“Cái khó với chúng ta là thương hiệu gạo”

Bộ Công thương với vai trò quản lý nhà nước nhưng chưa làm tốt vai trò phối hợp, dẫn dắt và bàn bạc với các doanh nghiệp.

Chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến nông sản, đặc biệt là gạo, dành cho Bộ trưởng Công thương trở nên nóng hơn khi Đại biểu “truy” tới cùng câu trả lời.

Thêm nhiều cái khó…

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) nêu vấn đề: Nước ta xác định là nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới. Tuy nhiên sản phẩm gạo Việt Nam giá rất thấp so với thị trường khu vực và trên thế giới. Nguyên nhân ở đây là do hạt gạo Việt Nam chưa có thương hiệu. “Xin Bộ trưởng cho biết thời gian qua ngành công thương đã làm gì cho thương hiệu gạo Việt Nam. Bộ trưởng có thể cho biết đến bao giờ và làm thế nào hạt gạo Việt Nam mới có được thương hiệu vững chắc trên thương trường quốc tế?”- đại biểu hỏi.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, năm 2012 chúng ta vươn lên thành nước dẫn đầu về xuất khẩu gạo. Dự kiến cả năm chúng ta xuất khẩu 7,5 – 7,6 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, chúng ta có lượng gạo xuất khẩu lớn nhưng giá cả còn thấp trong tương quan so sánh với giá gạo của một số nước, ví dụ như Thái Lan.

Bộ trưởng phân tích, nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có vấn đề là chủng loại, chất lượng gạo; điều hành việc thu mua xuất khẩu còn hạn chế. Ngoài ra, còn xuất hiện nhiều thị trường mới xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Myanmar, Campuchia dẫn đến sức ép giữa cung và cầu có sự khó khăn cho gạo của Việt Nam và cả thương hiệu hàng Việt Nam.

Về việc làm cụ thể để tạo thương hiệu gạo Việt Nam, Bộ trưởng cho biết: Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bắt đầu từ khâu giống. Bộ NN-PTNT đã có khuyến cáo bà con nông dân quan tâm hơn đến giống gạo có chất lượng cao mà không nên chạy theo giống gạo có năng suất cao mà chất lượng thấp, ví dụ gạo IR 54040. Tiếp đó là việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, qua các hội chợ, triển lãm xúc tiến giới thiệu về sản phẩm gạo, từng bước tạo dựng hình ảnh gạo Việt Nam.

Đặc biệt, Việt Nam đã ký được các hợp đồng tiêu thụ gạo dài hạn với các nước có tiềm năng như với Indonesia gia hạn Hiệp định xuất khẩu gạo với mức đến 1,5 triệu tấn/năm từ năm 2013 đến năm 2017; ký gia hạn hợp đồng xuất gạo với mức đến 1,5 triệu tấn/ năm đến năm 2013 với Phillipines và đã có những thỏa thuận xuất khẩu gạo cho Malaysia với khoảng nửa triệu tấn một năm. “Chúng tôi nghĩ đây là một trong những biện pháp hết sức căn cơ, góp phần tạo điều kiện tiêu thụ lúa gạo, hàng hóa cho bà con nông dân” – Bộ trưởng nói.

Về thương hiệu đối với các nông sản của Việt Nam, chúng ta có Hội đồng thương hiệu quốc gia và hàng năm hội đồng này đều có yêu cầu các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, các địa phương đăng ký và thực hiện các thủ tục để xây dựng các thương hiệu đối với những sản phẩm cụ thể. Việt Nam đã có các thương hiệu như bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn, thanh long của Bình Thuận. Những sản phẩm này tiêu thụ tốt trong nước, xuất khẩu có uy tín, kể cả những thị trường khó tính.

Bộ trưởng cũng thừa nhận: “Cái khó với chúng ta đó là thương hiệu gạo. Muốn có được thương hiệu gạo Việt Nam trước hết phải sắp xếp và quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp nhất là vùng trồng lúa. Mô hình cánh đồng mẫu lớn cũng là một trong những phương thức sẽ giúp cho chúng ta có sản phẩm hàng hóa chất lượng đồng đều và chi phí hợp lý hơn”.

Ngoài, ra, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo cũng phải tham gia tích cực hơn vào việc quảng bá và giúp cho người nông dân nhận thức được những chủng loại sản phẩm lúa gạo nào đáp ứng yêu cầu của thị trường để hướng dẫn, giúp bà con tiêu thụ.

Một thực tế nữa được Bộ trưởng nhắc đến là việc tham gia vào các chuỗi cung ứng, các chuỗi giá trị toàn cầu của chúng ta đang còn yếu. Vì thế, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất ra bên ngoài nhưng lại bị dùng nhãn mác của nước khác.

“Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Hội đồng thương hiệu quốc gia để trong thời gian tới từng bước một có lộ trình sớm đưa gạo Việt Nam có thương hiệu trên thế giới” – Bộ trưởng nói trước Quốc hội.

Bộ Công thương phải làm gì?

Chưa bằng lòng về câu trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nhắc lại: “Bộ trưởng vừa trả lời là để làm tốt thương hiệu liên quan đến nhiều vấn đề khác, đặc biệt là vai trò của doanh nghiệp. Vậy để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích cực xúc tiến vấn đề và tạo thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam thì Bộ Công thương phải làm gì chứ không phải chúng ta cứ nói đợi cái này, đợi cái kia, biết đến bao giờ thì hạt gạo Việt Nam mới có được thương hiệu?”.

Bộ trưởng Bộ Công thương thừa nhận: Đúng là bây giờ một mình doanh nghiệp cũng có nhiều khó khăn nên phải có vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong đó có Bộ Công thương. Việc chưa tốt đó là vai trò phối hợp, dẫn dắt và có bàn bạc một cách cụ thể với các doanh nghiệp xem khâu yếu là cái gì và họ cần gì ở các cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề xây dựng thương hiệu.

Theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định: Vấn đề xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam cũng như các hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam nói chung là vấn đề rất lớn và thời gian vừa qua Chính phủ đã quan tâm về vấn đề này. Thực chất của xây dựng thương hiệu đó là nâng cao chất lượng và duy trì sự ổn định của chất lượng hàng hóa.

“Chúng ta xuất khẩu gạo đã 23 năm. Nếu nhìn lại chất lượng gạo xuất khẩu năm 1989, 1990 đến giờ thì nước ta đã dần chuyển từ nước xuất khẩu gạo chất lượng thấp sang nước xuất khẩu gạo có chất lượng trung bình. Tất nhiên, chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực để đi theo hướng này. Chúng ta mong muốn đi nhanh hơn để đem lại hiệu quả cao hơn cho cả nông dân và quốc gia” – Bộ trưởng Cao Đức Phát nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên