Cần tăng cường kiểm toán các DNNN cổ phần hóa
VOV.VN - Cổ phần hóa doanh nghiệp đang là yêu cầu cấp bách của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu nền kinh tế, cũng như xây dựng và vận hành nền kinh tế thị trường.
Để công tác này đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, vai trò của Kiểm toán Nhà nước là rất quan trọng, góp phần làm minh bạch thông tin và các quan hệ kinh tế, tài chính.
Việc tăng cường công tác kiểm toán sẽ kịp thời phát hiện những hạn chế trong cơ chế, chính sách liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý tài chính, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cổ phần hóa.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Kiểm toán nhà nước đã đẩy mạnh công tác kiểm toán quá trình xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trước cổ phần hóa, góp phần tích cực trong việc minh bạch hóa nền tài chính quốc gia, phòng chống tham nhũng và chống thất thoát tài sản công.
Hơn 3 năm qua, Kiểm toán nhà nước đã thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 của 16 doanh nghiệp. Kết quả cho thấy, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, làm ảnh hưởng đến giá trị phần vốn của Nhà nước. Đặc biệt là những sai sót trong xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, hàng tồn kho, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất. Kiểm toán nhà nước đã xác định giá trị thực tế vốn nhà nước theo phương pháp tài sản tăng gần 15.448 tỷ đồng.
Cũng trong thời gian này, Kiểm toán nhà nước đã xác nhận tính trung thực của báo cáo tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị được kiểm toán, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch hơn, kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tại 45 doanh nghiệp. Sự vào cuộc của Kiểm toán nhà nước cũng góp phần tháo gỡ các nút thắt trong quá trình triển khai cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Ông Vũ Khánh Toàn, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước khu vực 1 cho biết: "Hoạt động tổ chức xây dựng và trình phương án sử dụng đất trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp có được tuân thủ theo đúng quy định hay không và thực hiện như thế nào? Nội dung này trong quá trình kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã đi sâu phân tích đánh giá và đã phát hiện được bất cập như: Nhiều doanh nghiệp không xây dựng phương án riêng sử dụng đất trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bất cập nữa là khi xây dựng phương án sử dụng đất xong, khi triển khai thực hiện thì có những doanh nghiệp lại thực hiện không đúng phương án được phê duyệt".
Theo Quyết định số 26, ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2020, có 128 doanh nghiệp Nhà nước phải hoàn thành cổ phần hóa. Tuy nhiên chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm 2020, nhưng mới chỉ có 37 doanh nghiệp được cổ phần hóa. 91 doanh nghiệp còn lại khó có thể cổ phần hóa được trong năm nay. Như vậy, mục tiêu cổ phần hóa 128 doanh nghiệp không thể đạt được. Việc thực hiện cổ phần hóa đang gặp nhiều vướng mắc như: Việc phê duyệt phương án sử dụng đất, kiểm toán giá trị doanh nghiệp.
Trong khi các quy định mới về cổ phần hóa, thoái vốn mới được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn, khiến các doanh nghiệp phải thực hiện lại từ đầu hoặc một số nội dung, công đoạn trong quá trình cổ phần hóa. Bên cạn đó, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước chưa quyết liệt triển khai thực hiện, ảnh hưởng tới tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: "Đất đai, trong đó việc xác định giá trị đất là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho tiến độ cũng như kế hoạch cổ phần hóa hay thoái vốn không đạt tiến độ. Thêm vào đó là xác định giá trị vô hình về thương hiệu, về giá trị sử dụng đất vào xác định giá trị doanh nghiệp. Trong khi xác định giá trị hữu hình, nhìn thấy còn chưa xong. Kết quả là cho đến bây giờ không biết xác định giá trị doanh nghiệp như thế nào cho đúng quy định".
Tại cuộc hội thảo vừa được tổ chức với chủ đề “Nâng cao công tác cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước và vai trò của Kiểm toán nhà nước”, các đại biểu cho rằng, thông qua chức năng kiểm toán hoạt động, kiểm toán đánh giá khách quan, đồng thời đưa ra những kiến nghị và tư vấn cho nhà nước, cho các doanh nghiệp có biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh và nâng cao chất lượng công tác quản lý và sử dụng tài chính nhà nước và tài chính doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết: "Rất mong muốn, nếu được thì Kiểm toán Nhà nước nên có những cuộc kiểm toán chuyên đề, đánh giá tất cả các giai đoạn. Từ xác định giá trị cho đến hậu cổ phần hóa rồi quyết toán đến lần thứ hai. Đến bây giờ các Tổng Công ty lớn của Nhà nước đã cổ phần hóa được 9 năm rồi mà đến năm thứ 10 vẫn chưa quyết toán được lần hai".
Kiểm toán nhà nước xác nhận tính trung thực của báo cáo tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị được kiểm toán, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch hơn, xây dựng hệ thống thông tin tin cậy, tạo được niềm tin để các cổ đông của công ty và các nhà đầu tư.
Bà Trương Thị Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ cải cách tư pháp, Ban Nội chính Trung ương cho biết: "Ở đây chúng tôi muốn nói đến câu chuyện nhận thức Kiểm toán Nhà nước cùng với đối tượng kiểm toán là doanh nghiệp Nhà nước là luôn đồng hành với nhau. Vấn đề nữa là tiếp tục phải hoàn thiện thể chế và các khuôn khổ pháp lý về tổ chức và quản lý hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước về sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn".
Thông qua việc cung cấp thông tin đáng tin cậy để cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp; Cung cấp thông tin để các cơ quan dân cử thực hiện thẩm quyền giám sát, Kiểm toán nhà nước góp phần minh bạch hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước cũng đưa ra nhiều kiến nghị về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu quả đối với công tác cơ cấu, đổi mới và sắp xếp doanh nghiệp nhà nước. Để công tác cổ phần hóa hiệu quả hơn trong thời gian tới, Kiểm toán nhà nước cần phân tích, đánh giá các rủi ro nằm ngay trong từng công việc của tiến trình cổ phần hóa, từng tài liệu hồ sơ chứng minh sự hình thành vận động tài sản của doanh nghiệp và từng mối quan hệ lợi ích kinh tế./.