Chuyên gia khuyến nghị không nên tăng thuế với xăng dầu hiện nay

VOV.VN - Các chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên tăng thuế với xăng dầu trong giai đoạn hiện nay bởi sẽ gây dư luận không tốt rằng Nhà nước tận thu.

Sau đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu lên 8.000 đồng/lít trong năm 2017 không được thông qua, mới đây, trong Dự thảo Nghị quyết thuế bảo vệ môi trường vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để lấy ý kiến, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất tăng thuế BVMT với xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít; dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít... Nếu được thông qua, mức thuế mới sẽ được áp dụng từ ngày 1/7/2018.

Cứ khó khăn lại tăng thuế

Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, lý do tăng thuế BVMT đối với xăng dầu lần này là do giá bán lẻ xăng, dầu ở Việt Nam hiện ở mức thấp so với các nước có chung đường biên giới, trong ASEAN và Châu Á. Đứng thứ vị trí 45 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia (thấp hơn 122 nước); thấp hơn Lào là 5.304 đồng/lít, Campuchia là 2.988 đồng/lít, Trung Quốc là 1650 đồng/lít); thấp hơn Singapore là 18.560 đồng/lít, Philippines là 3.892 đồng/lít, Hồng Kông là 27.974 đồng/lít.

Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế BVMT với xăng dầu lên mức kịch trần (Ảnh minh họa: KT)

Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang tham gia 11 Hiệp định thương mại tự do FTA (trong đó Hiệp định ASEAN - Hồng Kông vừa ký kết cuối năm 2017, có hiệu lực từ 01/01/2019). Mức thuế nhập khẩu ưu đãi nhất đối với xăng, dầu giảm về 0%.

“Số thu thuế từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu trong thời gian qua giảm từ 44.700 tỷ đồng năm 2015 xuống 12.700 tỷ đồng năm 2017 (giảm 32.000 tỷ đồng)”, ông Thi cho biết.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức tăng 4.000 đồng/lít, số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu dự kiến tăng khoảng 14.863 tỷ đồng/năm (lên khoảng 55.591 tỷ đồng/năm).

Tuy nhiên, theo TS. Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế, lý do này không thật sự thuyết phục, bởi việc cân bằng ngân sách cần được đặt trên một loạt các giải pháp tổng thể, trong đó bao gồm cả việc thắt chặt chi tiêu của Chính phủ và hạn chế tham nhũng, thua lỗ xảy ra tại các dự án đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ tính riêng trong 15 ngày đầu tháng 1/2018, thu ngân sách cả nước ước tính đạt 19.900 tỷ đồng trong khi tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) là khoảng 38.300 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong 15 ngày đầu năm 2018, chi ngân sách đã âm 18.400 tỷ đồng, tính bình quân, mỗi ngày âm khoảng 1.226 tỷ đồng. Trong đó, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lên tới 90%.

Cũng theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, nợ công Việt Nam năm 2017 lên đến 3,31 triệu tỷ đồng, tương đương 62,6% GDP. Như vậy, tính bình quân, mỗi người Việt Nam đều đang phải “cõng” trên lưng 33 triệu đồng nợ công. Đó là chưa tính đến số nợ của các doanh nghiệp Nhà nước mà có thể cuối cùng chính Chính phủ cũng phải trả.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dù có đủ lập luận hay gọi dưới tên gì đi nữa cũng không thể che lấp sự thật rằng tăng thuế bảo vệ môi trường là nhằm bù đắp nguồn thu ngân sách đang khó khăn. Bởi các khoản chi thường xuyên hiện chiếm tới 70% thu ngân sách quốc gia, trong đó chủ yếu chi cho tiền lương và các hoạt động không sinh lợi khác, chỉ còn phần ít ỏi còn lại chi cho đầu tư phát triển, buộc Bộ Tài chính phải tìm thêm nguồn thu cho ngân sách.

Bộ Tài chính “nói một đằng, làm một nẻo”?

Tại Kỳ họp Quốc hội tháng 11/2017, trả lời chất vấn về các vấn đề quản lý thu chi ngân sách và đảm bảo bền vững an toàn nợ công, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng tham gia trả lời chất vấn đã khẳng định chủ trương của Chính phủ là: “hoàn thiện chính sách thu theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn cơ sở thuế, tăng cường chống thất thoát và giải quyết nợ đọng thuế để tăng thu hơn là tăng thuế suất… Đặc biệt, chúng ta cần giảm thuế để bồi dưỡng nguồn thu”.

Tuy nhiên, các hành động trên thực tiễn lại đi ngược với định hướng. Việc đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên kịch trần của Bộ Tài chính đang cho thấy sự thiếu nhất quán trong điều hành và thực thi.

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính
Lý giải cho điều này, ông Phạm Đình Thi cho biết, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các chính sách thuế. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường cần thiết phải điều chỉnh thuế BVMT để đảm bảo đúng nguyên tắc đã được quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật thuế BVMT (mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ và được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa).

“Có những mặt hàng cần nghiên cứu có mức thuế cao như thuế BVMT đối với túi ni lông, dung dịch HCFC (là chất gây suy giảm tầng ô zôn) để điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng, góp phần khuyến khích việc sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường, từ đó góp phần bảo vệ môi trường trong những năm tới”, ông Phạm Đình Thi khẳng định.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, nếu nhìn vào các tờ trình của Bộ Tài chính sẽ thấy việc tăng thuế BVMT là để bù đắp phần thuế xuất nhập khẩu bị cắt giảm.

