CPI cả năm 2021 có thể dưới 3% nếu kiểm soát tốt

VOV.VN - Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Thậm chí, nếu kiểm soát lạm phát một cách thận trọng, chủ động, CPI cả năm có thể dưới 3%.

Lạm phát trong tầm kiểm soát

Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, mặt bằng giá 6 tháng đầu năm diễn biến theo hướng tăng cao theo quy luật trong dịp lễ, Tết và giảm dần trở lại mức bình thường trong các tháng 3-4 trước khi tăng nhẹ trở lại trong tháng 5-6. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) phản ánh đúng diễn biến mặt bằng giá. So với tháng trước, CPI của tháng 1 tăng 0,06%, tháng 2 tăng cao 1,52%, tháng 3 giảm 0,27%, tháng 4 giảm 0,04%, tháng 5 tăng cao 0,16%, tháng 6 tăng 0,19%. Từ đó, đưa CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,47% so với cùng kỳ, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Ông Nguyễn Xuân Định, Phó phòng Quản lý giá, Cục Quản lý giá cho biết, nền tảng kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế (nợ công, thâm hụt ngân sách, cán cân xuất nhập khẩu…); nguồn cung hàng hóa dồi dào trong khi sức mua, tổng cầu nền kinh tế còn thấp; giá nhiều mặt hàng thuộc diện nhà nước quản lý nhìn chung vẫn được giữ ổn định hoặc kiềm chế mức tăng giá… là những yếu tố tạo thuận lợi cho công tác kiểm soát lạm phát.

“Về mặt “con số” thì rủi ro lạm phát trong năm 2021 là không lớn. CPI mỗi tháng cuối năm còn có dư địa trên 1% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm dưới 4%. Do vậy, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra”, ông Nguyễn Xuân Định nhận định.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cũng cho rằng, trong vòng 6 tháng qua, CPI tăng trung bình khoảng 0,27%/tháng. Nếu tốc độ tăng giá này được duy trì trong thời gian còn lại của năm, lạm phát so với cùng kỳ năm trước sẽ tăng từ 2,41% hiện nay lên mức 3,28% vào tháng 12/2021, đồng thời lạm phát trung bình của cả năm 2021 sẽ ở mức 2,12%. Còn trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh và CPI giả định tăng trung bình 0,5%/tháng thời gian tới, lạm phát so với cùng kỳ của tháng 12/2021 sẽ ở mức 4,71%, nhưng lạm phát trung bình cũng chỉ ở mức 2,53%.

“Lạm phát trung bình trong năm 2021 sẽ chỉ khoảng 2% và chắc chắn sẽ dưới mức 3%, bất chấp giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu trên thế giới tiếp tục tăng mạnh”, TS. Nguyễn Đức Độ nói.

Rủi ro tiềm ẩn

Tuy nhiên, theo đại diện Cục Quản lý giá, trong nửa cuối năm 2021, vẫn còn nhiều yếu tố có thể gia tăng áp lực lên công tác kiểm soát lạm phát như: dịch bệnh vẫn có chiều hướng lây lan trên diện rộng, căng thẳng chính trị giữa các nước trong khu vực và trên thế giới, giá cả nhiên liệu, nguyên liệu biến động khó lường; áp lực từ việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số dịch vụ công trong giai đoạn tới; chi phí lưu thông, vận chuyển hàng hóa tăng cao, nhất là đối với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, tăng trưởng chủ yếu dựa trên xuất nhập khẩu.

“Rủi ro lạm phát trên thế giới vẫn tăng cao sẽ tác động gián tiếp tới nước ta khi giá nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu tiếp tục ở mức cao như: xăng dầu, gas, sắt, thép khiến giá cả hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam tăng, gia tăng tỉ lệ “nhập khẩu lạm phát”. Bên cạnh đó, rủi ro tiềm ẩn bong bóng tài sản đến từ thị trường bất động sản, chứng khoán nếu không có những biện pháp điều tiết phù hợp khi tín dụng được đổ vào khu vực này với khối lượng lớn”, ông Nguyễn Xuân Định chỉ rõ.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, thực trạng lạm phát thấp hiện nay và trong cả năm 2021 có nguyên nhân chính là do cầu tiêu dùng trong nước rất yếu. Do sự sụt giảm của cầu tiêu dùng nội địa, lạm phát cơ bản trong tháng 6/2021 chỉ tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 1,14% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản thấp cùng với sự sụt giảm của giá thực phẩm (giá thịt lợn, thịt gà) đã cân bằng hết tất cả các tác động của giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng cao thời gian qua.

