Cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc về dòng vốn tín dụng
VOV.VN - Sau dịch bệnh COVID -19, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay, nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM vẫn khó tiếp cận vốn vay ngân hàng và nếu vay được thì lãi suất rất cao.
Lãi suất cho vay quá cao là vô lý
Năm 2022, TP.HCM thực hiện Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại cho 32.500 khách hàng vay và đã giải ngân 568.340 tỷ đồng với lãi suất từ 6-10%/năm. Nguồn vốn này đã góp phần tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu vốn với lãi suất hợp lý cho doanh nghiệp.
Năm nay, đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại đăng ký tham gia Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp của thành phố với hơn 300.000 tỷ đồng cho vay theo mức lãi suất từ 7%-11%/năm. Nhưng theo một số doanh nghiệp, thực tế hiện nay việc tiếp cận nguồn vay vẫn còn nhiều khó khăn và mức lãi suất rất cao.
Đại diện Hội Cơ khí điện TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp trong Hội đang vay với lãi suất cao hơn 4,8% so với mức lãi suất huy động của ngân hàng. Chưa kể, khi ngân hàng điều chỉnh lãi suất tăng cao, doanh nghiệp không vay nữa và rút tài sản thế chấp để đi vay ngân hàng khác có lãi suất hợp lý hơn thì việc này cũng gian nan.
“Theo tôi, các ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất cho vay khoảng 8%/năm là thích hợp với doanh nghiệp. Tại sao các ngân hàng nước ngoài họ có lãi suất thấp. Tại sao Việt Nam lãi suất ngân hàng cho vay tới mười mấy phần trăm/năm, ngân hàng đổ thừa lạm phát cái gì, thật vô lý”, ông Trương Ty, Tổng giám đốc Công ty Nệm Vạn Thành bức xúc.
Một số doanh nghiệp lĩnh vực khoa học công nghệ thuộc diện được vay ưu đãi cũng khó tiếp cận nguồn vốn vay. Cụ thể như, Công ty Khoa học công nghệ Châu Âu thuộc diện được vay các chương trình ưu đãi cho doanh nghiệp khoa học công nghệ và vay từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ… Tuy nhiên, trong 6 năm nay, doanh nghiệp này “gõ cửa” nhiều ngân hàng và quỹ mà vẫn chưa vay được vốn.
Ông Mai Quốc Ấn, Giám đốc doanh nghiệp này kiến nghị, cần có hành lang pháp lý rõ ràng hơn để tránh việc tư lợi hoặc làm sai trong cho vay, giải ngân các nguồn quỹ ưu đãi: “Tôi đề nghị làm rõ việc doanh nghiệp có phải ký chi 3% để tư vấn tài chính hay không khi vay từ quỹ (Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ), giống như mua bảo hiểm khi vay vốn ngân hàng (Chính phủ đã chỉ đạo xử lý cái này xong). Số tiền này khoảng 770 triệu là con số rất lớn với doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp đi vay đã khốn khổ rồi mà còn phải tính thêm cái đó vào, tôi đề nghị làm rõ”.
Ngân hàng không nhận tài sản thế chấp đất nông nghiệp
Một khó khăn khác nữa trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp là một số ngân hàng ngại nhận tài sản thế chấp là đất nông nghiệp hoặc đất thuê dài hạn trong các khu công nghiệp.
Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên ở huyện Bình Chánh, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2016, ngân hàng chấp nhận tài sản thế chấp của doanh nghiệp là đất nông nghiệp và cho vay hơn 50 tỷ đồng để sản xuất. Thời gian gần đây, đến thời điểm đáo hạn thì ngân hàng không chấp nhận thế chấp tài sản đất nông nghiệp này nữa. Còn nguồn vốn ưu đãi dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp thì lãi suất chỉ hơn 5,5%/năm nhưng không tiếp cận được. Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên cho biết, doanh nghiệp phải bán đất nông nghiệp đang sản xuất để có vốn xoay sở.
“Trước đây, doanh nghiệp thế chấp đất nông nghiệp vay được mấy chục tỷ, nhưng giờ ngân hàng không nhận đất nông nghiệp làm tài sản thế chấp nữa. Ngân hàng nói họ vẫn cho vay nhưng phải thế chấp bằng tài sản khác như đất ở, nhà... Trong khi doanh nghiệp sản xuất lĩnh vực này nên chỉ có tài sản đất nông nghiệp”, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ nói.
Trước khó khăn của nhiều doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP.HCM nên rà soát và giải quyết nhanh những vướng mắc của doanh nghiệp hiện nay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP.HCM cho rằng: “Doanh nghiệp kêu khó thì nêu địa chỉ cụ thể. Chúng tôi sẽ hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách trực tiếp xử lý, mời 3 bên lên tháo gỡ. Chỉ có cách như vậy thì mới tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay. Nếu nguyên nhân khó do cơ chế, chính sách thì chúng tôi sẽ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND TP. Còn khó do hành chính, cán bộ ngân hàng nhũng nhiễu, kéo dài thời gian thì chúng tôi xử lý được”.
Nguồn vốn tín dụng là “mạch máu” của nền kinh tế. Chính vì vậy, những vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn cần sớm được khơi thông kịp thời để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh./.