Bi kịch Rào Trăng, Trà Leng: Đến bao giờ lương tri con người mới thức tỉnh?
VOV.VN - Trước những bi kịch Rào Trăng, Trà Leng và cả những mất mát, hy sinh của những người lính trong thời bình, đến khi nào lương tri con người mới thức tỉnh?
Nỗi đau Rào Trăng chưa kịp nguôi ngoai. Tiếng khóc của những người phụ nữ mất chồng con - những người lính của Đoàn KT-QP 337 vẫn còn thổn thức. Miền Trung tang thương, miền Trung kiệt quệ.
Vậy mà vẫn chưa đủ, cơn thịnh nộ của thiên nhiên lại tiếp tục giáng xuống dải đất vốn chưa bao giờ hết khốn khó. Thêm những trận lở đất kinh hoàng vùi nát ngôi làng bình yên của bà con dân tộc huyện miền núi Nam Trà Mỹ và Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam, hàng chục người dân bị vùi lấp và mất tích. Những bản tin dồn dập về công tác cứu hộ cứu nạn, những thi thể được đưa ra khỏi đống bùn nhão nhoét, con số thương vong cứ tiếp tục tăng lên như thử thách sức chịu đựng của tất cả chúng ta. Hình ảnh cô học trò gục khóc bên nấm mồ cha mẹ như chạm đến trái tim của mỗi người, buốt nhói, trăn trở.
Giữa nỗi đau thảm họa, việc đầu tiên cần làm là xoa dịu nỗi đau, là quan tâm và sẻ chia khó khăn với bà con, nhưng cũng không còn sớm khi lật lại những câu hỏi dường như chưa bao giờ có được một câu trả lời thỏa về nguyên nhân và trách nhiệm. Tại sao những cánh rừng biến mất và vì đâu, nhiều dự án thủy điện được phê duyệt ở rừng phòng hộ, khu bảo tồn, nối tiếp nhau trên thượng nguồn một con sông nhỏ? Người ta nhắc nhiều đến lợi ích thủy điện mang lại nhưng lại lờ đi hình ảnh những cánh rừng bị cày xới, phá nát để nhường đất xây dựng nó.
Nhiều chuyên gia tính toán, để tạo ra 1 MW điện phải đánh đổi ít nhất 10 ha rừng. Trung bình mỗi dự án thủy điện được hình thành, sẽ có hơn 120 ha rừng bị xóa sổ. Vậy là khai thác gỗ giờ không trực diện mà “uyển chuyển”, “linh hoạt” thông qua những dự án chuyển đổi diện tích rừng được cho là nghèo để làm thủy điện, ồ ạt và “vượt tầm kiểm soát” ở nhiều địa phương. Đây mới thực là một vấn đề nhức nhối
Phá hủy rừng để đạt tham vọng sẽ phải trả giá bằng những cơn thịnh nộ của đất trời. “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” - Câu nói thấm đẫm triết lý của cha ông cho đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị.
Trước những bi kịch Rào Trăng, Trà Leng và cả những mất mát, hy sinh của những người lính trong thời bình, đến khi nào lương tri con người mới thức tỉnh?./.