Đưa clip giết người lên mạng: Sự vô cảm đang ở mức đáng quan ngại

VOV.VN - Tình trạng vô cảm đã được gióng lên hồi chuông cách đây một vài thập niên, song với sự lan truyền “khủng khiếp” của mạng xã hội, sự vô cảm của xã hội đang ở mức đáng quan ngại.

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc sử dụng mạng xã hội làm phương tiện kết nối đã và đang trở thành xu thế tất yếu... Càng những thông tin, hình ảnh, video mang tính chất mặt trái, rùng rợn lại càng thu hút sự hiếu kỳ của cộng đồng mạng.

Tâm lý đám đông khi sử dụng mạng xã hội

Chỉ trong đêm 24/10, trên mạng xã hội lan truyền nhiều video ghi lại hành vi giết người ở một số tỉnh, thành. Đêm 25/10 là hai vụ bạo lực học đường của các thiếu niên lớp 7-8. Trước đó, mạng xã hội cũng lan truyền nhiều vụ việc như đánh ghen, tai nạn giao thông, nhóm thanh niên cầm hung khí đánh nhau giữa phố…

Điều đáng nói là nhiều người đứng lại quay video vụ việc, sau đó đăng lên các hội nhóm trên mạng xã hội. Từ đó, hàng trăm nghìn lượt tương tác, chia sẻ phát tán các clip rùng rợn này. Lý giải về việc tương tác với những dạng clip này, những người trẻ cho biết họ thấy sợ hãi, song họ vẫn muốn xem chỉ vì nhiều người xem và chia sẻ.

Bạn Phùng Thị Kim Anh, sinh năm 2003, trú tại quận Hai Bà Trưng cho biết: “Mạng xã hội có cái gì hot là em biết cái đó, bởi vì nó là xu hướng (trend) rồi. Mặc dù thông tin đó cũng xấu. Đó là án mạng nhưng bạn bè tương tác và bàn tán nhiều thì em cũng xem thử”.

“Em chỉ dám xem qua thôi chứ không dám nhìn hết vì sợ. Với việc mọi người quay video lại rồi chia sẻ thì có lẽ những hình thức kiểu này có quá nhiều rồi, nên họ cũng dửng dưng, không quá quan tâm nữa. Cứ quay và đăng lên thôi”, Hà Thu Hường, sinh viên Đại học Hà Nội chia sẻ.

Sử dụng mạng xã hội để đăng tải những video, clip có nội dung nhảm nhí, bạo lực, ghê rợn. Những chủ tài khoản mạng xã hội đó nhiều khi không nhận thức được những tác hại, hệ lụy đối với người xem và xã hội.

Nhưng cũng có chủ tài khoản mạng xã hội nhận thức được tác hại, hệ lụy nhưng vẫn bất chấp để đăng tải video clip có nội dung nhảm nhí, độc hại đó miễn là thu hút được nhiều lượt yêu thích (like), bình luận (comment), chia sẻ (share), theo dõi và mang lại lợi ích kinh tế hoặc chỉ để tăng tương tác kênh.

Và dù những clip sau khi đăng tải lên mạng xã hội bị nhận xét là nhố nhăng, vô bổ, thậm chí dã man, gây hại cho thế hệ trẻ nhưng chúng vẫn tồn tại bởi được nhiều người dùng mạng xã hội thiếu trách nhiệm, vô cảm đã like, bình luận, chia sẻ vô tình làm tăng tương tác khiến những video, clip nhảm nhí đó lan tràn trên mạng xã hội.

Vô cảm đã được gióng hồi chuông cảnh báo từ vài thập niên

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung Tâm Dư luận xã hội, Viện Xã hội học Việt Nam, tình trạng vô cảm của xã hội đã được gióng lên hồi chuông từ cách đây một vài thập niên chứ không phải là câu chuyện mới mẻ, song với sự lan truyền “khủng khiếp” của mạng xã hội, sự vô cảm của xã hội đang ở mức đáng quan ngại.

“Khi người ta làm rơi, vãi tài sản trên đường, mọi người vô tư nhặt nhạnh, không hề thấy xót xa cho những người bị mất mát. Việc điềm nhiên, thậm chí khoái trá chứng kiến những cảnh tượng thiên hạ đánh ghen với nhau hoặc cài “bẫy” đưa người này, người kia xa xảy. Những người khác “nhấm nháp” những hình ảnh đó trên mạng xã hội hoặc ngay trong xã hội đời thường. Tôi không nói là phổ biến, nhưng hiện nay ở mức đáng quan ngại”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho hay.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng những sự việc đang “rầm rộ” trên mạng xã hội hiện nay là những “góc khuất” của xã hội đã có từ lâu nhưng hiện nay, do phương tiện quay chụp phổ biến cộng thêm tư duy “sáng tạo” của các “nhà sản xuất” những video đó, làm sự việc trầm trọng hơn.

Việc chia tay khi không còn tình cảm; mâu thuẫn, miệt thị trên mạng dẫn đến đòn thù giáng lên nhau không thương tiếc trong đời thực cũng cho thấy sự mong manh, dễ vỡ vụn của trạng thái tâm lý, thần kinh, tình cảm của con người trong xã hội.

“Những tính năng đặc biệt của mạng xã hội về tính tức thời, độ phủ rộng, lan truyền… có thể “công phá” không chỉ giới trẻ mà cả những đối tượng không quan tâm quá nhiều đến những dạng hành vi đó trong đời thường. Tốc độ lan truyền chóng mặt, tần suất lớn với độ lặp đi lặp lại của những tương tác xã hội xấu xí đó đặt con người vào môi trường sống “ô nhiễm” các giá trị nhân văn, giá trị sống”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình phân tích.

“Khi sống trong môi trường “ô nhiễm” giá trị xã hội, giá trị nhân văn mà con người lại chưa được trang bị bộ “giáp phục” cần thiết của hệ thống nhân cách, kỹ năng sử dụng mạng xã hội mà chỉ đơn thuần tiếp nhận thụ động thì việc bị tác động tiêu cực không chỉ là giới trẻ mà còn là bộ phận không nhỏ người dân”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình khẳng định.

Điều quan trọng là cần tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của mọi công dân. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi nóng nảy, mất bình tĩnh, sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn. Về lâu dài, cần đổi mới phương pháp giáo dục, đề cao giáo dục đạo đức, xây dựng những chuẩn mực đạo đức xã hội để con người giàu lòng nhân ái, biết yêu thương đồng loại, biết sẻ chia, hy sinh và giảm bớt cái tôi ích kỷ cá nhân.

Theo thống kê từ Statista, Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 12 thế giới về tỷ lệ tăng trưởng người sử dụng mạng xã hội nhiều nhất từ 2021-2026. Việt Nam có dân số đạt gần 100 triệu người, với số lượng người dùng mạng xã hội lên tới khoảng 73,6 triệu người năm 2021. Năm 2021, khoảng 90% người dùng Internet Việt Nam sử dụng Facebook, đưa nền tảng quốc tế trở thành kênh truyền thông xã hội hàng đầu.

Mỗi ngày, người dùng Việt Nam dành tới gần 7 giờ để tham gia các hoạt động liên quan tới Internet. Điều này lý giải vì sao, sự xuất hiện, lan truyền các tin xấu, độc đã và đang tác động không nhỏ đến tâm lý, đời sống cộng đồng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhiều vụ bạo lực gia đình xảy ra ở những người chung sống như vợ chồng
Nhiều vụ bạo lực gia đình xảy ra ở những người chung sống như vợ chồng

VOV.VN - Nhiều trường hợp nam, nữ không kết hôn hoặc chưa kết hôn nhưng vẫn sống với nhau như vợ chồng hoặc có trường hợp vợ chồng tuy đã ly hôn, không là quan hệ gia đình song là mối quan hệ rất đặc thù, tăng nguy cơ xảy ra hành vi bạo lực.

Nhiều vụ bạo lực gia đình xảy ra ở những người chung sống như vợ chồng

Nhiều vụ bạo lực gia đình xảy ra ở những người chung sống như vợ chồng

VOV.VN - Nhiều trường hợp nam, nữ không kết hôn hoặc chưa kết hôn nhưng vẫn sống với nhau như vợ chồng hoặc có trường hợp vợ chồng tuy đã ly hôn, không là quan hệ gia đình song là mối quan hệ rất đặc thù, tăng nguy cơ xảy ra hành vi bạo lực.

Đại biểu Quốc hội bức xúc với hành vi quay clip vụ giết người đăng lên mạng xã hội
Đại biểu Quốc hội bức xúc với hành vi quay clip vụ giết người đăng lên mạng xã hội

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội bức xúc trước hành động của một số người chứng kiến các vụ bạo lực, giết người dã man nhưng lại thản nhiên quay clip, đăng tải lên mạng xã hội thay vì tìm cách cứu giúp nạn nhân.

Đại biểu Quốc hội bức xúc với hành vi quay clip vụ giết người đăng lên mạng xã hội

Đại biểu Quốc hội bức xúc với hành vi quay clip vụ giết người đăng lên mạng xã hội

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội bức xúc trước hành động của một số người chứng kiến các vụ bạo lực, giết người dã man nhưng lại thản nhiên quay clip, đăng tải lên mạng xã hội thay vì tìm cách cứu giúp nạn nhân.

Nữ sinh lớp 9 bị đánh tại nhà riêng phải nhập viện
Nữ sinh lớp 9 bị đánh tại nhà riêng phải nhập viện

VOV.VN - Công an huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đang xác minh vụ việc một nhóm nữ sinh kéo đến nhà riêng của bạn học cùng trường để đánh đập và quay lại clip đăng lên mạng xã hội, gây bức xúc dư luận.

Nữ sinh lớp 9 bị đánh tại nhà riêng phải nhập viện

Nữ sinh lớp 9 bị đánh tại nhà riêng phải nhập viện

VOV.VN - Công an huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đang xác minh vụ việc một nhóm nữ sinh kéo đến nhà riêng của bạn học cùng trường để đánh đập và quay lại clip đăng lên mạng xã hội, gây bức xúc dư luận.