Cấm sử dụng amiang trắng cần dựa trên căn cứ khoa học thuyết phục
VOV.VN - Đến nay, các nhà khoa học vẫn không tìm thấy bất cứ trường hợp nào bị ung thư do phơi nhiễm với sợi amiang trắng có trong tấm lợp.
Danh từ "asbestos" (amiang) đã được dùng để chỉ tất cả các loại sợi khoáng silicate từ những năm 1600; trong tiếng Hy Lạp cổ, từ này có nghĩa là không thể phá huỷ. Có rất nhiều loại sợi amiang và chúng khác nhau hoàn toàn về thành phần hóa học, màu sắc, tính chất cơ lý, ứng dụng và mức độ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Loại sợi amiang màu nâu và xanh có khả năng phát triển thành các khối u sau 10-20 năm ủ bệnh khi hít vào cơ thể. Sợi amiang trắng – loại sợi duy nhất còn được cho phép sử dụng ở nhiều nước trên thế giới – thì sẽ bị đào thải ra khỏi phổi sau 3 – 14 ngày. Trong thời kỳ ban đầu, amiang chủ yếu được sử dụng để dệt vải do đặc tính chống cháy của nó.
Các sản phẩm xi măng cốt sợi amiang được phát minh vào cuối thế kỷ 19 bởi nhà công nghiệp người Áo Ludwig Hatschek khi ông trộn 90% xi măng và 10% sợi amiang với nước sau đó đưa hỗn hợp này qua một máy cán để tạo thành các tấm mỏng bền chắc. Vật liệu amiang xi măng thường được sử dụng làm vách ngăn trong các tòa nhà do đặc tính chi phí thấp, cách điện, cách nhiệt, chống cháy, không thấm nước và có trọng lượng nhẹ. Đây được coi là một trong những phát minh về vật liệu xây dựng hữu dụng và phổ biến nhất của thế kỷ 20.
Tại Việt Nam, amiang trắng được sử dụng để làm tấm lợp fibro xi măng từ năm 1963 và đây cũng là loại sợi amiang duy nhất được sử dụng tại Việt Nam. Vào thời điểm những năm sau bao cấp, người người, nhà nhà đều sống dưới mái nhà lợp tấm fibro xi măng. Năm 2017, ngành công nghiệp sản xuất tấm lợp fibro xi măng gồm 39 cơ sở sản xuất với công suất thiết kế hơn 106 triệu m2/năm, sử dụng hơn 5.000 lao động với sản lượng tiêu thụ mỗi năm 80 – 85 triệu m2.
Những lệnh cấm treo trên đầu doanh nghiệp
Ngành tấm lợp fibro xi măng đang phải đối mặt với việc thị trường tiêu thụ đã sụt giảm trong vài năm trở lại đây do xu thế người tiêu dùng có khả năng mua được các loại vật liệu lợp có giá thành cao, mẫu mã đa dạng và màu sắc bắt mắt. Tuy nhiên, tại một đất nước thuần nông như Việt Nam, nơi có hơn 70% dân số là người nghèo và người có thu nhập thấp, và đường bờ biển kéo dài 3.350km thì tấm lợp fibro xi măng vẫn là một sản phẩm khó có thể bị thay thế bởi đặc tính giá rẻ, cách nhiệt tốt, không bị cong vênh trong điều kiện khí hậu thay đổi đột ngột và không bị hoen gỉ bởi hơi nước biển, sương muối, hay khói bếp hoặc axit có trong phân của gia súc, gia cầm.
Nhiều nhà máy sản xuất tấm lợp lâm vào cảnh khó khăn. |
Vậy nhưng một lí do khiến cho ngành tấm lợp vẫn sống lơ lửng trong thế ‘ngàn cân treo sợi tóc”, buộc phải đóng cửa do không cầm cự nổi vì đề xuất ban hành lệnh cấm nhập khẩu và sử dụng loại sợi này trong tấm lợp và những tuyên truyền không có bằng chứng rằng tấm lợp fibro xi măng gây ung thư.
Thực tế đời sống không thể là lời nói dối
Hơn năm thập kỷ với hàng trăm triệu mét vuông tấm lợp phủ khắp các mái nhà từ Bắc chí Nam, từ miền núi đến hải đảo nhưng không có một trường hợp bà con nào bị bệnh do phơi nhiễm với amiang trắng có trong tấm lợp fibro xi măng. Nghiên cứu của Bệnh viện Xây dựng – Bộ Xây dựng về tình hình tử vong của người dân tại xã Tân Trịnh (tổng số 1.046 hộ, và 4.565 nhân khẩu) và các xã thuộc huyện Quang Bình – tỉnh Hà Giang nơi có tới 70% số hộ gia đình sống cả đời dưới mái nhà lợp tấm lợp fibro xi măng đã cho thấy tỷ suất tử vong của xã thấp hơn so với toàn huyện và không có trường hợp nào ghi nhận bị ung thư do sống dưới mái nhà lợp fibro xi măng.
Nghiên cứu của Bộ Y tế Việt Nam do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản tài trợ thông qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã chứng minh các mẫu bệnh phẩm bị ung thư trung biểu mô được sàng lọc đều không có trường hợp nào có tiền sử tiếp xúc nghề nghiệp với amiang trắng.
Cũng giống như người dân ở các thành phố mỏ khai thác sợi amiang trắng như thành phố Asbest thuộc tỉnh Sverdlovsk – CHLB Nga, thành phố Minaçu bang Goiás, Brazil nơi bà con sinh sống hàng trăm năm qua, đời cha truyền con nối làm việc trong các vùng mỏ. Họ cười và nói: “Nếu nói rằng mỗi năm có hơn 100 nghìn người chết vì ung thư do phơi nhiễm với amiang, không có ngưỡng an toàn trong tiếp xúc, kể cả với amiang trắng thì chúng tôi ở đây đã chết hết rồi”.
Và nếu ai đã có dịp trải nghiệm đi trên các cung đường miền quê của đất nước tỷ dân Ấn Độ, Trung Quốc, hay gần ngay Việt Nam là Thái Lan, Indonesia… thì đều bắt gặp hình ảnh vô cùng quen thuộc, cũng tồn tại hàng trăm năm qua: những mái nhà và bể chứa nước làm từ fibro xi măng.
Những mái nhà tấm lợp fibro xi măng ở Indonesia. |
Quýt làm nhưng cam phải chịu trách nhiệm?
Gánh nặng bệnh tật ở các nước phát triển như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc ngày hôm nay là hệ quả của việc sử dụng amiang xanh và nâu một cách tràn lan mà không có bất kỳ biện pháp đảm bảo an toàn lao động nào trong quá khứ. Để phục vụ cho sự phát triển công nghiệp mãnh mẽ những năm đầu thế kỷ 20 và đặc biệt là trong Chiến tranh Thế giới thứ II, amiang gồm cả loại nâu xanh được khai thác và sử dụng với quy mô lớn. Chúng được phun xịt trực tiếp lên trường và trần nhà, công nhân phơi nhiễm với nồng độ cao amiang nâu xanh ở điều kiện lao động kém đã gây ra những hệ quả nghiêm trọng về mặt sức khoẻ. Tại Úc số ca tử vong do ung thư trung biểu mô cao thứ hai trên thế giới do amiang xanh được khai thác từ những năm 1930 đến năm 1966 và nước này sử dụng amiang nâu cho đến giữa những năm 1980. Điều tương tự cũng xảy ra tại Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như nhiều quốc gia phát triển khác.
Dùng amiang nâu xanh để phun xịt lên các toà mà không có trang thiết bị bảo hộ lao động. |
Vài suy ngẫm…
Thật trùng hợp là các quốc gia tài trợ cho các chiến dịch chống amiang tại Việt Nam lại là những nhà sản xuất vật liệu thay thế hàng đầu thế giới. Những nhà máy sản xuất tấm bằng sợi thay thế PVA do Nhật Bản tài trợ được thành lập và các bên chống amiang trắng ca tụng chúng như những vị cứu tinh nhưng trên thực tế thì những nhà máy này đã phải đóng cửa vì không thể sản xuất ra loại tấm đáp ứng nhu cầu thị hiếu tiêu dùng và khả năng chi trả của bà con.
Mục tiêu của các chiến dịch này có phải vì sức khỏe cộng đồng hay vì những lý do như cạnh tranh thương mại, tạo thị trường cho vật liệu thay thế, tìm kiếm lợi nhuận từ các hoạt động chống amiang như kiện tụng, phí luật sư?/.