Phú Quang- nhạc sỹ của Hà Nội

Qua âm nhạc của ông, thấy một Hà Nội rất gần gũi, thân thiết, sâu lắng, tràn đầy trong ký ức và vô cùng đặc biệt với những ai đã từng sinh ra và lớn lên trên đất Hà Thành.

Tôi yêu thích âm nhạc của Phú Quang. Giữa những nhọc nhằn, lo toan, xô bồ của cuộc sống hối hả… được đắm mình trong tiếng đàn piano của ông là  được mơ, được miên man cùng những hoài niệm. Tôi tìm thấy ở ông sự đồng điệu trong tình yêu Hà Nội.

Tôi đã bao lần lang thang quanh hồ trong cái heo may Hà Nội để cảm nhận cái “ngây ngất nắng”, cái “run run heo may…”

Tôi cũng đã đi đến tận cùng sâu thẳm đêm Hà Nội để đắm mình trong “không gian dạ hương sâu thẳm… nồng nàn hoa sữa…” cảm nhận hết sự “im lặng đến tê người

Tôi cũng từng dạo quanh phố Hà Nội trong những ngày mưa tháng 6 cùng những hoài niệm dấu yêu, thầm hát câu hát của ông:

“… Tháng 6 mưa, mưa

Nghe ca khúc

  • Nỗi nhớ mùa đông (BD: Lê Dung)

  • Hà Nội ngày trở về (BD: Ngọc Tân)

     

Giá trời đừng mưa
Và anh đừng nhớ

Hoa cúc vườn nhà ai thả từng chùm
Cho anh thương áo em vàng.
Tháng sáu trời buồn,
Tháng sáu riêng anh,
bầy chim sẻ hiên nhà bay mất
Như em. Như em…”

Rồi những chiều đông buồn tôi cũng để tâm hồn dạo quanh những con đường Hà Nội trong “sương giăng phố vắng, hàng cây lặng im, phố cổ mặc trầm…”, đắm chìm trong hoài niệm rồi cảm nhận cái “lạnh giá đến bơ vơ”…

Cũng như ông, tôi da diết yêu thành phố nhỏ bé này. Mỗi khi xa Hà Nội tôi tìm thấy sự đồng cảm trong nỗi nhớ Hà Nội. Tôi nhớ đêm Hà Nội như ông muốn “… lấy cho mình dủ chỉ là chút bóng đêm trên đường phố quen”. Tôi nhớ lại những chiều dạo trên cầu Long Biên như ông nhớ “sông Hồng cuộn đỏ”. Tôi cũng nhớ từng góc phố nhỏ nơi có “rêu phong bên những gốc cây già” và tôi thầm hiểu được nỗi nhớ da diết của ông trong câu hát “Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ, tôi vội vã trở về để nghe tim mình rưng rưng trong nước hồ thu…”.

Qua âm nhạc của ông, thấy một Hà Nội rất gần gũi, thân thiết, sâu lắng, tràn đầy trong ký ức và vô cùng đặc biệt với những ai đã từng sinh ra và lớn lên trên đất Hà Thành. Rất nhiều người đã gọi ông là Nhạc sĩ của Hà Nội.

Gặp ông “ngồi thiền” (theo như cách nói của ông) tại một quán cà phê Hà Nội trong một sáng đầu thu, tôi được ông chia sẻ vài xúc cảm, tâm sự về Hà Nội. 


* Thưa nhạc sỹ, trở về Hà Nội sau nhiều năm sống ở thành phố Hồ Chí Minh, cảm xúc của ông thế nào?

Bình yên hơn và thanh thản hơn. Tôi đã có quá nhiều vất vả và chen lấn với cuộc đời này để tồn tại, để khẳng định mình, bởi thế lúc này tôi muốn được trở về với những gì thật nhất của mình. Tôi cũng không cần phải nghĩ nhiều về sự được- mất, vinh- nhục của cuộc đời này, nên Hà Nội là nơi lý tưởng nhất cho những ý nghĩ của tôi. 

* Bài hát nào về Hà Nội nhạc sĩ tâm đắc nhất?

Tôi là người cả thèm chóng chán… chính mình, bởi thế tôi không có một bài hát hay tác phẩm âm nhạc nào mà tôi có thể ôm ấp vuốt ve với vẻ mặt dương dương tự đắc và rất viên mãn được.

Nhưng dù vậy, bài hát của tôi bao giờ cũng đầy ắp kỷ niệm, bởi lẽ rất giản đơn là nếu tôi không viết từ những kỷ niệm sâu thẳm nhất thì tôi cũng chẳng bao giờ có nổi một tác phẩm ra đời. 

* Những bài hát hay nhất về Hà Nội của ông có phải được viết khi nhạc sỹ ở xa Hà Nội?

Cũng không hẳn như bạn nghĩ. Tôi cũng có rất nhiều tác phẩm khác được viết về những điều khác và cả những vùng đất khác mà cũng được công chúng ghi nhận. Ngay cả những bài hát về Hà Nội của tôi còn sống trong tình yêu của nhiều người thì cũng có những bài tôi viết ngay giữa lòng Hà Nội trong ngày tôi trở về như “Im lặng đêm Hà Nội” hay “Tôi muốn mang Hồ Gươm đi”… 

* Nghe nói mối tình đầu của nhạc sỹ là ở Hà Nội, ông có thể tiết lộ chút bí mật về cuộc tình này? “Nàng” xuất hiện trong bài hát nào của ông?

Bởi vì đã đến lúc mà người ta có thể chẳng cần giấu điều gì, nên tôi cũng thỏa mãn sự tò mò của bạn vậy.

Tôi về lại Hà Nội năm tôi 5 tuổi và đến tận năm 37 tuổi tôi mới rời Hà Nội để tha hương sau khi đã có vợ có con, vậy thì điều mà bạn nghe nói (mối tình đầu của tôi là ở Hà Nội) là chắc chắn quá rồi.

Còn mối tình đầu thì ở trong bài hát “Điều không thể nói”. Hồi đó bọn tôi yêu thì rất say đắm trong tưởng tượng, nhưng ngoài đời thì “Đưa em về chẳng dám cầm tay”… Thanh niên bây giờ mà nghe chuyện này chắc sẽ cười mà kêu rằng: “Ối giời ơi, nhà quê thế!…”. 

* Ông có nhiều ca khúc phổ thơ, phần lời của người khác…

Tôi thích tính chuyên nghiệp. Ví dụ, Schubert  (nhạc sĩ thiên tài người Áo Franz Schubert (1797 - 1828)- PV) được mệnh danh là “hoàng đế ca khúc”, ông hầu như không viết lời mà phổ thơ. Nhưng có ai dám nói ông không phải nhạc sĩ thiên tài?

Trong rất nhiều bài hát, tôi đề tên nhà thơ, mặc dù có nhà thơ chỉ có 4 chữ, chỉ 8 chữ, hay 2 câu trong bài hát ấy, tôi vẫn trân trọng đề tên. Không phải đó là tôi nịnh họ, mà tôi nghĩ rằng nếu không có gợi ý từ những câu thơ ấy, chưa chắc bài hát đã hay.

Ví dụ “Hà Nội ngày trở về”, có câu “Vội vã trở về vội vã ra đi” phổ thơ Doãn Thanh Tùng, tôi cho rằng đó là 8 chữ hay nhất bài hát ấy.

Có những bài thơ khi phổ nhạc tôi gần như để nguyên. Nhưng cũng có bài thì sửa một đôi chữ để hát. Ví dụ câu thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh: “Gió không phải là roi/ Mà quất núi phải mòn”, thì vào bài hát được sửa thành “Gió âm thầm không nói/ Mà sao núi phải mòn”… Hay “Rồi cuối cùng nỗi buồn bỏ ta đi/ Trơ trẽn nắng hoang vu chiều cỏ dại” (thơ Nguyễn Khắc Trạch), trở thành bài hát cũng được sửa vài từ, thành: “Rồi cuối cùng nỗi buồn bỏ ta đi/ Chở che nóng hoang vu chiều cỏ dại…”

Nói tóm lại, muốn phổ thơ thì phải hiểu được bài thơ… 

*  Ông hay phổ thơ của ai?

Nhiều nhà thơ, trong đó có lẽ có khá nhiều bài thơ của Thái Thăng Long (Mơ về nơi xa lắm, Heo may, Chiều phủ Tây Hồ…). Tôi thấy có nhiều câu thơ Thái Thăng Long đầy nhạc cảm.  

* Trong bài “Em ơi, Hà Nội phố” có câu: “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ” mà nhiều người rất thích… câu hát ấy nghĩa thế nào thưa ông?

Đó là câu thơ của nhà thơ Phan Vũ viết về một cô gái mà ông yêu sống ở trên đường Quan Thánh, một nghệ sĩ chơi đàn piano và cũng là một người bạn thân học cùng với tôi suốt thời trẻ. 

* Ở Hà Nội ông thường hay “lang thang” trên con phố nào? Hiện giờ, ông có còn tiếp tục lang thang trên phố Hà Nội?

Ngày xưa thì hay lang thang lắm. Còn bây giờ thì hay đến “ngồi thiền” ở các quán cà phê đẹp và ngon vào các buổi sáng. 

* Phú Quang “cất” những cuộc tình, hò hen, yêu thương và chia xa ở đâu?

Trong miền ký ức. 

* Nhiều người gọi ông là nhạc sỹ của Hà Nội, vậy nhạc sĩ nào sáng tác về Hà Nội làm ông yêu thích?

Nhiều lắm. Vì Hà Nội có một điều này: Nếu tôi không nhầm thì đây là một Thủ đô có nhiều bài hát hay nhất trên quả đất này. 

Chèn chú thích ảnh vào đây

* Hà Nội đang thay đổi rất nhanh, nó không còn nhỏ bé nữa những “góc phố rêu phong, những gốc cây già…” đang dần mất đi, nhạc sỹ có suy nghĩ gì?

Đây là “Quy luật muôn đời” mà cũng có lúc tôi nhớ và hơi tiếc những kỷ niệm cũ. Nhưng nuối tiếc thì vẫn phải vậy thôi, sao khác được phải không bạn? 

* Ở tuổi này, ông còn ấp ủ điều gì?

Sống thật nhất với mình và làm tất cả những gì mình có thể. Cảm ơn bạn và cũng xin được cảm ơn tất cả những ai đã đọc những dòng tâm sự “lăng nhăng” này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên