Đã bắt đầu xuất hiện những “nút” thắt mới cần phải tiếp tục điều chỉnh chính sách từ phía Ngân hàng Nhà nước mới có thể khai thông luồng vốn và thực hiện mục tiêu góp phần kiềm chế lạm phát.
Đã hơn chục ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được cho vay với lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung và dài hạn, thị trường vốn vẫn chưa được khai thông như kỳ vọng.
Trước hết phải khẳng định, cơ chế lãi suất thoả thuận áp dụng với các khoản vay trung và dài hạn là một giải pháp tháo gỡ “nút thắt” cho doanh nghiệp và ngân hàng ở khâu cho vay và vay vốn. Một khi ngân hàng và khách hàng được tự do thỏa thuận lãi suất sẽ tránh được những bóp méo hay “lách luật” theo kiểu thu phí “ngầm” của các ngân hàng hiện nay - một tình trạng mà ngay cả Ngân hàng Nhà nước đã không thể kiểm soát được.
![]() |
Tuy nhiên, cơ chế mới đã có hơn chục ngày, nhưng thị trường vốn vẫn ì ạch chưa khai thông vì nhiều lý do. Một mặt bằng lãi suất cho vay thỏa thuận mới sẽ được thiết lập đã không diễn ra nhanh như dự báo. Các ngân hàng thương mại vẫn đang trong trạng thái “nhìn nhau” và thận trọng thăm dò để đưa ra mức lãi suất hợp lý không quá cao hay quá thấp so với các ngân hàng khác…
Cũng dễ hiểu bởi trên thực tế, nếu một ngân hàng nào đó đưa ra lãi suất thỏa thuận cao quá, khách hàng có thể chuyển sang giao dịch với ngân hàng khác. Tất nhiên, theo qui luật thị trường sẽ có một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng, mà phần thắng sẽ thuộc về ngân hàng nào mời chào lãi suất hợp lý, đi kèm chất lượng dịch vụ tốt trong việc lôi kéo và giữ chân khách hàng.
Tuy nhiên, cái khó của các ngân hàng hiện nay là khi thực hiện cơ chế mới, các ngân hàng không huy động được vốn vì vướng lãi suất trần 10,5%, mức lãi suất được xem là không hấp dẫn người gửi tiền. Nghịch lý đường cong lãi suất một lần nữa lại diễn ra trên thị trường tiền tệ hiện nay khi lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn đều không có sự khác biệt và thường không vượt quá 10,5%/năm.
Theo lẽ thường, kỳ hạn gửi càng dài thì lãi suất càng cao, nhưng hiện nay các kỳ hạn đều có mức lãi suất gần sát nhau với độ chênh lệch không đáng kể nên người gửi tiền không mấy mặn mà đem tiền gửi ở ngân hàng từ 12 tháng đến 36 tháng. Theo tính toán của một số chuyên gia kinh tế, giá trị quà tặng khuyến mãi hay tặng tiền mà một số ngân hàng đang áp dụng chiếm khoảng 30% lãi suất huy động. Vì thế, không ít ngân hàng cho rằng, trần lãi suất đang là “chiếc áo quá chật” đối với tình hình hoạt động của thị trường tín dụng.
Có thể hình dung đơn giản là dù cơ chế lãi suất thỏa thuận được áp dụng với các khoản vay trung dài hạn, tức là đầu ra đã mở nhưng đầu vào vẫn đóng. Một tâm lý chung là các ngân hàng gần như “án binh” trong tâm lý chờ tín hiệu của thị trường, tín hiệu bỏ trần lãi suất huy động 10,5% và mở rộng cơ chế thỏa thuận đối với cả vay ngắn hạn từ phía ngân hàng Nhà nước.
Đã có không ít chuyên gia đang cảnh báo thị trường sẽ méo mó nếu cứ duy trì cơ chế lãi suất như hiện nay. Khi lãi suất đầu vào bị chặn ở trần 10,5%, các ngân hàng sẽ không huy động được tiền gửi, khi đó tiền sẽ trôi nổi bên ngoài lưu thông gây ra lạm phát, trong khi ngân hàng không có vốn để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Có lẽ bài toán khó nhất lúc này đối với Ngân hàng Nhà nước là nếu dỡ trần lãi suất huy động liệu có xảy ra tình trạng ngân hàng chạy đua đẩy lãi suất lên cao và kịch bản tồi tệ của năm 2008 có thể lặp lại hay không? (khi đó lãi suất cho vay bị đẩy lên cao kỷ lục 22%/năm khiến doanh nghiệp điêu đứng). Hay câu chuyện thực hiện cơ chế lãi suất thoả thuận có thể sẽ khiến cho chi phí sản xuất cho doanh nghiệp vay vốn trung, dài hạn chảy vào những lĩnh vực vốn được coi là nhạy cảm như bất động sản, chứng khoán…?
Tuy nhiên, đứng ở một góc độ khác, không ít chuyên gia lại cho rằng, có những tín hiệu và cơ sở để tin rằng, khi dỡ trần lãi suất, có thể thời gian đầu lãi suất sẽ tăng lên nhưng sau đó theo quy luật cung - cầu, lãi suất sẽ giảm theo tín hiệu thị trường. Cái được lớn nhất là dòng vốn sẽ thông thoáng khi người gửi được trả lãi suất như mong muốn và người đi vay có được vốn./.