Bệnh Tim mạch đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu

Theo GS TS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch học Quốc gia, ở Việt Nam những năm 1980, bệnh Tim mạch gây tử vong cao ở hàng thứ tư; còn từ năm 2000 thì bệnh này gây tử vong hàng đầu. Nhóm người mắc bệnh cũng ngày càng trẻ hơn

Hội nghị Tim mạch học Đông Nam Á lần thứ 17 được tổ chức tại Hà Nội từ18 đến 21/10/2008. Đây là một sự kiện lớn, sẽ quy tụ chuyên gia tim mạch học xuất sắc từ các nước Đông Nam Á, Châu Á, Châu Âu, Mỹ, Australia… đến tham dự, cùng sẻ chia kinh nghiệm, nâng cao kiến thức để mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống lại các bệnh lý tim mạch.

VOVNews phỏng vấn Giáo sư Tiến sĩ Phạm Gia Khải, Anh hùng Lao động, Chủ tịch Hội Tim mạch học Quốc gia Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức và Ủy ban Khoa học Hội nghị Tim mạch học Đông Nam Á lần thứ 17.  

PV: Thưa Giáo sư,
Với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Tổ chức và Ủy ban Khoa học Hội nghị Tim mạch học Đông Nam Á lần thứ 17, xin Giáo sư cho biết về ý nghĩa khẩu hiệu năm nay “Chung tay giảm nhẹ gánh nặng bệnh Tim mạch tại Đông Nam Á”; và những mục tiêu mà Hội nghị hướng tới?

GS TS Phạm Gia Khải: Hiện nay, bệnh tim mạch đã trở thành một đe dọa đối với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển mạnh mẽ. Đông Nam Á là một khu vực nhạy cảm với nhiều đặc điểm chung về kinh tế, xã hội, địa lý… Do đó, sự kết hợp giữa các nước ASEAN trong lĩnh vực Tim mạch là cần thiết, có lợi, nên làm, và khả thi. 

PV: Xin Giáo sư cho biết vài nét về tình hình bệnh tim mạch ở Việt Nam hiện nay? Bệnh có gia tăng không, có phụ thuộc vào lứa tuổi và các bệnh liên quan hay không, thưa Giáo sư?

GS TS Phạm Gia Khải: Bệnh Tăng huyết áp là một ví dụ khá rõ rệt về sự phát triển bệnh Tim mạch tại Việt Nam:

 1960: người bệnh chiếm 1% dân số trưởng thành tại miền Bắc

GS TS Phạm Gia Khải

 1976: người bệnh chiếm 1.9% dân số trưởng thành tại miền Bắc

 …..............................
 1992: 11.7% đối với cả nước

 1999 16,05% ở nội thành Hà Nội.

 2001: 23,06% ở nội thành Hà Nội.

 2007: 16,32% đối với cả nước.

Chúng tôi có nhận xét là tỷ lệ tăng huyết áp ở các vùng địa lý và kinh tế khác nhau cũng rất khác nhau. Cao nhất là vùng thành thị (23,3%), sau đó là vùng duyên hải (16,6%), và sau cùng là vùng đồng bằng (12,4%) và trung du (13,9%).

Nói chung, vùng thành thị miền Bắc Việt Nam người bệnh tăng huyết áp chiếm 22,7%, trong khi nông thôn là 12,26%. Một số khu vực thành thị có tỷ lệ người bệnh rất: thành phố Vinh (Nghệ An): 31,9%, tiếp sau đó là Hà Nội: 23,3%, thị xã Thái Bình: 20,1%, thành phố Thái Nguyên: 16,4%.

Vùng nông thôn Nghệ An cũng có tỷ lệ bệnh tăng huyết áp cao nhất, sau đó là Thái Nguyên, và thấp nhất là vùng nông thôn của tỉnh đồng bằng Thái Bình.

Bệnh tim mạch là bệnh có nguy cơ gây tử vong cao. Năm 1980, bệnh Tim mạch là bệnh gây tử vong cao đứng ở hàng thứ tư, còn từ năm 2000 thì bệnh này gây tử vong hàng đầu.

Theo các năm

Hàng đầu

Thứ hai

Thứ ba

Thứ tư

1980

Nhiễm khuẩn

Sơ sinh

Ung thư

Tim mạch

1990

Nhiễm khuẩn

Tim mạch

Ung thư  

Sơ sinh

2000

Tim mạch

Ung thư

Các nguyên nhân khác 

Nhiễm khuẩn

Trước những năm 80-90 của thế kỷ trước, bệnh van tim do thấp chiếm tỷ lệ bệnh suất và tử suất cao nhất, nhưng trong thập kỷ gần đây nhất, các biến chứng của bệnh tăng huyết áp và các bệnh có liên quan đã trở thành nổi bật, thường ở lứa tuổi 50 trở lên, và xu hướng trẻ dưới lứa tuổi đó ngày càng rõ (30-40 tuổi). Còn các bệnh van tim, tuy có giảm hơn trước (3,5 phần nghìn ở lứa tuổi 7-15 tuổi) nhưng vẫn còn cao hơn ở nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, như Thái Lan, Malaysia, Singapore.

Đáng chú ý nữa là bệnh đái tháo đường cũng phát triển song song với tăng huyết áp và là một yếu tố nguy cơ không thể coi nhẹ được, đặc biệt với Việt Nam, một nước vùng châu Á - Thái Bình Dương, nơi có tỷ lệ bệnh này gia tăng mạnh nhất hiện nay và trong vài thập kỷ tới, theo dự báo của Hội Đái tháo đường thế giới và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Qua điều tra dịch tễ học các bệnh Tim mạch do Viện Tim mạch Việt Nam tiến hành thời gian qua, sự thay đổi lối sống, sinh hoạt, ăn uống (thiếu điều độ), là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này. 

PV: Xin Giáo sư cho biết về tình hình nghiên cứu về bệnh tim mạch học và trình độ điều trị căn bệnh này của Việt Nam ở mức độ nào so với khu vực và thế giới?

GS TS Phạm Gia Khải: Hiện nay, Việt Nam có 1 Hội Tim mạch học Quốc gia, 18 Trường Đại học Y, hoặc Đại Học trong có khoa Y, 12 Trung tâm Tim mạch hoặc Viện Tim mạch, có 37 bệnh viện tỉnh có chuyên khoa Tim mạch riêng, có 17 trung tâm, bệnh viện, có khả năng can thiệp tim mạch, 12 trung tâm có khả năng mổ tim hở, dùng tuần hoàn ngoài cơ thể.

Nhiều kỹ thuật mới, phục vụ cho thực tế bệnh học tim mạch đã, đang được triển khai, như: sử dụng các phương tiện chẩn đoán hiện đại (chụp buồng tim và các mạch máu, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ hạt nhân, y học hạt nhân...), can thiệp tim mạch: nong và đặt giá đỡ động mạch vành, nong van hai lá bằng bóng qua da, bít các lỗ thông bẩm sinh trong tim, thăm dò điện sinh lý và triệt phá các ổ ngoại vị gây loạn nhịp tim; phẫu thuật tim hở, dùng tuần hoàn ngoài cơ thể, đặc biệt là sửa van tim, như van hai lá, thuộc nơi có nhiều kinh nghiệm nhất ở Đông Nam Á.

Gần đây, chúng ta nghiên cứu công nghệ sử dụng tế bào gốc (trong điều trị suy mạch vành...). 

PV: Như vậy, có thể nói bệnh tim mạch ở Việt Nam là một vấn đề lớn. Để giảm tỷ lệ bệnh trong dân số, chúng ta cần phải tiến hành các biện pháp tích cực nào, thưa Giáo sư?

GS TS Phạm Gia Khải: Để kiểm soát được bệnh tim mạch, ngành Tim mạch đã, đang làm và tiếp tục phát triển những việc sau đây: Phát triển mạng lưới chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch đến các tỉnh, thành phố; tăng cường công tác tiêm phòng thấp tim thứ phát, từng bước hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới để trao đổi kinh nghiệm và tiến bộ khoa học; tăng cường sử dụng những kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Một việc vô cùng quan trọng là cần tổ chức bằng nhiều biện pháp để giáo dục, phổ biến kiến thức y học cần thiết cho cộng đồng; đặc biệt là lối sống, cách ăn uống hợp lý để phòng bệnh.

Theo kinh nghiệm nhiều thập kỷ qua, chúng tôi thấy phải có giải pháp đồng bộ trong phòng và chữa bệnh: Phòng bệnh không nên hiểu giản đơn chỉ là vệ sinh phân, nước, rác, tiêm chủng mở rộng, mà còn nhiều mặt khác nữa như vệ sinh thực phẩm, môi trường, công nghiệp, qui hoạch đô thị, nông thôn, hợp lý, giáo dục học đường, giáo dục thường xuyên bằng nhiều hình thức, bao gồm cả các phương tiện thông tin đại chúng. Phòng bệnh là công tác thường xuyên, có liên quan tới nhiều ngành, nhiều giới, không phải chỉ là của riêng ngành Y tế.

Còn chữa bệnh, ta nên xác định biện pháp nào hữu hiệu nhất, phù hợp nhất, vừa có lợi cho người bệnh Việt Nam, vừa giúp nơi khác nữa. Công tác giao lưu y học là quan trọng. Và cán bộ y tế của chúng ta phải được chú ý đào tạo tốt; có bài bản, để có kiến thức và kỹ thuật luôn được cập nhật; có như vậy mới xứng đáng với sự mong đợi của nhân dân.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên