Chuyển đổi số nông nghiệp: Vì sao nông dân vẫn "loay hoay"?

VOV.VN - Dù được coi là chìa khóa nâng cao năng suất, chất lượng và đầu ra bền vững, chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn đang là bài toán khó với nhiều nông dân, hợp tác xã (HTX). Thiếu hạ tầng, thiếu kỹ năng, thiếu nguồn lực và thiếu kết nối thị trường đang khiến họ loay hoay giữa làn sóng công nghệ.

Nông dân nghe nhiều nhưng lúng túng trong ứng dụng

Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo, yêu cầu ngành nông nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, truy xuất nguồn gốc, tiêu thụ nông sản, coi đây là giải pháp sống còn để nâng cao giá trị, giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, từ chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đến thực tế triển khai vẫn còn một khoảng cách khá xa. Nhiều nơi vẫn dừng lại ở tập huấn, truyền thông, chưa đưa vào ứng dụng thực tế trên đồng ruộng

Bà Vũ Thị Thủy - Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm (thuộc tỉnh Hòa Bình cũ) - nay là tỉnh Phú Thọ - chia sẻ, theo tôi được biết  hiện nay có một số chương trình chuyển đổi số trong nông nghiệp như sử dụng nhật ký sản xuất điện tử, bán hàng qua các nền tảng số như Facebook, Zalo, TikTok, các kênh thương mại điện tử và quản lý bán hàng bằng phần mềm. Trong sản xuất có ứng dụng công nghệ số như hệ thống tưới và bón phân tự động, lắp đặt thiết bị theo dõi dinh dưỡng, lượng nước tưới hàng ngày, phát hiện sâu bệnh…. Về công nghệ, những thiết bị này hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu sản xuất hiện đại.

Tuy nhiên, không riêng Hòa Bình mà nhiều nơi, các chương trình này mới dừng lại ở mức giới thiệu, tuyên truyền, tập huấn cho có, còn để triển khai thực tế đến người nông dân thì hầu như chưa có. Bên cạnh đó, một số  mô hình được hỗ trợ từ các quỹ thiện nguyện của các doanh nghiệp lớn  mỗi năm họ khảo sát và lựa chọn hỗ trợ HTX, lắp đặt hệ thống tưới tự động, nhưng chủ yếu là hỗ trợ thiết bị sản xuất chứ chưa hẳn tập trung vào chuyển đổi số toàn diện.

Đồng quan điểm, ông Lương Văn Trường  - Chủ trang trại Nông trại Cờ đỏ, Giám đốc HTX Thanh niên Nam Đại Dương (tại tỉnh Nam Định cũ) - nay là tỉnh Ninh Bình cho biết, có rất nhiều chương trình chuyển đổi số, nhưng chủ yếu tập trung hỗ trợ nông dân làm truyền thông, thương mại, còn ứng dụng đối với sản xuất thì ít. Việc minh bạch sản phẩm thì chủ yếu hướng dẫn ghi lại quy trình sản xuất với quảng bá được hướng dẫn sử dụng trên các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, để làm thương mại thì đâu phải đơn giản dựng video hay chụp ảnh, đăng bài là xong, mà còn liên quan đến quản trị hệ thống, chăm sóc khách hàng, những cái đó hiện tại chưa được đào tạo chuyên sâu, chưa được hỗ trợ chuyên sâu.

Bên cạnh đó, thực tế tại nhiều HTX, lực lượng lao động trẻ ở nông thôn ít, người già là lao động chính, trong khi họ không quen dùng smartphone, càng không đủ kỹ năng để truy cập phần mềm, cập nhật dữ liệu hằng ngày. Trong khi đó, cán bộ kỹ thuật của HTX cũng “đuối” khi phải gánh thêm việc quản lý số liệu, giám sát đồng ruộng trong khi vẫn phải lo sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Bà Vũ Thị Thủy chia sẻ: “HTX chúng tôi đã bỏ tiền mua phần mềm nhật ký điện tử, thuê kỹ thuật viên hướng dẫn bà con cách cập nhật. Chúng tôi còn bố trí cán bộ làm giúp, chỉ yêu cầu các hộ báo hôm nay phun thuốc gì, bón phân gì, chụp ảnh gửi vào nhóm zalo, nhưng họ cũng không làm. Không phải họ chống đối mà vì họ chưa làm quen với công nghệ và không thấy cần thiết”.

Thị trường chưa minh bạch, nông dân e dè đầu tư

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hiện tại có khoảng 2.600 trong số hơn 22.500 HTX nông nghiệp trên cả nước ứng dụng phần mềm và công nghệ số. Đây là con số khá thấp so với vị thế và tiềm lực của ngành nông nghiệp nước ta.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy phản ánh thực trạng khi về các địa phương tập huấn cho bà con, có khoảng 75% bà con nông dân chỉ dùng điện thoại cũ do con cái gửi về, cấu hình và dung lượng yếu, không tải được ứng dụng khuyến nông, quy trình kỹ thuật. Không có thiết bị phù hợp thì bà con không tiếp cận được kiến thức, không thể hình thành kỹ năng.

Ngoài trình độ tiếp cận thì tâm lý e ngại đầu tư vào chuyển đổi số của các hợp tác xã và nông dân cũng đang là trở ngại lớn cho chuyển đổi số ngành nông nghiệp. 

Bà Thủy cho biết: “Sản xuất theo hướng bài bản, ứng dụng công nghệ số đòi hỏi nhiều chi phí, nhưng khi ra thị trường vẫn bị ép giá, bị cạnh tranh với hàng trôi nổi. Thị trường không minh bạch thì người nông dân không muốn đầu tư công nghệ đâu”.

Bà Thủy phản ánh thực trạng đáng lo ngại, dù cam Cao Phong hiện đã hết mùa, nhưng dọc tuyến quốc lộ 6 qua địa bàn vẫn xuất hiện nhiều điểm bán treo biển “Cam Cao Phong”, trong khi thực chất là cam từ nơi khác đưa về. Vào chính vụ, tình trạng cam từ nơi khác trà trộn càng phổ biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu cam Cao Phong. Điều này khiến người nông dân làm ăn chân chính chịu nhiều thiệt thòi. Dù áp dụng quy trình sản xuất bài bản, ứng dụng công nghệ và đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, họ vẫn không bán được giá cao. Thậm chí, nhiều hộ phải chấp nhận bán tháo để thu hồi vốn do sản phẩm tồn đọng.

Cần xây dựng các trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số tại địa phương

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững và ứng dụng công nghệ số hiệu quả, Chuyên gia Hoàng Trọng Thủy cho rằng, để nông dân tiếp cận và áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất, việc đầu tiên là bà con cần chủ động trang bị điện thoại có đủ dung lượng, cấu hình để tải và sử dụng các ứng dụng khuyến nông, quy trình kỹ thuật.

Bên cạnh đó, bà con sản xuất cùng một loại nông sản nên lập nhóm Zalo để cùng nhau chia sẻ kiến thức kỹ thuật, thông tin thời tiết, giá cả thị trường, phòng trừ dịch bệnh, đồng thời kết nối khối lượng hàng, phân công nhau đi bán để tránh bị thương lái ép giá. Mô hình này ông đã hướng dẫn và được áp dụng thành công ở Bắc Nam Bộ, ví dụ như xoài Đồng Tháp.

Ngoài ra, bà con cần nhờ con cháu trong nhà hoặc thanh niên hiểu biết trong thôn hỗ trợ, đồng thời Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… cần tổ chức các lớp, câu lạc bộ hoặc nhóm Zalo để bà con cùng học, cùng thực hành. Đặc biệt, bà con cần được khuyến khích lặp đi lặp lại một thao tác nhiều lần, từ việc tải ứng dụng, chụp ảnh, gửi tin nhắn, tra cứu giá cả… để tạo thành thói quen, giúp bà con tự tin hơn khi sử dụng điện thoại thông minh vào sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Bà Thủy đưa ra giải pháp, cần thiết lập một cơ chế minh bạch về thị trường. Các sản phẩm nông sản được sản xuất theo quy trình sạch, bài bản phải được truy xuất nguồn gốc rõ ràng và có mức giá bán cao hơn tương xứng. Chỉ khi nào người nông dân thấy được sự khác biệt về giá cả và đầu ra giữa sản phẩm sạch và sản phẩm đại trà thì họ mới sẵn sàng đầu tư, làm theo quy trình và ứng dụng công nghệ.

Trước đây, các chương trình hỗ trợ thường được triển khai thông qua hội nông dân hoặc trưởng xóm, nhưng thiếu sự ràng buộc và cam kết cụ thể, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Vì thế, cần ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp và HTX tại địa phương có uy tín để làm đầu mối triển khai. Họ sống cùng người dân, gắn bó lâu dài với vùng nguyên liệu nên sẽ giữ gìn uy tín và phát triển bền vững.

Quan trọng nhất, cần có đội ngũ kỹ thuật đi cùng nông dân ít nhất trong một chu kỳ sản xuất (tối thiểu một năm). Họ cần "cầm tay chỉ việc", hỗ trợ trực tiếp để nông dân thấy rõ hiệu quả thực tế: sản phẩm bán được giá cao, công sức giảm bớt. Khi đó, người dân sẽ tin tưởng và chủ động áp dụng công nghệ.