“Tổng cầu yếu do Covid-19 là nguyên nhân cơ bản giữ cho lạm phát tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp trong bối cảnh giá các hàng hóa cơ bản trên thế giới tăng cao. Mục tiêu kiềm chế lạm phát trung bình ở mức dưới 4% trong năm 2021 chắc chắn sẽ đạt được. Mặc dù vậy, tình trạng lạm phát thấp do tổng cầu yếu hiện nay không hẳn là điều đáng mừng”, TS. Nguyễn Đức Độ nêu ý kiến.

Các kịch bản cho CPI năm 2021

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính đưa ra 2 kịch bản cho CPI năm 2021. Theo đó, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm tăng trưởng ở mức 6,8 - 7% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,3 - 3,5%. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh được khống chế sớm trong tháng 7 và không lây lan vào các doanh nghiệp (DN), các khu công nghiệp, kinh tế thế giới phục hồi tốt, DN Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, nắm bắt và thích ứng với các Hiệp định thương mại tự do và những thay đổi lớn trong nền kinh tế thế giới, tăng trưởng 6 tháng cuối năm ở mức 7,0 - 7,4% thì khả năng lạm phát sẽ ở mức 3,8 - 4,0%.

TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, nếu kiểm soát lạm phát một cách thận trọng, chủ động, thậm chí chúng ta có thể đạt CPI cả năm dưới 3%.

Để đạt được mục tiêu đó, ông Lê Quốc Phương cho rằng, cần thực hiện các biện pháp kiểm soát lạm phát thận trọng, linh hoạt, chủ động nhằm ổn định giá để tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.

“Cần theo dõi sát diễn biến giá cả cung cầu các mặt hàng thiết yếu; không đồng thời tăng giá các mặt hàng trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, chúng ta cần điều hành tốt giá một số mặt hàng như: sắt thép, xăng dầu, dịch vụ hàng không, dịch vụ y tế, đất đai, bất động sản; cần chuẩn bị nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tránh tình trạng khan hiếm đẩy giá tăng đột biến”, TS. Lê Quốc Phương khuyến nghị./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Áp lực lạm phát, bong bóng tài sản vẫn đè nặng nền kinh tế
Áp lực lạm phát, bong bóng tài sản vẫn đè nặng nền kinh tế

VOV.VN - Việt Nam đã trở thành điểm sáng hiếm hoi của tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhờ những phản ứng chính sách kinh tế nhanh chóng và phù hợp. Tuy nhiên, dư địa tiền tệ không còn nhiều nên nền kinh tế luôn phải đối mặt với sức ép tiềm ẩn về lạm phát hoặc bong bóng tài sản.

Áp lực lạm phát, bong bóng tài sản vẫn đè nặng nền kinh tế

Áp lực lạm phát, bong bóng tài sản vẫn đè nặng nền kinh tế

VOV.VN - Việt Nam đã trở thành điểm sáng hiếm hoi của tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhờ những phản ứng chính sách kinh tế nhanh chóng và phù hợp. Tuy nhiên, dư địa tiền tệ không còn nhiều nên nền kinh tế luôn phải đối mặt với sức ép tiềm ẩn về lạm phát hoặc bong bóng tài sản.

Cần thận trọng trong ứng xử với áp lực lạm phát
Cần thận trọng trong ứng xử với áp lực lạm phát

VOV.VN - Mức lạm phát năm 2021 có thể cao hơn năm ngoái do một số nguyên nhân như: sự lên giá của bất động sản và chứng khoán chứng khoán làm tăng tài sản của các nhà đầu tư...

Cần thận trọng trong ứng xử với áp lực lạm phát

Cần thận trọng trong ứng xử với áp lực lạm phát

VOV.VN - Mức lạm phát năm 2021 có thể cao hơn năm ngoái do một số nguyên nhân như: sự lên giá của bất động sản và chứng khoán chứng khoán làm tăng tài sản của các nhà đầu tư...

Bộ Tài chính: CPI những tháng cuối năm vẫn còn nhiều dư địa
Bộ Tài chính: CPI những tháng cuối năm vẫn còn nhiều dư địa

VOV.VN - Trước lo ngại lạm phát tăng do giá một số hàng hóa tăng thời gian qua, Bộ Tài chính cho biết đã phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ diễn biến mặt bằng giá và đề xuất giải pháp điều hành những tháng còn lại, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Bộ Tài chính: CPI những tháng cuối năm vẫn còn nhiều dư địa

Bộ Tài chính: CPI những tháng cuối năm vẫn còn nhiều dư địa

VOV.VN - Trước lo ngại lạm phát tăng do giá một số hàng hóa tăng thời gian qua, Bộ Tài chính cho biết đã phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ diễn biến mặt bằng giá và đề xuất giải pháp điều hành những tháng còn lại, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.