Thư thính giả, độc giả từ 13-19/3

Sau một tuần làm việc, chúng tôi rất vui được gặp các bạn trong hộp thư tuần này. Một tuần trôi qua với nhiều niềm vui còn đọng lại nhưng cũng có biết bao điều làm chúng ta phải suy ngẫm, trăn trở.

Quý thính giả, độc giả VOVNews thân mến!

Tâm điểm trong hàng trăm bức thư gửi về cho chúng tôi tuần này tập trung vào vụ việc nữ sinh đánh nhau. Một số độc giả bày tỏ sự bất bình, bức xúc trước những hành động dã man, coi thường pháp luật của những nhóm học sinh này. Hành động này đã làm nhiều độc giả trăn trở, suy nghĩ về tương lai của một bộ phận thế hệ trẻ, về cách giáo dục con em trong gia đình, nhà trường và xã hội.

Sau khi đọc bài “Bạo lực và vô cảm”, bạn Trần Thị Huế (buondon2009@...) bày tỏ:Tôi rất phẫn nộ khi nhìn thấy bức ảnh nữ sinh bị một nhóm bạn đánh ngay tại công viên - nơi cộng cộng nhiều người qua lại. Hơn nữa, tôi lại thấy trên ghế đá có 3-4 học sinh khác đang ngồi thản nhiên nhìn bạn nữ sinh đồng lứa bị đánh mà không có phản ứng gì. Tôi không hiểu, các học sinh đánh bạn đã đành, còn các học sinh đang ngồi nghĩ gì mà thản nhiên như thế. Sự vô cảm đáng sợ. Đây là những trụ cột tương lai của đất nước sao...? Cần xử lý nghiêm những học sinh có tính côn đồ đánh bạn dã man ngay giữa ban ngày và cả những học sinh thản nhiên ngồi nhìn bạn bị đánh. Cần phải có sự giáo dục để lớp trẻ không chỉ biết bảo vệ mình mà còn biết phẫn nộ trước những hành động bạo lực và biết bảo vệ bạn bè, người xung quanh nữa. Như thế mới là giáo dục "con người" cho tương lai”.

Bạn Đặng Khương (dangkhuong83@...) viết: “Tôi vô cùng sửng sốt trước cảnh tượng trên mặc dù cũng đã đôi lần chứng kiến cảnh học sinh nữ ở một số trường cấp 3 tụ tập để giải quyết mâu thuẫn theo kiểu "dân anh chị". Những sự việc như vậy đang là hồi chuông cảnh tỉnh về sự suy thoái đạo đức nghiêm trọng trong một bộ phận nhỏ thanh, thiếu niên. Theo tôi, các cơ quan có thẩm quyền phải ngay lập tức phối hợp với các trường có liên quan làm sáng tỏ vụ việc trên và có hình thức xử lí thật nghiệm khắc...”.

Bạn Nguyễn Trọng Khang (nhanhlanrung02021984@....) viết: “Đọc bài báo này tôi thấy rất bức xúc với những học sinh vô kỷ luật, xem thường pháp luật. Phải có biện pháp trừng trị thích đáng những học sinh này”.

Bạn Tùng Điệp (tungdiep20032003@...) viết: “Tôi rất bất bình về sự việc học sinh đánh nhau. Trong vấn đề này không những đánh nhau mà còn cố ý làm nhục người khác bằng cách xé áo... Các học sinh này phải giáo dục đến nơi đến chốn để làm gương cho những học sinh khác”.

Bạn Tommy Nguyen (songha77@...) viết: “Tôi cho đó là một hành vi không đẹp mắt chút nào. Đã là phái nữ thì cần phải thuỳ mị, nết na, đúng với bản chất của người phụ nữ Á Đông”.

Phạm Tường Vi đang đánh Nguyễn Quỳnh Anh

Một đoạn trong bức thư khá dài của bạn đọc có địa chỉ honghoatim@… gửi đến chúng tôi viết: “Các bạn học sinh thân mến, chúng ta là những người có học, là tương lai của đất nước. Chúng ta phải ý thức được những gì mình nên làm và không nên làm. Vẫn biết xã hội ngày nay có sự du nhập ồ ạt của các luồng văn hoá, tốt có, xấu có, nhưng chúng ta phải biết sàng lọc những gì tốt đẹp để tiếp thu và đấu tranh loại trừ những cái xấu”.

Bạn đọc Mai Hoa (hoamai@…) viết: “Chúng tôi vô cùng phẫn nộ về những gì đã diễn ra. Một kiểu thanh toán, trả thù theo kiểu luật rừng lại diễn ra ngay ở thủ đô. Chúng tôi mong các cơ quan có chức năng hãy cố gắng hết sức để chấm dứt ngay những việc làm tương tự. Còn các thầy cô giáo cũng cần suy nghĩ và hành động một cách nghiêm túc, có trách nhiệm hơn vì nền giáo dục nước nhà”.

Các bạn thân mến, cùng chung với nhận xét của tác giả Vũ Bích Ngọc trong bài viết: “Bạo lực và vô cảm”, nhiều bạn đọc cho rằng, việc nữ sinh dùng bạo lực để “xử lý” nhau đã trở nên phổ biến ở nhiều trường học. Lý do dẫn đến những vụ ẩu đả của học sinh thật khó có thể hiểu nổi: Thấy ghét nên đánh, vì nhìn đểu, ghen tuông, và không phải chỉ đơn giản là để giải quyết mâu thuẫn mà đánh nhau còn để "ra oai" với bạn bè.

Rõ ràng tình trạng đạo đức, lối sống của một số bộ phận học sinh phổ thông đang xuống cấp, nạn bạo lực học đường xảy ra ngày càng một nhiều đang trở thành một vấn nạn cần phải được ngăn chặn kịp thời. Đã đến lúc phải gióng hồi chuông báo động về sự bất ổn trong mối quan hệ: gia đình-nhà trường-xã hội trong trách nhiệm giáo dục con em.

Lối mở cho những học sinh mắc lỗi

Cũng như bạn đọc Mai Hoa, nhiều bạn đọc đề nghị phải xử lý thật nghiêm để những việc như thế này không còn tái diễn. “Khó hiểu quá. Con gái bây giờ thật là…! Phải xử thật nghiêm để không làm xấu hình ảnh người con gái Việt Nam” - độc giả (ggialong36@…) viết.

Bạn đọc ở địa chỉ ohmyGod_helpme1990@… cho rằng, Trường THPT Trần Nhân Tông cần phải xử lý nghiêm khắc vụ việc này. Vụ việc này bị phát hiện là do đưa lên mạng. Thật ra đã có rất nhiều vụ học sinh đánh bạn mà không bị xử lý nghiêm minh. Nếu không thẳng tay trừng trị thì những học sinh này mai sau có thể giết người là chuyện bình thường.

Bạn Trần Văn Hoa (hao@...) viết:Nếu có ai đã xem video thì không thể chấp nhận được. Phải có hình thức kỉ luật thích đáng. Bởi đoạn video cho thấy đánh như thế chỉ có thể là côn đồ. Không phải là người, thậm chí lại là học sinh”.

Bạn Nguyễn Tri Kha (nguyentrikhasale@...) viết: Nếu tôi là cơ quan pháp luật, tôi sẽ trừng trị thẳng tay những học sinh tham gia vụ đánh nhau. Các học sinh này đã đánh mất hết tất cả những gì mà một người học sinh cần có. Chúng ta phải mạnh tay để răn đe các học sinh khác. Nếu cứ kiểm điểm thì chẳng khác gì chỉ hù dọa. Chúng ta nên thẳng tay trừng trị để tránh cho các em từ thiên thần trở thành ác quỷ”.

Bạn Phạm Thu Hà (iolet5885@...) cho rằng: “Cần xử lý nghiêm những học sinh nữ mới ít tuổi như vậy đã “xưng hùm xưng bá”. Tôi cho rằng: Vi, là con gái, với những lời khai trước pháp luật mà lì lợm trâng tráo như vậy thì sau này có thể sẽ trở thành một tay anh chị có “số má”. Tất cả các em trong vụ đánh lộn, kể cả nạn nhân đều cho vụ việc đó bình thường là rất có vấn đề. Vụ việc này cần phải xem xét kỹ”.

Chiếc ghế đã mà các học sinh ngồi chứng kiến vụ ẩu đả tại vườn hoa Paster, Hà Nội khá trùng khớp với cảnh trong clip.