Ông Trường kiến nghị, cần xây dựng các trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số tại địa phương, đặc biệt cho các trang trại, gia trại quy mô nhỏ. Các trung tâm này không chỉ đào tạo, hướng dẫn mà cần trực tiếp hỗ trợ triển khai, từ việc xây dựng nội dung, video, quản lý hệ thống bán hàng, chăm sóc khách hàng trên nền tảng số cho đến hỗ trợ quy trình quản trị sản phẩm khi đưa lên nền tảng thương mại.

Một trung tâm hỗ trợ nhiều đơn vị sẽ giúp giảm chi phí so với việc các hộ sản xuất phải thuê ngoài dịch vụ riêng lẻ như hiện nay. Nhiều hộ sản xuất cũng cho biết họ sẵn sàng trả phí nếu có trung tâm hỗ trợ triển khai đồng bộ, tiết kiệm chi phí và nhân lực, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp một cách thực chất và bền vững.

hop_ban_chi_dao_chuyen_doi_so_nong_nghiep.jpg

Chuyển đổi số nông nghiệp là trách nhiệm của người đứng đầu

VOV.VN - "Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục có sự chuyển động mạnh mẽ bằng việc cụ thể hóa các Đề án, kế hoạch chuyển đổi số từ phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương" là nhận định tại cuộc họp Ban chỉ đạo chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp diễn ra sáng nay (20/2).

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Tin liên quan

Chuyển đổi số - Động lực phát triển nông nghiệp ở Yên Bái
Chuyển đổi số - Động lực phát triển nông nghiệp ở Yên Bái

VOV.VN - Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang lan tỏa sâu rộng, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu trong mọi lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp.Tại Yên Bái, việc này đang từng bước thay đổi tư duy, cách làm của người dân, HTX và doanh nghiệp, mở ra hướng phát triển mới cho nền nông nghiệp.

Chuyển đổi số - Động lực phát triển nông nghiệp ở Yên Bái

Chuyển đổi số - Động lực phát triển nông nghiệp ở Yên Bái

VOV.VN - Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang lan tỏa sâu rộng, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu trong mọi lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp.Tại Yên Bái, việc này đang từng bước thay đổi tư duy, cách làm của người dân, HTX và doanh nghiệp, mở ra hướng phát triển mới cho nền nông nghiệp.

Nam Trung bộ - Tây Nguyên đẩy mạnh chuyển đổi số hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp
Nam Trung bộ - Tây Nguyên đẩy mạnh chuyển đổi số hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp

VOV.VN - Thực hiện Nghị quyết 57 về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các ngành, địa phương tại Nam Trung bộ và Tây Nguyên đang đẩy mạnh chuyển đổi số từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, kết nối đồng bộ với các lĩnh vực kinh tế – xã hội, đặc biệt là nông nghiệp, du lịch và công nghiệp chế biến.

Nam Trung bộ - Tây Nguyên đẩy mạnh chuyển đổi số hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp

Nam Trung bộ - Tây Nguyên đẩy mạnh chuyển đổi số hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp

VOV.VN - Thực hiện Nghị quyết 57 về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các ngành, địa phương tại Nam Trung bộ và Tây Nguyên đang đẩy mạnh chuyển đổi số từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, kết nối đồng bộ với các lĩnh vực kinh tế – xã hội, đặc biệt là nông nghiệp, du lịch và công nghiệp chế biến.

Chuyển đổi số nông nghiệp tại Việt Nam đang gặp nhiều thách thức
Chuyển đổi số nông nghiệp tại Việt Nam đang gặp nhiều thách thức

VOV.VN - Nằm trong xu hướng toàn cầu, cũng là một phần quan trọng trong quá trình thực hiện chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số nền kinh tế, tuy nhiên, chuyển đổi số nông nghiệp ở Việt Nam lại đang gặp nhiều thách thức về hạ tầng, sự đồng bộ cũng như nhân sự, chi phí đầu tư….

Chuyển đổi số nông nghiệp tại Việt Nam đang gặp nhiều thách thức

Chuyển đổi số nông nghiệp tại Việt Nam đang gặp nhiều thách thức

VOV.VN - Nằm trong xu hướng toàn cầu, cũng là một phần quan trọng trong quá trình thực hiện chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số nền kinh tế, tuy nhiên, chuyển đổi số nông nghiệp ở Việt Nam lại đang gặp nhiều thách thức về hạ tầng, sự đồng bộ cũng như nhân sự, chi phí đầu tư….