Giá cà phê lên xuống thất thường làm khó người trồng và kinh doanh ở Đắk Lắk
VOV.VN - Giá cà phê lên xuống thất thường nên một số doanh nghiệp nhỏ chỉ dám kinh doanh cà phê theo cách cầm chừng, còn nông dân lại thấp thỏm vì bán ngay lo giá tiếp tục lên, còn giữ lại lo giá sẽ giảm nhiều.
Giá cà phê hiện tại cao khoảng gấp rưỡi niên vụ trước, đã mang lại cú hích đáng kể để các tỉnh Tây Nguyên cải thiện tình hình kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân. Tuy nhiên, với người kinh doanh cà phê, đây là niên vụ đầy thách thức, vì giá mua-bán cà phê biến động khó lường, rủi ro luôn rình rập. Đảm bảo hoạt động kinh doanh vụ này là rất khó. Một số doanh nghiệp nhỏ chỉ dám kinh doanh cầm chừng, còn nông dân lại thấp thỏm vì bán ngay lo giá tiếp tục lên, còn giữ lại thì lo giá sẽ giảm nhiều.
Ông Nguyễn Trọng Ngọc có DN kinh doanh cà phê lâu năm ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. Năm ngoái, thời điểm cận Tết dương lịch, DN của ông đã thu mua gần 600 tấn cà phê nhân, tổng tiền vốn huy động khoảng 24 tỷ đồng. Niên vụ năm 2023 – 2024 này, dù cà phê trong dân rất nhiều, tiền vốn không thiếu, nhưng DN mới chỉ thu mua rất ít.
Theo ông Ngọc, một phần nguyên nhân là người dân có tâm lý găm hàng chờ giá tăng, phần khác là giá cà phê biến động với biên độ lớn, DN cảm nhận được nhiều rủi ro. Cụ thể, từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 12, cà phê có những mạch tăng giá 7 ngày liên tiếp, nhưng cũng có mạch giảm giá 1 tháng liên tiếp, có ngày giảm đột ngột tới 7 triệu đồng/1 tấn. Trong tháng 12 vừa qua, giá cà phê cơ bản giữ mức tăng, có lúc lên gần 70 triệu đồng/tấn, nhưng đầu tháng 1 lại trong xu thế giảm và hiện lại đang tăng. Ông Ngọc cho rằng, trong lúc thị trường lên xuống thất thường như hiện nay, ông bằng lòng với trạng thái mua bán cầm chừng.
“Cà phê rất nhạy cảm và rủi ro, có thể giá xuống bất chợt DN sẽ lỗ. Nếu theo giá thị trường giữ DN sẽ lãi một chút không sẽ hòa vốn. Nói chung kinh doanh cà phê theo từng giai đoạn thị trường và theo cảm nhận của mỗi DN, mua trước bán sau nên tuân theo quy luật thị trường”, ông Ngọc chia sẻ.
Giá cà phê tăng-giảm với biên độ lớn không chỉ thử thách DN. Nhiều nông dân cà phê cũng bị rối trí, không biết nên bán ngay hay tiếp tục chờ sản phẩm tiếp tục lên giá. Bà Nguyễn Thị Nguyệt ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắk có 2.900 cây cà phê trồng xen sầu riêng. Mấy năm nay sầu riêng trúng mùa nên gia đình có điều kiện để chờ cà phê lên giá, nhưng chưa khi nào bà bán được cà phê đúng vào thời điểm giá tốt.
“Năm 2021 – 2022 cà phê nhà trồng bán giá 35.000 đồng/kg vì khi đó gia đình cần tiền. Nhưng cũng năm đó có thời điểm giá cà phê lên cao tới 48.000 – 49.000 đồng/kg và cứ nghĩ giá sẽ tăng nữa nhưng lại hạ, nên khi bán rẻ tiếc cũng phải chịu. Còn năm 2022 – 2023 gia đình cũng chờ giá lên đến 69.000 – 70.000 đồng/kg và nghĩ sẽ tăng nữa mới bán, nhưng giá lại hạ xuống 65.000 đồng/kg và do cần tiền lại phải bán. Vụ năm nay gia đình chưa vội chốt, để tính toán lại và chờ giá có lên nữa không. Cần tiền đến đâu sẽ bán tới đó, giá lên thì chờ, giá xuống đành chấp nhận”, bà Nguyệt tính toán.
Từ khi đất nước đổi mới, nông dân được tự do sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật, cây cà phê luôn là động lực tăng trưởng của khu vực Tây Nguyên, nhất là Đắk Lắk. Thời kỳ đỉnh cao, năm 1995-1996, cà phê từng giúp Đắk Lắk đạt mức tăng trưởng kinh tế trên dưới 20%/năm. Nhưng sau những đỉnh cao cà phê tạo nên, thường là những đợt suy giảm kéo dài, kéo theo các trận bão vỡ nợ của các DN và đại lý, ảnh hưởng tới hàng nghìn nông hộ.
Công tác tại DN có bề dày 30 năm kinh doanh, xuất khẩu cà phê và có lịch sử chưa năm nào thua lỗ, ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Marketing Công ty TNHH XNK 2/9 (Simexco) Đắk Lắk nêu kinh nghiệm, khi giá cà phê lên cao, mức biến động giá lớn DN càng phải chú trọng các phương án để quản trị rủi ro. Như niên vụ này, việc quay vòng vốn nhanh là rất quan trọng, nhằm thích ứng với nguy cơ sập giá có thể xảy ra.
“Niên vụ 2023 – 2024 DN có những chiến lược để làm sao thực hiện đồng bộ việc quản trị rủi ro về giá, mua hàng với nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời tổ chức sản xuất chế biến, xuất khẩu ngay tại chỗ và đẩy nhanh quay vòng vốn. Ngoài ra, DN cũng đẩy nhanh việc thu mua cà phê nguyên liệu, và duy trì giá mua cao cho bà con”, ông Sơn cho hay.
Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 213.000 ha cà phê, sản lượng niên vụ 2023 – 2024 này ước đạt 580.000 tấn cà phê. Sản lượng cả phê xuất khẩu của tỉnh dự kiến nằm ở mức 330.000 tấn. Nếu mức giá ở mức cao như hiện nay và biến động nhẹ trong thời gian tới, kim ngạch xuất khẩu cà phê có thể đạt tới 900 triệu USD.
Song song với tận dụng cơ hội mới từ thị trường, Đắk Lắk vẫn trên lộ trình nâng cao cả năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng cường thu hút đầu tư vào chế biến sâu. Coi chất lượng hạt cà phê nhân và gia tăng tỷ trọng chế biến sâu là cách duy trì tính bền vững của ngành hàng, tránh những rủi ro từ thị trường.