Dự án Luật Đăng ký bất động sản sẽ không đưa ra kỳ họp Quốc hội sắp tới

Dự án Luật này chưa có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008, vì vậy không trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.

Chiều 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến về hai Dự án: Luật Đăng ký bất động sản và Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm. Riêng đối với Dự án Luật Đăng ký bất động sản (BĐS), đa số đại biểu đều nhất trí cho rằng, dự án Luật này chưa có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008, vì vậy không trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Dự án Luật Đăng ký bất động sản ra đời sẽ tăng cường tính minh bạch, phòng tránh được rủi ro, đem lại nhiều lợi ích cho người dân, đặc biệt là tạo bước đột phá cho thị trường BĐS nước ta. Đây là dự án được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, được nhiều cơ quan, tổ chức liên quan đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, các thành viên của Ủy ban Pháp luật QH vẫn còn nhiều băn khoăn về những nội dung xung quanh dự án Luật này. Ủy ban Pháp luật đề nghị: Ban soạn thảo cần quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết số 07/2007/QH 12 ngày 12/11/2007 của QH về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2008 là rà soát, sửa đổi những vướng mắc trong Luật đất đai, Luật nhà ở và các luật có liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai và tài sản gắn liền với đất; sửa đổi, bổ sung ngay những quy định chưa phù hợp trong các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này, bảo đảm tính thống nhất, đầy đủ, rõ ràng, sát thực tế mà không nhất thiết phải ban hành Luật đăng ký BĐS với nội dung như dự thảo đã trình. Hiện dự án luật này chưa có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008, vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị không bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008 và không trình QH tại kỳ họp sắp tới.

Tán thành những ý kiến của Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói riêng và giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản đối với các loại BĐS gắn liền với đất là một trong những nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước, không thể và không nên giao cho Văn phòng đăng ký BĐS là đơn vị sự nghiệp thực hiện. Bởi, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý, do đó quy định cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và huyện như hiện nay là hợp lý. Việc giao thẩm quyền cho Văn phòng đăng ký BĐS chỉ có ý nghĩa về mặt lý thuyết và hoàn toàn không thực tế. Hơn nữa, việc quy định người dân vừa phải đăng ký để được cấp giấy chứng nhận, vừa phải đăng ký đối với BĐS đó để được tham gia vào các giao dịch dân sự làm phát sinh nhiều giấy tờ, thủ tục, gây lãng phí thời gian, tốn kém, phiền hà cho dân, cho xã hội. Đây là vấn đề cần được xem xét, cân nhắc kỹ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị, dự án Luật này cần bàn kỹ hơn. Qua tìm hiểu một số bà con Việt kiều ở nước ngoài, họ vẫn còn băn khoăn việc đăng ký tài sản rất phức tạp, thậm chí kéo dài hàng tháng. Đây là vấn đề cần xem xét lại để dự án Luật có đủ điều kiện tư cách pháp nhân xử lý tốt những vấn đề đặt ra trong thực tế đời sống. Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình đều bày tỏ băn khoăn về tính pháp lý của việc đăng ký BĐS; đồng thời cho rằng, dự án Luật này đưa ra quá nhiều thủ tục, gây phiền hà cho người dân. Mặt khác, Luật này do còn nhiều ý kiến khác nhau, đề nghị Ban soạn thảo nên báo cáo lại với Chính phủ về vấn đề này, tiếp tục nghiên cứu thêm để đưa vào thời điểm thích hợp. Phụ trách công tác dân nguyện Trần Thế Vượng cũng tán thành với các ý kiến này và cho rằng, xung quanh dự án Luật Đăng ký BDS vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn kỹ, tránh gây phát sinh nhiều vấn đề và tránh chồng chéo với đạo luật khác.

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng đề nghị dự án Luật này không nên trình kỳ họp QH sắp tới. Ban soạn thảo cần xem xét lại và có cuộc trao đổi giữa cơ quan thẩm tra và các bên có liên quan. Đồng tình với quan điểm này, các ý kiến của một số đại biểu thuộc Uỷ ban Pháp luật khẳng định việc đề nghị dự án Luật này không trình QH, vì Uỷ ban Pháp luật ý thức rất rõ trách nhiệm vấn đề này trước QH, còn nếu Chính phủ trực tiếp đề xuất thì cần xem xét, thảo luận tiếp.

Cho ý kiến về những vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đây là hai dự án Luật đòi hỏi ban soạn thảo phải nghiên cứu kỹ. Với tinh thần trách nhiệm cao, Uỷ ban TVQH tán thành với các ý kiến của các thành viên là chưa nên trình QH. Bởi, hầu hết giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra còn nhiều ý kiến khác nhau; bản thân dự án Luật này chưa nằm trong chương trình pháp lệnh năm 2008; hơn nữa thời gian rất gấp, nếu đưa vào chương trình thì chưa đủ điều kiện… Đề nghị ban soạn thảo nên nghiên cứu thêm, tiếp tục cộng tác với các đơn vị có liên quan để dự án Luật này có tính thuyết phục hơn.

Kết luận về dự án Luật Đăng ký BĐS, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng nhất trí quan điểm với các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Phó Chủ tịch đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục tổ chức hội thảo để làm rõ hơn những vấn đề vẫn còn băn khoăn; đồng thời nên lùi lại dự án Luật này để có tính khả thi hơn.

Về dự án luật đăng ký giao dịch bảo đảm, nhiều đại biểu cho ý kiến nhiều vấn đề khác nhau xung quanh về sự cần thiết phải ban hành Luật; mục đích của việc đăng ký giao dịch bảo đảm; tính khả thi của việc quy định thống nhất theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục chung đối với các đăng ký giao dịch bảo đảm; mối quan hệ giữa việc đăng ký giao dịch bảo đảm với việc công chứng, giữa giá trị của việc đăng ký giao dịch bảo đảm với giá trị của việc công chứng…../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên