Chờ cơ hội đầu tư, dòng tiền tạm “trú ẩn” ở ngân hàng

VOV.VN - Dòng tiền tiếp tục đổ mạnh vào hệ thống ngân hàng trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, người dân và tổ chức đã gửi hơn 900.000 tỉ đồng vào ngân hàng, đưa tổng huy động vốn ngân hàng lập kỷ lục mới.

Tiền gửi lập kỷ lục, 7.800 tỉ đồng mỗi ngày

Tiền gửi ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2025, bất chấp xu hướng lãi suất huy động giảm. Theo báo cáo từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tính đến ngày 26/6, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 6,11% so với cuối năm 2024, đạt 15,632 triệu tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, hệ thống ngân hàng đã thu hút thêm 900.125 tỉ đồng tiền gửi từ tổ chức và cá nhân. Trong đó, quý 1 chỉ tăng hơn 200.000 tỉ đồng, còn lại hơn 700.000 tỉ đồng đổ vào trong quý 2. So với mức tăng trưởng 1,82% cùng kỳ năm trước, tốc độ huy động vốn năm nay nhanh hơn 3,3 lần.

Tiền gửi thanh toán cá nhân cũng ghi nhận mức cao nhất từ trước đến nay. Ngân hàng Nhà nước cho biết, số dư tài khoản thanh toán cá nhân trong quý 1 tăng thêm 56.000 tỉ đồng so với cuối năm 2024, lên mức 1,315 triệu tỉ đồng. Hệ thống tổ chức tín dụng hiện có 208,4 triệu tài khoản với tổng số dư vượt 1,315 triệu tỉ đồng, tăng hơn 177.000 tỉ đồng so với cùng kỳ 2024 và tăng 482.000 tỉ đồng so với quý 1/2023.

Tính bình quân, mỗi ngày có khoảng 7.800 tỉ đồng tiền gửi mới vào ngân hàng, tăng mạnh so với mức 2.200 tỉ đồng/ngày trước đó. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm từ tháng 3/2025 đến nay liên tục đi xuống theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm hạ chi phí vốn cho nền kinh tế. Đến cuối tháng 5, khoảng 30 ngân hàng đã giảm lãi suất huy động từ 0,1-1%/năm.

Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng cao nhất hiện là 4,7%/năm (Eximbank), sát mức trần 4,75%/năm. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng phổ biến 3,5-4,3%/năm, 3 tháng 3,7-4,5%/năm, 6 tháng 3,6-4,7%/năm. Các ngân hàng thương mại nhà nước như BIDV, VietinBank, Agribank duy trì mức thấp từ 1,6-2,3%/năm.

Nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn giữ lãi suất ở mức 3%/năm cho kỳ hạn 6-9 tháng và tối đa 4,8%/năm cho kỳ hạn từ 24 tháng trở lên. Với mặt bằng lãi suất ngân hàng thấp, dòng tiền vẫn chọn ngân hàng làm nơi gửi gắm.

Ông Đoàn Duy Tú, trưởng phòng Tư vấn Đầu tư chứng khoán VPbank, đánh giá mức tăng trưởng huy động 6,11% trong nửa đầu năm 2025 là tín hiệu tích cực so với xu hướng những năm gần đây. Tuy vậy, ông Tú cũng cảnh báo chênh lệch giữa tốc độ tăng huy động và tín dụng vẫn tồn tại, có thể gây áp lực về thanh khoản nếu không được kiểm soát tốt.

Dòng tiền phòng thủ, chờ cơ hội đầu tư

Nhiều chuyên gia nhận định, lý do dòng tiền tiếp tục đổ vào ngân hàng là bởi đầu tư an toàn vẫn là tiêu chí quan trọng với phần lớn người dân. Khi thị trường bất động sản chưa hồi phục, chứng khoán biến động khó lường và giá vàng liên tục dao động, thì tiền gửi ngân hàng trở thành kênh đầu tư ít rủi ro và dễ kiểm soát nhất.

Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hình thức gửi tiết kiệm vẫn phù hợp với người lớn tuổi, người có khoản tích lũy chưa lớn hoặc có thu nhập trung bình, bởi tính ổn định, dễ tiếp cận và minh bạch.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, dòng tiền chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng trong thời gian qua phản ánh tâm lý thận trọng của người dân trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động. Dù xu hướng đa dạng hóa kênh đầu tư tiếp tục được duy trì, nhưng tiền gửi ngân hàng vẫn là lựa chọn phổ biến nhờ tính an toàn cao, thanh khoản tốt và ít rủi ro.

Ông Lực cho rằng: “Khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản còn nhiều yếu tố khó đoán định thì gửi tiết kiệm vẫn là nơi trú ẩn quen thuộc của dòng tiền nhàn rỗi, nhất là trong bối cảnh một số cán bộ công chức được nhận một cục tiền thù lao theo chế độ nghỉ hưu trước tuổi hoặc thay đổi công việc trong quá trình tinh gọn tổ chức - bộ máy”.

Ông Đoàn Duy Tú phân tích, dù dòng tiền vẫn đổ vào ngân hàng, điều đó không có nghĩa là dòng vốn đầu tư đang “đóng băng”. Trái lại, đây được xem là trạng thái phòng thủ của dòng tiền, thể hiện sự chờ đợi thời cơ. “Khi các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán hay sản xuất, kinh doanh phát đi tín hiệu phục hồi rõ nét, dòng vốn có thể nhanh chóng chuyển hướng”.

Ông Tú cũng đưa ra khuyến cáo: “Khi thị trường vẫn còn nhiều yếu tố khó đoán, nhà đầu tư có xu hướng cân nhắc kỹ lưỡng hơn giữa các lựa chọn như nắm giữ tiền mặt, đầu tư vào bất động sản, chuyển sang vàng hoặc nắm giữ cổ phiếu chia cổ tức bằng tiền mặt đều đặn”.

 

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Tin liên quan

Giải quyết hàng chục hồ sơ bất động sản, ngân hàng cùng lúc nhờ làn xanh ưu tiên
Giải quyết hàng chục hồ sơ bất động sản, ngân hàng cùng lúc nhờ làn xanh ưu tiên

VOV.VN - Với làn xanh ưu tiên tại Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội, các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty bất động sản được nộp hồ sơ không hạn chế về số lượng, không hạn chế về thời gian nộp và không thu bất kỳ khoản phí nào.

Giải quyết hàng chục hồ sơ bất động sản, ngân hàng cùng lúc nhờ làn xanh ưu tiên

Giải quyết hàng chục hồ sơ bất động sản, ngân hàng cùng lúc nhờ làn xanh ưu tiên

VOV.VN - Với làn xanh ưu tiên tại Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội, các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty bất động sản được nộp hồ sơ không hạn chế về số lượng, không hạn chế về thời gian nộp và không thu bất kỳ khoản phí nào.

Hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ vì sao khó vay vốn ngân hàng?
Hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ vì sao khó vay vốn ngân hàng?

VOV.VN - Thống đốc trích dẫn báo cáo của Bộ Tài chính: Doanh nghiệp nhỏ hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế, năng suất lao động thấp, thông tin chưa minh bạch; và cho rằng, các doanh nghiệp khó có thể chứng minh được việc mình vay ngân hàng nhưng có khả năng trả nợ được hay không.

Hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ vì sao khó vay vốn ngân hàng?

Hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ vì sao khó vay vốn ngân hàng?

VOV.VN - Thống đốc trích dẫn báo cáo của Bộ Tài chính: Doanh nghiệp nhỏ hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế, năng suất lao động thấp, thông tin chưa minh bạch; và cho rằng, các doanh nghiệp khó có thể chứng minh được việc mình vay ngân hàng nhưng có khả năng trả nợ được hay không.