Bài 1: Khu công nghiệp bỏ hoang - nông dân “khát ruộng”
Sự cho ra đời một cách vội vã các KCN mà không tính đến mặt trái của sự phát triển sẽ nảy sinh nhiều hệ quả tiêu cực
Hơn chục năm qua, cả nước đã có 260 khu công nghiệp (KCN), chiếm gần 71.000 ha đất nông nghiệp, phân bổ ở hầu khắp các tỉnh, thành phố. Trong đó đó chừng một nửa đã vận hành từ nhiều năm, một nửa còn lại đang xây dựng quy hoạch vận hành.
Trong khi đó, mô hình này vẫn tiếp tục phát triển với một tốc độ đáng lo ngại. Không thể phủ nhận, các KCN đã thu hút gần 3.000 dự án với tổng giá trị đầu tư ước khoảng gần 20 tỷ USD, tạo thêm công ăn việc làm và nguồn thu ngân sách ở nhiều địa phương… Nhưng quá trình này cũng đã và đang tác động tiêu cực đến đời sống của dân nghèo, khi những người nông dân nhường đất lúa cho các KCN. Hệ lụy nguy hiểm của việc phát triển ồ ạt các khu công nghiệp đang dần lộ rõ và cần phải được cảnh báo và xử lý kịp thời.
Khu công nghiệp hứa hẹn đem lại nhiều hiệu quả kinh tế- xã hội (Ảnh minh hoạ) |
Nông dân làm gì khi mất đất?
Hà Nam, một tỉnh mà công nghiệp chưa thực sự vào nhiều nhưng đã có cả nghìn ha đất “bờ xôi ruộng mật” thuộc các huyện trọng điểm nông nghiệp như Đồng Văn, Phủ Lý, Bình Lục, Thanh Liêm… đã "đội nón ra đi" dành cho khu công nghiệp (KCN).
Theo ông Phạm Bá Tùng, Phó trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam, Hà Nam đang có 8 KCN, với tổng diện tích lên đến 1.985 ha. Ấy thế nhưng cho đến thời điểm này, nhiều KCN có tỷ lệ phủ lấp rất ít như: KCN Hòa Mạc, rộng 131 ha, nhưng mới cho thuê được 4,8 ha, KCN Đồng Văn II mới cho thuê được 65,8 ha trong tổng số 320 ha, KCN Châu Sơn chỉ cho thuê được 36,2 trong tổng số 170 ha…Chỉ điểm sơ sơ như thế có thể thấy ngay, mấy trăm ha đất nông nghiệp, đất trồng lúa đã bị bỏ hoang khi nhường cho KCN.
Trong khi đó, nhiều người dân xã Châu Sơn (TP Hà Nam), nơi “nhường” đất cho KCN Châu Sơn đang chịu cảnh khóc dở, mếu dở và nói rằng, từ giờ đến cuối đời họ không biết làm gì để sống. Số là, phần lớn đất nông nghiệp ở các thôn Do Nha, Lê Lợi và Trần Hưng Đạo, Tràng Châu… đã bị lấy đi làm KCN Châu Sơn.
Chị Bùi Thị Thu, xóm Do Nha kể: “Từ khi mất đất, bố mẹ tôi ốm, tôi đang đi làm phải bỏ để về buôn bán để nuôi ông bà vì ông bị tai biến, bà thì cũng bị xương khớp không đi lại được. Nghỉ ngày nào là chết dở ngày ấy, không có tiền chi tiêu gạo thóc cho ông bà. Khổ lắm! Trong xóm những nhà người ta đền bù được tí đất ruộng người ta làm được cái nhà, cũng phải đi lội ruộng đi tìm chỗ nào có ao hồ để đi chao cua về bán kiếm kế sinh nhai”.
Việc thu hồi hơn 170 ha đất nông nghiệp cho KCN Châu Sơn khiến những người nông dân vốn “một nắng hai sương” lại mất đất, không có việc làm, chỉ còn cách “nhao” ra đường bán đậu, bán rau để kiếm sống như bà Nguyệt: “Gia đình tôi bán đất cho Sở Nông nghiệp từ khoảng năm 1997, lúc đấy là 5,4 triệu/sào không có đền bù hoa màu và hỗ trợ. 2003 bán hết ruộng, vào khoảng 10,8 triệu/sào. Bây giờ ra chợ ngồi một ngày chẳng được bao nhiêu, một người chỉ nuôi được một người thôi, còn nuôi thêm một người thực sự là quá khó khăn. Chúng tôi chẳng biết làm gì hơn”. Hay chị Thu: “Không còn ruộng thì biết làm gì?, chỉ biết ra đầu đường buôn bán chợ búa thôi. Bây giờ em mới lấy chồng, có 2 cháu nhỏ vẫn đi học. Em đi chợ ngoài này, chồng thì lái xe, chưa biết sau này làm sao, trước mắt thì có ruộng đấy, đang bảo lấy ruộng chẳng biết thế nào?”.
