Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam xuống thấp nhất

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành này trong tháng 5 giảm xuống 48,3 điểm và đây là mức thấp nhất trong 3 tháng qua.

Theo báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam tháng 5/2012, vừa được Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) phối hợp cùng với công ty Markit Economics công bố, chỉ số PMI™ ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 5 giảm xuống 48,3 điểm từ mức 49,5 của tháng 4. Đây là mức thấp nhất trong 3 tháng qua.

Tháng 5, khối lượng sản xuất thấp hơn và số lượng đơn đặt hàng mới giảm

Chỉ số tháng này thấp hơn một điểm so với mức chỉ số trung bình (49,3) được tính kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 4/2011. Điều này cho thấy các điều kiện kinh doanh tổng thể suy giảm nhẹ và kéo dài thời kỳ sụt giảm hiện tại thành 2 tháng.

Sản lượng trong tháng 5 sụt giảm mạnh hơn so với tháng trước đó. Những người tham gia khảo sát nêu nguyên nhân sự giảm mạnh này là do các điều kiện kinh tế không có nhiều thuận lợi cùng với số lượng đơn đặt hàng mới giảm.

Các nhà sản xuất cũng phản hồi có sự giảm nhẹ số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 5 và đây cũng là lần giảm đầu tiên trong ba tháng qua. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng nhiều hơn số lượng đơn đặt hàng nói chung do nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc đã bù đắp được sức chi tiêu yếu hơn từ các khách hàng ở Nhật Bản và châu Âu.

Tuy nhiên, cuộc khảo sát tháng 5 vẫn cho thấy số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm nhẹ và đây cũng là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 1.

Các nhà sản xuất Việt Nam cho biết việc làm tiếp tục đà tăng nhẹ trong tháng 5, nhờ đó kéo dài quá trình tăng trưởng việc làm trong suốt 3 tháng. Đa số những người tham gia khảo sát cho rằng các kế hoạch dài hạn nhằm mở rộng sản xuất tại các đơn vị đã góp phần làm tăng nhẹ việc làm. Tuy nhiên, số lượng nhân công nhiều cũng đã làm giảm nhẹ khối lượng công việc đang có (nhưng chưa hoàn thành).

Suốt 7 trong số 8 tháng vừa qua đã ghi nhận sự tồn đọng việc làm thấp hơn, phản ánh năng lực sản xuất tăng lên, và trong một số trường hợp là số lượng đơn đặt hàng mới giảm đi.

Khối lượng sản xuất thấp hơn và số lượng đơn đặt hàng mới giảm trở lại đã buộc các nhà mua hàng có chính sách quản lý hàng tồn kho chặt chẽ hơn trong tháng 5.

Dữ liệu tháng 5 biểu thị sự sụt giảm cả lượng hàng hóa đầu vào và lượng tồn kho hàng hóa sau sản xuất, mặc dù tốc độ giảm mỗi loại là rất nhỏ. Trong khi đó, hoạt động mua hàng trong tháng 5 đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp, đạt tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2. Các nhà sản xuất cho biết, cùng với sức mua hàng hóa đầu vào thấp hơn, thời gian giao hàng của nhà cung cấp cũng đã được rút ngắn hơn trong 13 tháng liên tục.

Trong khi đó, mức tăng giá đầu vào vẫn cao trong tháng 5 làm kéo dài thời kỳ tăng chi phí thành 4 tháng. Tuy nhiên, mức tăng giá đầu vào trong tháng 5 được ghi nhận chậm nhất trong quá trình này. Các công ty cho rằng gánh nặng chi phí tăng là do giá của các mặt hàng có liên quan đến xăng dầu tăng.

Mặc dù vậy, giá xuất xưởng trong lĩnh vực sản xuất đã giảm vào tháng 5  - lần giảm đầu tiên kể từ tháng 1 và nguyên nhân chủ yếu được cho rằng do sự cạnh tranh mạnh mẽ trong việc giành các đơn đặt hàng mới. 

Bình luận về cuộc khảo sát chỉ số PMI™ ngành sản xuất Việt Nam, Trinh Nguyen, Nhà kinh tế Châu Á của HSBC cho rằng: “Sự sụt giảm hoạt động sản xuất trong tháng 5 cho thấy nhu cầu nội địa Việt Nam đang trong tình trạng yếu kém. Tín dụng bị thắt chặt trong quý đầu phản ánh tình hình hoạt động sản xuất khó khăn của Việt Nam. Các doanh nghiệp hoặc không thể tiếp cận vốn ngân hàng vì lãi suất cao hoặc thiếu tài sản thế chấp để được cấp tín dụng. Với tỷ lệ lạm phát đã về một con số và được phản ánh ở chi phí đầu vào giảm, Ngân hàng Nhà nước đã giảm 1% lãi suất chính sách vào ngày 28/5 để hỗ trợ các doanh nghiệp”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên