Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để Việt Nam bứt phá

VOV.VN - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, CMCN 4.0 được coi là cơ hội để Việt Nam bứt phát trong phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019, với chủ đề “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia CMCN 4.0”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ mà nòng cốt là công nghệ số làm thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh; tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với tất cả các quốc gia.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và các đại biểu đi tham quan các gian hàng trong khuôn khổ sự kiện.

Đến nay, đã có trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả các quốc gia đang phát triển ban hành các chiến lược, chương trình hành động liên quan đến cuộc CMCN 4.0 với nhiều tên gọi khác nhau. Bên cạnh đó, nhiều nước cũng xây dựng và triển khai Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia, một trong những nội dung chủ chốt trong việc tham gia CMCN 4.0.

Với Việt Nam, nhiều kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế đã dự báo việc tham gia CMCN 4.0 sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực đối với tăng trưởng kinh tế đất nước trong tương lai. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia CMCN 4.0.

"Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4.0 và phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và triển khai thử nghiệm một số chính sách nhằm thúc đẩy phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), điện tử viễn thông", ông Nguyễn Văn Bình nói.

Hiện, cơ sở hạ tầng viễn thông – CNTT của Việt Nam được xây dựng khá đồng bộ, vùng phủ sóng di động đạt 99,7% dân số trên cả nước. Trong đó, vùng phủ sóng 3G, 4G đạt trên 98% với mức cước phí thấp, mạng 5G đã được cấp phép thử nghiệm và dự kiến triển khai thương mại từ năm 2020. Kinh tế số được hình thành và phát triển với tốc độ khá nhanh, ngày càng trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về quy mô nền kinh tế kỹ thuật số.

"Công nghệ số đã được áp dụng trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh doanh dịch vụ mới xuyên quốc gia dựa trên nền tảng công nghệ số và internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việc xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số cũng được triển khai bước đầu đạt kết quả tích cực", ông Nguyễn Văn Bình cho biết.

Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, mức độ chủ động tham gia CMCN 4.0 của Việt Nam còn thấp, thể chế chính sách còn nhiều bất cập, xếp hạng chung về đổi mới thể chế của nước ta còn ở mức trung bình. Năm 2018, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá Việt Nam đạt 50/100 điểm, xếp hạng 94/140 quốc gia.

Cùng với đó, thể chế cho các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo chưa được hình thành đồng bộ; chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các sản phẩm, mô hình kinh doanh dịch vụ mới của CMCN 4.0; Chưa xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho ứng dụng và phát triển các công nghệ nền tảng của CMCN 4.0 trong sản xuất và đời sống; Còn thiếu các quy định về bảo vệ cơ sở dữ liệu, thông tin dữ liệu cá nhân.

Không những thế, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu; Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế xã hội, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả; Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, chưa chủ động, nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ số còn thấp; Kinh tế số có quy mô còn nhỏ; Việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức phức tạp.

"Để nắm bắt và tận dụng các cơ hội của cuộc CMCN lần này, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0”. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề án, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0”. Trên cơ sở Nghị quyết này, tới đây Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cụ thể trên các lĩnh vực", ông Nguyễn Văn Bình cho biết.

Ông Nguyễn Văn Bình nêu rõ, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị là một Nghị quyết toàn diện tổng thể đầu tiên của Đảng về chủ trương, chính sách của Việt Nam tham gia CMCN 4.0, được hệ thống chính trị và toàn xã hội đón nhận tích cực, nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước đánh giá cao.

Nghị quyết đã thể hiện rõ quan điểm và sự quyết tâm của Đảng khi coi chủ động tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời nhận thức đầy đủ đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc CMCN 4.0 để có quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp, là cơ hội để Việt Nam bứt phát trong phát triển kinh tế xã hội.

“Xây dựng và ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị là quan trọng nhưng đưa Nghị quyết nhanh chóng vào cuộc sống để Việt Nam có thể bắt kịp, tiến cùng và vươn lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới trong CMCN 4.0 lại có ý nghĩa quyết định”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khoảng 5 triệu người ở Việt Nam phải đào tạo lại cho công nghiệp 4.0
Khoảng 5 triệu người ở Việt Nam phải đào tạo lại cho công nghiệp 4.0

VOV.VN - McKinsey & Company: Chất lượng và kỹ năng của nguồn nhân lực là bài toán khó cần phải giải ngay của Việt Nam trước làn sóng công nghiệp 4.0.

Khoảng 5 triệu người ở Việt Nam phải đào tạo lại cho công nghiệp 4.0

Khoảng 5 triệu người ở Việt Nam phải đào tạo lại cho công nghiệp 4.0

VOV.VN - McKinsey & Company: Chất lượng và kỹ năng của nguồn nhân lực là bài toán khó cần phải giải ngay của Việt Nam trước làn sóng công nghiệp 4.0.

Ba nền tảng xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng 4.0
Ba nền tảng xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng 4.0

VOV.VN - Ba nền tảng mà Bộ KT&ĐT đề xuất để xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng 4.0 bao gồm thể chế kinh tế, hạ tầng kết nối và nguồn nhân lực.

Ba nền tảng xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng 4.0

Ba nền tảng xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng 4.0

VOV.VN - Ba nền tảng mà Bộ KT&ĐT đề xuất để xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng 4.0 bao gồm thể chế kinh tế, hạ tầng kết nối và nguồn nhân lực.

Ngành bán lẻ cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong thời đại 4.0
Ngành bán lẻ cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong thời đại 4.0

VOV.VN - Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã và đang tác động lớn đến ngành bán lẻ Việt Nam tạo ra thuận lợi song cũng có không ít khó khăn.

Ngành bán lẻ cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong thời đại 4.0

Ngành bán lẻ cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong thời đại 4.0

VOV.VN - Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã và đang tác động lớn đến ngành bán lẻ Việt Nam tạo ra thuận lợi song cũng có không ít khó khăn.