Chồng bà Nhiên Ngữ ở thôn Lê Lợi đã quá tuổi làm công nhân. 2 đứa con được nhận vào làm ở nhà máy ở KCN, nhưng tiền lương chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng, thấp quá không chịu nổi nên bươn bả lên Hà Nội kiếm sống. So với trước khi bị thu hồi đất, gia đình bà Ngữ và nhiều hộ nông dân khác khó khăn hơn nhiều. Giờ đây khi giá cả tăng chóng mặt, bà Ngữ xót xa vì số tiền trước đây bán 1 sào ruộng giờ bỗng trở nên quá nhỏ bé: “Đền bù ngày đấy rẻ lắm. Đợt đấy có một ít tiền làm nhà hết, hết tiền thì cũng chả có công ăn việc làm gì cả. Đi làm những công ty xí nghiệp thì họ vỡ nợ hay sao đấy nên không làm nữa. Tôi cứ xin đi làm vệ sinh họ không căn cứ tuổi, tháng hơn 1 triệu thì làm sao đủ kiếm sống được. Hoặc đi đội đá làm thuê tiền có hơn 1 triệu thôi, cũng bóc sức lao động lắm làm nhiều thời gian mà lương cũng không cao, có khi 10-12 tiếng, 50 – 60 nghìn/ngày”.
Ông Nguyễn Văn Hoát, nhà ở thôn Do Nha thì chua xót: “Cả thôn có khoảng 200 hộ dân nay chỉ còn 28 hộ còn ruộng”. Với ông và nhiều người khác trong thôn đã có hàng chục năm học và đúc rút kinh nghiệm để có một nghề làm nông nghiệp, giờ khi tuổi tác đã cao, trình độ học vấn có hạn, làm sao học được nghề mới để vào nhà máy.
“Hầu hết khi các doanh nghiệp lấy đất đều đưa ra cam kết ngon ngọt là sẽ tạo công ăn việc làm cho người mất đất nhưng khi xong rồi thì gần như bỏ mặc dân. Nói cách khác, đại đa số nông dân bị đẩy ra rìa KCN theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Trước kia bà con tất cả nhờ đồng ruộng. Từ khi mất đồng ruộng họ bảo giúp đỡ con em chúng tôi vào công nhân. Con em chúng tôi bây giờ thất nghiệp. Các ông trước đây lấy ruộng bảo là sau này con em chúng tôi sẽ vào làm ở các cơ quan xí nghiệp. Đến nay các cơ quan đều phá sản. Nói về ruộng đất thì ông này đổ cho ông kia, ông trên thì bảo ông dưới, ông dưới thì bảo ông trên”- Ông Hoát nói.
Đất ruộng bị bỏ hoang khi nhường cho KCN
Sát khu công nghiệp Châu Sơn 170 ha, vẫn còn độ chục ha đất trồng lúa. Theo những người dân nơi đây, những mảnh ruộng xưa kia màu mỡ, cho 2 vụ lúa nay thành ao tù. Đã từ lâu nông dân không thể canh tác được do úng ngập. Từ khi có KCN, hệ thống thủy lợi bị phá vỡ, cốt nền KCN này cao hơn ruộng đến hàng mét, khiến trời chưa mưa ruộng đã ngập.
Trưởng thôn Do Nha, xã Châu Sơn, ông Trần Dư chỉ khu đất lên đến 60 ha trước mắt với ánh mắt xa xầm và giọng như nghẹn lại: “Nói xây dựng khu công nghiệp từ trước đến nay, dân vẫn ủng hộ, thế nhưng khi thu hồi đất xong thì hiệu quả kinh tế của KCN Châu Sơn chẳng thấy”. Chỉ sang khu đất đối diện KCN Châu Sơn, ông bức xúc: “Cái khu đây từ năm 2003, 2004 tới thời điểm này xây dựng khu đô thị nhưng vẫn để không như thế này. Trong khi đó người dân khi mất đất thì hết công ăn việc làm, đời sống khó khăn. Những người ở tuổi từ 35 – 37 đổ lên tới 50 thất nghiệp hầu hết cả làng. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ 6 tháng trở lên thu hồi mà không xây dựng được thì phải có quyết định thu hồi lại đất trả cho dân, nhưng có ai xử lý được vấn đề này đâu? Hầu như nói chỉ để là nói thôi chứ còn việc thực hiện thì không có. Đây là khu đô thị Nam Lê Chân 60 ha. Khi xây dựng lên thì liên quan đến cấp thoát nước của vùng khó khăn vô cùng. Hệ thống tiêu thoát nước không có, dân bức xúc đề nghị mới tiến hành làm”.
Trong khi đó, sau khi giải phóng mặt bằng lại rơi vào cảnh bỏ hoang. Ông Trưởng thôn cũng ngẫm ra một điều: nông dân không còn đất sản xuất, thất nghiệp, đời sống khó khăn tất yếu nảy sinh ra các tệ nạn: cờ bạc, lô đề, nghiện hút, trộm cắp… ở vùng nông thôn vốn bình yên như Châu Sơn. Câu ca dao “Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang/Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu” ngày nay không còn đúng ở Châu sơn./.