Chuyển đổi công nghệ, hướng đi bền vững cho nuôi hải sản hiện đại ở Khánh Hòa

VOV.VN - Vùng biển Nam Trung bộ có nhiều tiềm năng để phát triển nuôi hải sản xa bờ. Tuy nhiên, bà con đang đối mặt với nhiều khó khăn, bất trắc của thiên tai, dịch bệnh.

Lồng nuôi bằng nhựa là giải pháp khả thi để thay thế dần các lồng bè bằng gỗ truyền thống, vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa chống chọi tốt hơn với thiên tai. Cách làm này, suất đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao hơn.

Khu vực nuôi trồng thủy sản tại vùng biển xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh nằm trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa với hàng ngàn lồng, bè được ví như một “khu đô thị nổi” trên biển. Đa số lồng, bè hình vuông bằng gỗ, thùng phi nhựa, vật liệu tạm được người dân thả nổi trên biển.

Hơn 1 năm qua, tại đây xuất hiện một số lồng hình tròn bằng nhựa đường kính khoảng 10 m. Đây là những mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển bằng lồng nhựa HDPE do Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ ngư dân thực hiện tại huyện Vạn Ninh.

Ông Trần Ngọc Sĩ, ở thôn Tân Đức 2, xã Vạn Lương cho biết, ông đang nuôi cùng lúc lồng nhựa và lồng gỗ truyền thống. Lồng nhựa HDPE nằm tách biệt, không kết lại thành bè với hàng chục ô nằm liền nhau như bè gỗ truyền thống. Điều này giúp cho môi trường nuôi được thông thoáng hơn, nhờ đó tỷ lệ cá sống cao hơn, phát triển mạnh khỏe, ít dịch bệnh hơn. Theo ông Trần Ngọc Sĩ, mô hình này vận hành hằng ngày khá đơn giản, không phải sử dụng đến các thiết bị cơ giới như cần cẩu.

“Lồng nhựa HDPE, nuôi cá thoáng hơn lồng gỗ. Lồng gỗ thì nhỏ, chật hơn. Khi cá lớn sẽ bơi không thoải mái. Khi lồng thoáng, cá sẽ lớn nhanh hơn bình thường. Công làm thì giống nhau, thao tác gọn gàng. Khoảng 1-3 người là làm được thoải mái”, ông Sĩ nói.

Vịnh Vân Phong là vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất vùng Nam Trung bộ nhưng khu vực này đang đối mặt với nhiều thách thức. Ô nhiễm môi trường, mưa bão là những trở ngại mà người dân lo lắng nhất. Bão số 12 cuối năm 2017 đã cướp sinh mạnh của hàng chục người cùng hàng ngàn tỷ đồng thủy sản, đến nay vẫn còn ám ảnh người dân.

Ông Nguyễn Xuân Hòa, một người dân ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, năm 2017, gia đình ông mất trắng 250 lồng nuôi, thiệt hại gần 20 tỷ đồng. Trong khi đó, lồng nhựa HDPE của doanh nghiệp nước ngoài trên vịnh vẫn chống chọi qua cơn bão này. Vì vậy, khi tìm được mô hình lồng nhựa, ông Nguyễn Xuân Hòa đã đầu tư chuyển đổi.

“Lúc bão xảy ra, lồng HDPE vẫn còn, thiệt hại không đáng kể, còn lồng gỗ của chúng tôi thì mất trắng hết. Từ đó, tôi rút kinh nghiệm, làm lồng HDPE này. Lồng HDPE an toàn hơn lồng gỗ nhiều. Dịch bệnh cũng hạn chế, di dời cũng dễ hơn”, ông Hòa cho hay.

Không chỉ gặp thiệt hại trong mưa bão, lồng bằng gỗ theo kiểu truyền thống cũng tiêu tốn một lượng lớn gỗ rừng. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng phá rừng ở các địa phương diễn ra dai dẳng.

Ông Nguyễn Ngọc Ý, Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, toàn huyện có khoảng 1.200 hộ, gần 40.000 lồng nuôi tôm hùm, nuôi cá biển. Việc chuyển đổi từ lồng gỗ sang lồng nhựa là xu hướng phù hợp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Ý, để người dân thay đổi thói quen, cần có thêm nhiều mô hình nuôi cũng như chính sách hỗ trợ.

“Bà con mình chưa ứng dụng nhiều, sản phẩm hơi đắt. Mỗi lồng đường kính 10m, 180 triệu, bà con cũng ngại đầu tư. Cần có một chính sách hỗ trợ vốn vay hay lãi suất như thế nào để bà con mình chuyển dần từ lồng gỗ truyền thống sang công nghệ HDPE. Điều này cũng phù hợp với điều kiện hiện tại, ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông Ý cho biết.

Hiện nay, Việt Nam có tiềm năng nuôi biển khoảng 500.000 ha. Năm 2010, sản lượng nuôi biển chỉ đạt hơn 156.000 tấn, đến năm 2019 đạt gần 598.000 tấn, với tốc độ tăng trưởng bình quân 16%/năm. Nuôi trồng thủy sản trên biển được Nhà nước xác định là một trong những trụ cột chính, hướng đến phát triển bền vững nghề cá và tạo ra đột phá cho ngành thủy sản nói riêng cũng như kinh tế đất nước nói chung.

Vì vậy, để nuôi biển tham gia vào chuỗi sản xuất giá trị bền vững, việc từng bước chuyển dịch nuôi biển thủ công ven bờ sang nuôi biển công nghiệp ở vùng xa bờ và hải đảo với sự tham gia của các doanh nghiệp có quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại được coi là chiến lược phát triển bền vững của lĩnh vực này. Nuôi trồng thủy sản trên biển thể hiện vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi từ khai thác tài nguyên thiên nhiên sang nuôi trồng, bảo vệ tài nguyên biển.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết các mô hình nuôi biển bằng lồng nhựa HDPE ở tỉnh Khánh Hòa đã được “Việt hóa” nên rất thích hợp, hiệu quả với ngư dân.

“Việt hóa trong điều kiện của chúng ta khi người nuôi chưa phải những người có nhiều vốn, biển nhiệt đới có bão và nhiều bất thường. Phải lựa chọn giải pháp công nghệ, nếu làm to quá thì gió to, bão lớn kiểm soát cũng khó. Mức đầu tư của bà con cũng giới hạn nên khuyến cáo là công nghệ vừa phải như Khánh Hòa đang làm. Các doanh nghiệp đã vào cuộc, quy trình công nghệ và đã sản xuất ra bộ sản phẩm nuôi biển xa bờ được rồi”, PGS-TS Lê Quốc Thanh khẳng định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bỏ túi hàng tỷ đồng từ mô hình nuôi cá linh và tôm càng xanh
Bỏ túi hàng tỷ đồng từ mô hình nuôi cá linh và tôm càng xanh

VOV.VN - Mô hình nuôi cá linh, kết hợp tôm càng xanh trong ruộng lúa hay thả cá lóc trong những tháng có nước về đã cho người dân có thu nhập hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm.

Bỏ túi hàng tỷ đồng từ mô hình nuôi cá linh và tôm càng xanh

Bỏ túi hàng tỷ đồng từ mô hình nuôi cá linh và tôm càng xanh

VOV.VN - Mô hình nuôi cá linh, kết hợp tôm càng xanh trong ruộng lúa hay thả cá lóc trong những tháng có nước về đã cho người dân có thu nhập hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm.

Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Lai Châu "bí" đầu ra
Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Lai Châu "bí" đầu ra

VOV.VN - Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đang khiến sản phẩm cá lồng nuôi ở hồ thủy điện Lai Châu gặp không ít khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Lai Châu "bí" đầu ra

Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Lai Châu "bí" đầu ra

VOV.VN - Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đang khiến sản phẩm cá lồng nuôi ở hồ thủy điện Lai Châu gặp không ít khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Nuôi cá trên ruộng: Mô hình kinh tế “thuận thiên” của Hậu Giang
Nuôi cá trên ruộng: Mô hình kinh tế “thuận thiên” của Hậu Giang

VOV.VN - Tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang những năm gần đây, nhiều bà con nông dân đã quay lưng với cây lúa Thu Đông để chuyển sang nuôi cá trên ruộng mùa nước nổi.

Nuôi cá trên ruộng: Mô hình kinh tế “thuận thiên” của Hậu Giang

Nuôi cá trên ruộng: Mô hình kinh tế “thuận thiên” của Hậu Giang

VOV.VN - Tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang những năm gần đây, nhiều bà con nông dân đã quay lưng với cây lúa Thu Đông để chuyển sang nuôi cá trên ruộng mùa nước nổi.