Bạn Hoàng Thơ ở địa chỉ nguyenhoangtho2@... trăn trở: “Học sinh bây giờ không còn giữ được sự trong trắng và hồn nhiên như những năm 80 - 90 của thế kỷ XX. Một bộ phận chỉ thích, đánh nhau, chửi thề, uống rượu... Tôi cho rằng cũng nên xem lại phương pháp giáo dục của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Hãy hành động ngay không sẽ đến lúc nào đó, đất nước ta sẽ bị chính bộ phận thế hệ trẻ này làm suy yếu”.

Như VOVNEWS đã đưa tin, ngày 17/3, Hội đồng Kỷ luật trường Trung học Phổ thông Trần Nhân Tông (Hà Nội) đã họp và chính thức đưa ra hình thức kỷ luật  với các học sinh tham gia vụ việc “học sinh nữ đánh nhau và được quay video clip”.

Mức phạt nặng nhất được đưa ra đối với hai học sinh Vũ Ngọc Diệp (người trực tiếp đánh) và Chu Minh Huyền (người quay video clip) là “án treo” đuổi học, hạ hạnh kiểm, thử thách trong vòng 1 năm. Trong thời gian một năm thử thách, Diệp và Huyền sẽ được thầy cô và gia đình giám sát, hằng tuần phải làm kiểm điểm. Theo đó, trong một năm học, mỗi tuần 2 nữ sinh này phải viết một bản kiểm điểm. cảnh cáo trước toàn trường, xếp hạnh kiểm yếu với thời gian thử thách một năm. Dưới mỗi bản kiểm điểm, phụ huynh phải ký xác nhận. Em nào tiếp tục mắc khuyết điểm sẽ lập tức bị đuổi học.

Hai em Nguyễn Quỳnh Anh (người bị đánh) và Ôn Minh Huyền (người đi theo vụ việc đánh nhau từ đầu) bị cảnh cáo trước toàn trường, xếp hạnh kiểm yếu với thời gian thử thách 1 năm.

3 học sinh khác là Đặng Quang Mạnh, Trịnh Minh Tú và Ngô Mạnh Hùng (những người có mặt trong đoạn video có độ vô cảm, không phản ứng trước cái sai và không báo với cơ quan chức năng) bị khiển trách trước hội đồng kỷ luật, hạ một bậc hạnh kiểm.

Nhiều bạn đọc cũng viết thư về VOVNews cho rằng, hình  thức kỷ luật như vậy là quá nhẹ đối với những hành động “côn đồ” của các nữ sinh. Bạn đọc ở địa chỉ lulu_malu91@… viết:Hình thức kỷ luật của nhà trường đối với từng học sinh là quá nhẹ. Học sinh nữ đánh nhau rõ ràng cho thấy sự giáo dục của nhà trường và gia đình còn lỏng lẻo. Đáng lẽ nên đưa các học sinh này vào trại cải tạo hoặc ít nhất là buộc thôi học từ 1-2 năm”.

Cũng là những người làm cha, làm mẹ, chúng tôi hết sức trăn trở trước những “vấn nạn” học đường đang xảy ra như vậy. Nhưng các bạn ạ, vẫn biết hình phạt phải đủ sức răn đe nhưng cũng phải có lối mở để những học sinh đã mắc những lỗi lầm có cơ hội sửa chữa vươn lên.

Các vấn đề về tuyển sinh Đại học, Cao đẳng

Cũng trong tuần qua, VOVNews đã tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến về tuyển sinh Đại học, Cao đẳng thu hút được đông đảo sự quan tâm của  độc giả trong cả nước, đặc biệt là các bạn học sinh PTTH đang bước vào ngưỡng cửa của cuộc thi ĐH, CĐ sắp tới.

Bạn Phan Duy Bảo (thegioilhvb@..._) và một số bạn hỏi rằng: “Sau khi em thi tuyển sinh và biết được số điểm thi thì em còn có thể gửi hồ sơ vào các trường đại học, cao đẳng được không”. Giải đáp thắc mắc của các bạn, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của PGS TS Nguyễn Văn Nhã, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội và được biết, bạn đăng ký dự thi vào trường nào thì điểm thi của bạn sẽ được gửi đến trường đó và bạn cũng được thông báo kết quả thi tại trường mà bạn đã đăng ký dự thi. Nếu bạn trúng tuyển ở trường đó thì được gọi là trúng tuyển nguyện vọng 1. Nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 thì bạn được quyền nhận kết quả thi để đăng ký nguyện vọng 2 vào các trường mà bạn mong muốn.

Bạn Nguyễn Thiên Long (longthien@..) hỏi: “Em chưa là đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Em là thí sinh tự do thì cần thủ tục như thế nào để dự thi”.

Bạn Long thân mến, mặc dù bạn chưa là Đoàn viên Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhưng vẫn được đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ. Nếu là thí sinh tự do thì bạn phải tự làm hồ sơ và đăng ký với Sở Giáo dục-Đào tạo tại nơi bạn cư trú, nộp lệ phí theo quy định thì bạn có thể dự thi được. Bạn cũng có thể nộp hồ sơ dự thi tại trường ĐH hoặc CĐ mà bạn mong muốn.

Toàn cảnh cuộc giao lưu trực tuyến về tuyển sinh ĐH, CĐ  tại VOVNews

Bạn Trần Thị Phương Thảo (ruaconpt@...) hỏi: “Em năm nay đã là học sinh lớp 12 sắp thi đại học nhưng vẫn chưa biết rõ lắm về những vấn đề của thi đại học như làm hồ sơ ra sao và cách tuyển sinh như thế nào?”. Bạn nên mua cuốn sách “Những điều cần biết” của Bộ Giáo dục-Đào tạo phát hành. Cuốn này có đầy đủ các thông tin tuyển sinh của toàn bộ của trường ĐH, CĐ trong cả nước. Bạn cũng có thể vào trang web của các trường ĐH, CĐ và vào mục “Tuyển sinh” sẽ có những thông tin chi tiết. Hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi vẫn còn đủ để bạn chuẩn bị và đăng ký.

Bạn Hà Anh (haanh1991@....) hỏi:  “Năm nay, ĐHQG Hà Nội có thêm những ngành nào mới? Năm ngoái, điểm tuyển ngành nào cao nhất, thí sinh thi vào khoa nào đông nhất, thí sinh thi vào ngành nào ít nhất”.

Về câu hỏi của bạn Hà Anh, PGS, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nhã cho biết, ĐHQG Hà Nội có tới 6 trường ĐH và 2 khoa tuyển sinh cho 77 ngành đào tạo khác nhau. Em cần xem chi tiết trên trang web: http://www.vnu.edu.vn/. Năm nay, có thêm 4 ngành mới tuyển sinh: Kế toán của trường ĐH Kinh tế, Hoá dược (trường ĐH Khoa học Tự nhiên), Việt Nam học (trường ĐH Khoa học Xã hội& Nhân văn), Kinh doanh quốc tế (khoa Quốc tế trực thuộc ĐH Quốc gia HN). Năm 2009, các ngành Kinh tế và Công nghệ có nhiều thí sinh đăng ký dự thi nhất. Điểm cao nhất là ngành Tài chính ngân hàng (25 điểm). Điểm sàn của ĐH Quốc gia HN là 17 và 18 điểm cho các ngành khối A và khối C. Khối B là 20 điểm; Khối D là 24 điểm (ngoại ngữ nhân đôi).

Các vấn đề khác

Phản hồi về loạt bài viết về giá xăng, bạn Nguyễn Thái Sơn (sonnamlao2009@…) viết: “Theo tôi, ai cũng biết độc quyền là sinh ra lũng đoạn giá. Quỹ bình ổn giá được lập ra để khi giá thế giới cao, người tiêu dùng phải được hưởng lợi nhưng dường như các quỹ này người tiêu dùng phải trả mà không được hưởng lợi”.

Bạn đọc ở địa chỉ nguyenvan@… viết: Các công ty kinh doanh xăng dầu bắt tay nhau “làm giá”, mặc dù giá xăng trong nước cao hơn giá thế giới. Nhà nước cần xem xét lại hoạt động của các công ty này, suốt ngày tăng giá và suốt ngày kêu lỗ”.

Nhiều bạn đọc cũng viết thư cảm ơn VOVNews đã cho độc giả trong và ngoài nước được thưởng thức nhiều phong cảnh đẹp của đất nước qua mục “Phóng sự ảnh”.

Bạn đọc ở địa chỉ honghue18_5@… viết:  “Tháng 3, hoa Gạo nở trên cao nguyên đá nhắc đến hoa gạo tôi thường có liên tưởng về tuổi thơ, về cái gì đó rất Việt Nam”.

Cây gạo mọc chơi vơi trên cao nguyên đá

Bạn đọc có địa chỉ ongmatnon2006@… viết: “Không thể nói gì hơn, chùm ảnh tiềm năng du lịch đảo Lý Sơn thật là tuyệt”.

Bạn Nguyễn Đức Hiếu (nguyenduchieu.hut@…)  viết: “Tôi rất ấn tượng và thích xem chuyên mục phóng sự ảnh của VOVNews. Tôi là một thính giả, độc giả rất thường xuyên của VOVNews. Tôi rất vui mừng trước nhiều sự đổi thay và phát triển của Quý báo. Tuy nhiên, tôi có một số góp ý là VOVNews nên thay đổi lại giao diện cho bắt mắt hơn, dễ tiếp cận thông tin hơn. VOVNews nên tăng cường cho chuyên mục Media để xứng tầm với vị thế của mình. VOVNews đưa lịch phát sóng mới lên báo. Chúc VOV nói chung và VOVNews ngày càng phát triển”.

Bạn Hiếu thân mến, cảm ơn bạn đã thường xuyên quan tâm đến VOVNews. Những đóng góp của bạn rất bổ ích đối  với chúng tôi. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện những gì còn thiếu sót để mong đáp ứng được ngày càng nhiều hơn nhu cầu độc giả. Chúng tôi rất mong luôn là người bạn đồng hành cùng các bạn.

Phản hồi về bài viếtbắt được cá mập ở Quy Nhơn, bạn đọc Trần Thị Huế (buondon2009@…) viết: “Mấy tháng nay, tôi thấy nhiều tin tức trên mạng về việc cư dân bắt được cá mập, cá heo ở biển nước ta. Theo tôi, chắc là do tình trạng ô nhiễm môi trương hoặc biến đổi khí hậu nặng nên cá mới bị trôi dạt vào bờ như thế. Thế giới nên có biện pháp cấp bách để bảo vệ môi trường, bảo vệ các la động vật không sẽ có một ngày đại dương sẽ cạn kiệt”.

Sau khi đọc bài viết: Sinh con gái được thưởng 2 triệu: Tin đồn và xử lý” . bạn đọc ở địa chỉ minhnhi @… viết: “Đúng thực là tin đồn này đã từng xuất hiện ở địa phương tôi. Chúng tôi không tin nhưng nhiều người vẫn cố tình đưa ra những ví dụ cụ thể để thuyết phục người nghe. Những ai thật vô công rồi nghề đi tung tin nhảm nhí. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm khắc”.

Về thông tin tổ chức cuộc thi Hoa hậu thế giới ở Tiền Giang, bạn Nguyễn An (nguyenan2023@…) viết: Theo tôi tổ chức cuộc thi Hoa hậu thế giới ở Tiền Giang là cơ hội để Việt Nam giới thiệu những cảnh đẹp của đất nước. Tiền Giang là nơi miệt vườn sông nước, là một loại hình du lịch mới lạ, rất ít nơi trên thế giới có được. Ngoài sông nước, Tiền Giang cũng được mệnh danh là vương quốc trái cây. Loại hình chắc chắn sẽ hấp dẫn du khách nước ngoài”.

Trong tuần, VOVNews còn nhận được tin, bài của cộng tác viên; thư góp ý của nhiều độc giả: Nguyễn Văn Toàn, Lê Văn Lối, Cao Nguyên, Vũ Ngọc Quang, Nguyen Hai Van, Nguyễn Thị Thu, Lê Văn Toán, Lại Ngọc Tình, Hoàng Đức Hoài, Hồ Thị Phượng, Truong Le, Pham Van Loi, Nguyen Tien Hung, Hoàng Kim, Trần Thảo, Nguyễn Trường Huy, Nguyễn Tiến Thủy, Lê Bá Thành, Nguyễn Việt Hải; các độc giả ở địa chỉ dinhthuancdk38@…, Viethung220477@…,  ngocthuy12@…. toantentenav@…, phuc.305@…., Ngochan@..., truonggiang217@…, kieuhung0403@…, thucellogic@…

Chân thành cảm ơn sự hợp tác, ủng hộ của các bạn. Hy sự hợp tác giữa VOVNews và quý độc giả ngày càng bền chặt và hiệu quả.

Chào tạm biệt và hẹn gặp lại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.