu chứng.

** Xin cảm ơn Giáo sư!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên