Các tòa soạn vẫn “loay hoay” chuyện kinh tế báo
VOV.VN - Kinh tế báo chí - truyền thông trong bối cảnh phát triển kinh tế số đang đặt ra rất nhiều thời cơ và thách thức để báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, phải giữ vững mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại...
Khi thế giới ngày càng toàn cầu hóa, sự phát triển vũ bão của công nghệ đang khiến mọi ranh giới ngày càng bị xóa nhòa, khiến nhu cầu và xu hướng tiếp nhận thông tin của công chúng cũng dần chuyển sang nền tảng số, nền tảng truyền thông xã hội. Báo chí Việt Nam cũng hứng chịu chung “cơn bĩ cực” kinh tế báo chí, khi lượng độc giả truyền thống ngày càng giảm, quảng cáo và nguồn thu từ báo in ngày càng èo uột; nguồn thu từ quảng cáo số lại chảy vào các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.
Doanh thu sụt giảm mạnh mẽ
Nhà báo Lê Trần Nguyên Huy, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Quyền Tổng Biên tập báo Nhà báo và Công luận cho rằng, chi thường xuyên hàng năm cho báo chí là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của Ngân sách Nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp, chỉ khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn lại không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách. Do đó, kinh tế báo chí thực sự là vấn đề nan giải của hầu hết các toàn soạn báo tại Việt Nam.

Thạc sỹ Nguyễn Thái Bình, Phó giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho rằng, hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi khoảng 70% doanh thu của báo chí chính thống. Ngoài ra, hiện các cơ quan báo chí đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong các quy định về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó là cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng Ngân sách Nhà nước.
“Vấn đề phát triển kinh tế báo chí truyền thông và tự chủ tài chính trong các cơ quan báo chí đang là một vấn đề hết sức “nóng”. Việc thu hút công chúng cũng là để hướng đến mục tiêu thu hút quảng cáo và dịch vụ trên báo chí, trong khi mạng xã hội, nhất là các tập đoàn công nghệ thông tin - truyền thông đang ngày càng xâm lấn, nắm giữ thị trường. Quảng cáo trực tuyến, quảng cáo số ngày càng chứng tỏ xu hướng chủ đạo, khiến nhiều cơ quan báo chí Việt Nam không những đối mặt với khó khăn, còn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa”, ông Bình nêu.
Đa dạng hóa nguồn thu
Trước những khó khăn và thách thức đặt ra cho các tòa soạn báo ở Việt Nam, việc giải bài toán kinh tế báo chí được đặt ra bên cạnh việc tái cơ cấu, tối ưu hóa bộ máy để tiết kiệm chi phí còn cần chủ trương hoạch định rõ giải pháp để tìm kiếm thêm nguồn thu mới.
Nhà báo Lê Trần Nguyên Huy: “Với các tòa soạn báo chí Việt Nam, khi tự chủ tài chính dần trở thành thực tế không thể khác, việc giải bài toán kinh tế báo chí luôn là thông điệp sống còn, là bài toán buộc phải tìm cho được lời giải thỏa đáng nhất có thể. Trong bối cảnh truyền thông đã chuyển gần hết sang định dạng truyền thông số, việc tìm kiếm và thực hiện nguồn thu từ nền tảng số đã, đang và sẽ là trọng tâm chủ đạo hướng tới của hết thảy các tòa soạn”.
Nhà báo Lê Trần Nguyên Huy cho biết, những năm qua, bên cạnh việc quyết liệt đổi mới, nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền, thu hút ngày càng nhiều hơn nữa lượt bạn đọc đến với các báo giấy, báo điện tử, tòa soạn báo không ngừng tìm kiếm các phương thức đa dạng hóa nguồn thu. Các chương trình sự kiện do báo tổ chức, đều được đồng nghiệp ủng hộ và đánh giá cao, dần trở thành bản sắc của tòa soạn, đồng thời góp phần tạo thêm nguồn thu cho tờ báo.
“Nguồn thu từ các sự kiện nối dài đó không chỉ giúp tòa soạn ổn định đời sống đội ngũ cán bộ, phóng viên, người lao động giúp họ yên tâm lao động, cống hiến, còn tạo nguồn lực giúp tòa soạn có cơ hội tái đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó trọng tâm là đầu tư hạ tầng công nghệ, hiện đại hóa tờ báo, hòa nhịp hiệu quả vào dòng chảy chuyển đổi số vốn đã trở thành xu thế phát triển tất yếu của báo chí trong kỷ nguyên số”, ông Huy chia sẻ.
Từ thực tiễn hoạt động tòa soạn, ông Huy đề xuất giải pháp phát triển kinh tế báo chí, trong đó cần kiến tạo nguồn thu từ nỗ lực tự thân, đòi hỏi sự quyết liệt, quyết tâm sáng tạo nỗ lực hết mình từ các tòa soạn. Đặc biệt, báo chí cần có thêm bệ đỡ về chính sách từ nhà nước để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, trong đó nhà nước cần điều chỉnh chính sách thuế để hỗ trợ báo chí phát triển trong thời đại số với mức thuế suất 10% - 5% hoặc 0% đối với tất cả các loại hình báo chí.
Nhà nước cũng cần có cơ chế chính sách rõ ràng và cụ thể hơn nữa để các nhà mạng phải có trách nhiệm chia sẻ nguồn thu đối với các cơ quan báo chí. Từ đó có thêm quy định chặt chẽ hơn nữa về vấn đề bản quyền các tác phẩm báo chí. Làm được điều này, nhà nước vừa là động lực vừa là đòn bẩy để kinh tế báo chí ngày càng được thúc đẩy hơn nữa, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam bền vững.

Thúc đẩy mô hình hợp tác công - tư
Trong bối cảnh chuyển đổi số, các yếu tố kinh tế ngày càng thể hiện vai trò quyết định đến khả năng tồn tại và phát triển của một cơ quan báo chí, vì vậy theo Thạc sỹ Nguyễn Thái Bình, cần một tư duy quản lý mới là hết sức cần thiết. Trong đó, báo chí không còn vận hành thuần túy theo mô hình đơn tuyến (chỉ dựa vào Ngân sách Nhà nước), mà phải được nhìn nhận như một thực thể năng động trong nền kinh tế tri thức, có thể tạo lập và khai thác các mô hình kinh doanh hiệu quả, lấy người dùng làm trung tâm và dữ liệu người dùng làm cơ sở hoạch định chiến lược nội dung, chiến lược tiếp thị và chính sách giá.
“Các cơ quan báo chí - truyền thông cần chủ động xây dựng và triển khai các chương trình truyền thông không chỉ trên các phương tiện truyền thống, còn phải mở rộng sang các nền tảng mạng xã hội. Việc này nhằm tăng cường hiệu quả tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, mở rộng độ phủ thông tin chính thống trong không gian mạng. Đồng thời tạo điều kiện khai thác các nguồn thu từ hoạt động truyền thông số”, ông Bình khuyến nghị.
Một giải pháp cấp thiết khác cũng được Thạc sỹ Nguyễn Thái Bình đưa ra, đó là thúc đẩy mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực báo chí - truyền thông. Nhà nước không thể bao cấp báo chí mãi mãi, nhưng cũng không thả nổi báo chí cho thị trường. Do đó, cần có cơ chế hợp tác giữa cơ quan báo chí với doanh nghiệp công nghệ, nền tảng phân phối nội dung, tổ chức tài chính, các tổ chức xã hội… trong các lĩnh vực như chia sẻ hạ tầng công nghệ, hợp tác sản xuất nội dung, phát triển kênh phân phối, tổ chức hội thảo truyền thông, đào tạo nhân lực.

Theo nhiều chuyên gia, để thúc đẩy phát triển ngành báo chí như một lĩnh vực kinh tế - truyền thông hiện đại, cần sự đổi mới toàn diện về thể chế, mô hình kinh doanh, công nghệ, tổ chức và con người. Chỉ khi nào báo chí có được nền tảng kinh tế bền vững, mới có thể phát huy đầy đủ vai trò định hướng chính trị - tư tưởng, phản biện xã hội và phục vụ công chúng trong bối cảnh cạnh tranh thông tin toàn cầu hiện nay.
Ngày 14/6/2025, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN - sửa đổi) với đa số đại biểu tán thành, đạt 94,56%. Dự thảo Luật đã bổ sung quy định miễn thuế TNDN đối với phần thu nhập từ hoạt động báo chí in và báo chí điện tử có giấy phép, phù hợp với chủ trương tại Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch báo chí toàn quốc.
Quy định này nhằm tạo điều kiện duy trì hoạt động báo chí chính thống, thực hiện nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin trung thực, định hướng dư luận xã hội, trong bối cảnh nhiều cơ quan báo chí gặp khó khăn về tài chính khi vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa phải tự chủ theo cơ chế thị trường.
Để thể hiện sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động của các cơ quan báo chí Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng áp dụng thống nhất mức thuế suất ưu đãi 10% đối với tất cả các loại hình báo chí, tương tự như chính sách ưu đãi đang áp dụng cho báo in.