Việc Ngân hàng Nhà nước cho phép Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC gia công hơn 350.000 lượng vàng SJC để tăng nguồn cung cho thị trường vàng vẫn chưa giúp giá vàng trong nước “hạ nhiệt”, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức rất cao. Điều này cho thấy Ngân hàng Nhà nước chưa có công cụ thích hợp để ổn định thị trường vàng.
Giữa lúc cung cầu mất cân đối, giá vàng trong nước cao hơn vàng thế giới gần 3 triệu đồng/lượng trong hơn 1 tháng qua thì việc bổ sung nguồn cung vàng của Ngân hàng Nhà nước xem ra vẫn như “muối bỏ bể”.
Nguyên nhân được nhiều chuyên gia cho rằng do một số ngân hàng thương mại như Sacombank, ACB, Eximbank, ..tăng cường mua vàng SJC để bổ sung nguồn vàng bị thiếu hụt do người dân rút vàng ra khỏi ngân hàng quá nhiều.
Hệ quả này xuất phát từ việc Ngân hàng nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được bán vàng và mở tài khoản mua bán vàng ở nước để bình ổn thị trường vàng. Song do sự giám sát lỏng lẻo, các ngân hàng thương mại bằng cách này, hay cách khác đã sử dụng 100% thay vì 40% số vàng huy động được để cho vay, khi lãi suất ngân hàng có thời điểm lên đến 25%/năm, trong khi giá vàng ở mức thấp. Vì vậy khi vàng tăng trở lại thì các ngân hàng này đã không kịp trở tay.
Tiến sỹ Kinh tế Nguyễn Đại Lai cho rằng một nguyên nhân quan trọng khác là việc chọn Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC độc quyền sản xuất vàng miếng SJC làm giải pháp để quản lý và bình ổn giá vàng. Minh chứng rõ nhất là 4 tháng kể từ khi đơn vị này thực hiện chính sách độc quyền thì giá vàng trong nước vẫn bỏ xa giá thế giới.
“Hiện nay cung không phải thiếu vàng mà là thiếu vàng SJC nhưng vai trò độc quyền thể hiện ở chỗ nếu như vàng SJC đang rất đắt thì phi SJC lại đang rất sát so với thế giới. Trong khi đó phi SJC cũng là vàng nhưng bởi vì SJC được độc quyền hóa bởi các doanh nghiệp thì việc mưới mấy tấn vàng phi SJC được dập thành SJC cũng đã mang đến nguồn thu rất lớn cho công ty được làm việc dập này.
Rõ ràng là một độc quyền cả về gia công chế tác, độc quyền cả về măt hàng trên thị trường thì thậm chí lại mang tiếng cho Ngân hàng Nhà nước là đi buôn vàng. Điều đó không đúng với Luật Ngân hàng. Phải chăng chúng ta đang biến hàng hóa tương đối thông thương lại trở thành thứ không thông thường. Hiện này cung không phải thiếu vàng mà là thiếu SJC. Thứ 2, không liên thông với thế giới là không có sàn và thứ 3 là xuất nhập khẩu vẫn theo quota, chặt chẽ”.
Thực tế cho thấy, thời gian qua dù Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra rất nhiều giải pháp cả ngắn hạn lẫn dài hạn để bình ổn thị trường vàng, nhưng đến nay các giải pháp này vẫn không đạt được hiệu quả vì các chính sách đang mâu thuẫn lẫn nhau.
Đơn cử, trong khi Ngân hàng nhà nước đang xây dựng đề án huy động vàng trong dân nhằm bình ổn thị trường vàng, phục vụ phát triển kinh tế thì đồng thời Ngân hàng nhà nước lại cấm các ngân hàng thương mại huy động vàng, nhưng vẫn cho phép nhóm 5 ngân hàng thương mại được bán vàng huy động để bình ổn thị trường mà không đưa ra bất cứ lộ trình nào để cân bằng trạng thái vàng trong nước của nhóm này.
Tương tự như vậy, Ngân hàng nhà nước tuyên bố sẽ độc quyền thương hiệu vàng SJC nhưng đồng thời lại thừa nhận vô thời hạn các thương hiệu vàng miếng khác mà thiếu đi một lộ trình chuyển đổi dứt khoát vàng phi SJC sang SJC gây nên thiếu nguồn cung.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng cần phải sớm điều chỉnh chính sách quản lý vàng, nên thành lập sàn vàng quốc gia cùng với việc tạo lập hành lang pháp lý, công cụ kiểm soát hữu hiệu. Đồng thời triển khai đồng bộ những giải pháp huy động vàng trong dân.
Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Trọng Tài, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho rằng: “Khi huy động vàng trong dân, phải có Ngân hàng Nhà nước là cơ quan nhân danh Chính phủ huy động qua tín phiếu vàng. Cái đó tốt hơn hình thức nhận vàng như nhận tiền gửi mà có thể nhờ ngân hàng thương mại nhận vào, vì có hệ thống rộng khắp. Nhưng cứ đến 1 khối lượng bao nhiêu đó thì sẽ chuyển đổi bằng tín phiếu ngân hàng nhà nước. chuyển toàn bộ vàng đó về ngân hàng nhà nước chứ không phải để vàng ở ngân hàng thương mại rồi các ngân hàng lại đem số vàng đó cho vay thì sẽ thành gậy ông đập lưng ông”.
Rõ ràng nếu chưa phân biệt được đâu là thị trường vàng hàng hóa và đâu là tiền tệ như Việt Nam, thị trường vàng trong nước vẫn còn diễn biến khó lường. Vì vậy biện pháp can thiệp hành chính của Ngân hàng Nhà nước vẫn chỉ là ngắn hạn.
Các chuyên gia kinh tế cũng đồng tình với việc nên tự do hóa việc xuất nhập khẩu vàng. Ngân hàng Nhà nước nên quản lý vàng thỏi và phải bằng mọi cách tăng dự trữ vàng thì mới chủ động can thiệp thị trường. Muốn vậy, Ngân hàng Nhà nước nên chuyển một phần dự trữ ngoại hối sang dự trữ vàng. Để làm được điều đó Ngân hàng Nhà nước cần một đội ngũ chuyên gia giỏi để có thể hoạch định những chính sách có tầm nhìn dài hạn về thị trường./.