Bản chất của thuế BVMT ở Việt Nam không phải là khoản thuế sau khi thu về sẽ được dùng để chi tiêu trong một lĩnh vực, hay cho một mục đích cụ thể nào đó. Nó sẽ hòa chung vào NSNN để sử dụng chi cho các hoạt động khác. Chi cho bảo vệ môi trường chỉ là một đầu mục nhỏ trong đó.

Thuế BVMT với xăng dầu - thu nhiều, chi ít (Đơn vị tính: nghìn tỷ đồng)

“Những giải trình Bộ đưa ra khi đề xuất tăng thuế BVMT không thuyết phục. Trên danh nghĩa là thu thuế BVMT nhưng thực ra nó có thể là thuế để bù đắp cho việc cắt giảm thuế xuất nhập khẩu. Nếu thẳng thắn thừa nhận do NSNN bị giảm do nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu bị cắt giảm, dẫn tới phải tăng các sắc thuế khác có lẽ sẽ hợp lý và thuyết phục hơn", TS. Đinh Tuấn Minh nói.

Cũng theo TS Đinh Tuấn Minh, khi Bộ Tài chính thực hiện việc tăng thu NSNN thông qua thuế BVMT sẽ khiến dư luận nhầm lẫn thông điệp về bảo vệ môi trường. Vì số tiền thu về không dùng nhiều cho mục đích bảo vệ môi trường, mà dùng cho hoạt động chi khác. Trong các báo cáo của mình, Bộ Tài chính không giải trình được điều này.

Các chuyên gia cho rằng, không phải ở thuế BVMT đối với xăng dầu tăng lên bao nhiêu, mà ở việc số tiền thuế tăng thực sự được chi dùng vào đâu? Không phải ở con số hàng nghìn tỷ đồng được chi vào các dự án môi trường như thế nào, mà ở việc môi trường đã, đang và sẽ được bảo vệ ra sao. Việc Bộ Tài chính nên làm không phải tăng thuế, trong đó có thuế bảo vệ môi trường, mà phải mạnh tay rà soát, gỡ dần tiến tới xóa bỏ những khoản chi bất hợp lý, đồng thời tăng cường chống thất thoát và giải quyết nợ đọng thuế. Chỉ có thế mới xóa bỏ được thói quen khó khăn lại nghĩ đến tăng thuế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thuế bảo vệ môi trường thu từ xăng dầu được sử dụng thế nào?
Thuế bảo vệ môi trường thu từ xăng dầu được sử dụng thế nào?

VOV.VN - Bộ Tài chính cho biết giai đoạn 2012-2016, chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường cao hơn tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường.

Thuế bảo vệ môi trường thu từ xăng dầu được sử dụng thế nào?

Thuế bảo vệ môi trường thu từ xăng dầu được sử dụng thế nào?

VOV.VN - Bộ Tài chính cho biết giai đoạn 2012-2016, chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường cao hơn tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường.

Tăng thuế môi trường với xăng dầu để bù... quản trị kém?
Tăng thuế môi trường với xăng dầu để bù... quản trị kém?

VOV.VN -Tìm cách tăng mức thu thuế chỗ này để bù giảm thu chỗ khác là gián tiếp làm trì trệ sự đổi mới nền sản xuất, kinh doanh; bộc lộ nền quản trị yếu kém.

Tăng thuế môi trường với xăng dầu để bù... quản trị kém?

Tăng thuế môi trường với xăng dầu để bù... quản trị kém?

VOV.VN -Tìm cách tăng mức thu thuế chỗ này để bù giảm thu chỗ khác là gián tiếp làm trì trệ sự đổi mới nền sản xuất, kinh doanh; bộc lộ nền quản trị yếu kém.

Tăng chi quỹ bình ổn, giữ nguyên giá các mặt hàng xăng dầu
Tăng chi quỹ bình ổn, giữ nguyên giá các mặt hàng xăng dầu

VOV.VN - Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 3/2, Liên Bộ Công Thương - Tài Chính quyết định giữ ổn định giá tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Tăng chi quỹ bình ổn, giữ nguyên giá các mặt hàng xăng dầu

Tăng chi quỹ bình ổn, giữ nguyên giá các mặt hàng xăng dầu

VOV.VN - Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 3/2, Liên Bộ Công Thương - Tài Chính quyết định giữ ổn định giá tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Đề xuất tăng thuế môi trường với xăng lên 4.000 đồng mỗi lít
Đề xuất tăng thuế môi trường với xăng lên 4.000 đồng mỗi lít

VOV.VN - Từ ngày 1/7, mỗi lít xăng có thể sẽ phải "cõng" thêm 1.000 đồng thuế môi trường nếu đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua.

Đề xuất tăng thuế môi trường với xăng lên 4.000 đồng mỗi lít

Đề xuất tăng thuế môi trường với xăng lên 4.000 đồng mỗi lít

VOV.VN - Từ ngày 1/7, mỗi lít xăng có thể sẽ phải "cõng" thêm 1.000 đồng thuế môi trường nếu đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua.