Chống suy giảm kinh tế: Phải kích cầu vào xây dựng
Tính đến thời điểm hiện tại, giá trị sản xuất công nghiệp tăng khoảng 15,8-16%; điều đặc biệt là lĩnh vực xây dựng không những không tăng mà còn giảm (-2%).
Một nhiệm vụ hàng đầu của năm 2009 mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành thực hiện quyết liệt ngay từ bây giờ là chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế. Biện pháp được nhắc đến nhiều trong thời gian này là kích cầu đầu tư. Nhưng cụ thể kích vào lĩnh vực nào và nguồn vốn lấy từ đâu?
Trong tình hình lĩnh vực xây dựng suy giảm (-2%), theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Võ Hồng Phúc, để đảm bảo không suy giảm kinh tế và đạt được mục tiêu tăng trưởng công nghiệp của năm 2009 là 7,4%, cần kích cầu trực tiếp vào nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng. Có nghĩa là phải tung tiền ra để tiêu thụ hết vật liệu xây dựng, giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất nhóm hàng này.
Vậy, dựa vào nguồn vốn nào để kích cầu đầu tư? Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, Quốc hội vừa thông qua ngân sách 112.000 tỷ đồng, trong đó, khối địa phương vẫn được giữ mức ngân sách như cũ, nhưng khối đầu tư chung giảm.
Cụ thể là đầu tư cho doanh nghiệp Nhà nước bị cắt hoàn toàn, chỉ tiếp tục đầu tư cho những tập đoàn, doanh nghiệp làm công ích như điện cho Tây Nguyên, đường sắt, cảng biển.
Thứ hai là trái phiếu Chính phủ, Quốc hội đã đồng ý cho tăng thêm 6.000 tỷ đồng để bù cho khoản của Bộ GT-VT, Bộ NN&PTNT, Bộ GD-ĐT bị cắt đi. Trái phiếu Chính phủ hiện đang giải ngân chậm, vì thế, phải tăng tốc độ giải ngân để đảm bảo tiêu thụ vật tư cho doanh nghiệp.
Thứ ba là vốn ODA, đây là nguồn vốn Chính phủ chỉ đạo phải giải ngân càng nhiều càng tốt, hiện tốc độ giải ngân đang thấp hơn yêu cầu của nhà tài trợ (đạt khoảng 70-80%), đây chính là khoản phải kích mạnh hơn nữa để tạo thêm nguồn vốn.
Thứ tư là tín dụng đầu tư của tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước và thứ năm là vốn tư nhân, đầu tư nước ngoài. Hiện có hơn trăm tỷ USD vốn FDI cam kết, phải khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài giải ngân. Vốn đầu tư năm tới sẽ được phân bổ hợp lý, tập trung, hiệu quả, không dàn trải, đúng tiến độ.
Về vấn đề phát triển doanh nghiệp, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, sẽ chú trọng vào hỗ trợ doanh nghiệp, nhanh chóng đưa quỹ bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ vào hoạt động, các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho loại hình doanh nghiệp này hoạt động trong thời gian tới.
Một vấn đề nữa được Chính phủ rất quan tâm, đưa vào diện cần phải ưu tiên thực hiện là xóa đói giảm nghèo. Năm qua, do lạm phát tăng cao, tỷ lệ hộ nghèo không giảm đi mà còn tăng lên (kế hoạch là 12% nhưng thực tế là 13%, nếu theo chuẩn mới thì còn nhiều hơn). Sắp tới, Chính phủ sẽ thông qua Nghị quyết về chế độ chính sách cho 61 huyện nghèo, chủ yếu tập trung ở miền núi phía Bắc và miền Trung.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhấn mạnh, vấn đề xóa đói giảm nghèo nếu không được quan tâm thì với tình trạng suy giảm kinh tế hiện nay, đói nghèo sẽ quay trở lại./.