Học phí và học phí...
VOV.VN - Ngày 04/7, tại phiên học thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đã đề xuất miễn học phí trung học cơ sở tù năm học tới. Ngay lập tức, các tờ báo hồ hởi đăng tải thông tin này. Nhưng, có vẻ tin này không thực sự khiến công chúng mừng vui.
Đề xuất miễn học phí THCS của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo có vẻ như không khiến cho công chúng mừng vui như hình dung ban đầu của nhiều nhà báo khi đăng tin này.
Bởi, rất nhanh, người ta nhận ra rằng, số tiền được miễn chỉ là 2 triệu đồng cho một học sinh mỗi năm học.
Đó là khoản chi rất nhỏ, so với chi phí học tập của một đứa trẻ, trong khi nó không đảm bảo chất lượng giáo dục công có được cải thiện hay không.
Câu chuyện miễn học phí phổ thông cơ sở hay không, lẽ ra không phải việc mà các nhà quản lý giáo dục cần phải nặng đầu suy nghĩ. Luật Giáo dục đã quy định Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục từ mầm non đến trung học cơ sở.
Điều đó có nghĩa là Nhà nước còn nợ nhân dân khoản thu này. Điều mà Bộ trưởng Bộ giáo dục - Đào tạo nên quan tâm trước tiên, là vì sao học sinh vẫn phải đi học thêm ngoài giờ học chính khóa?
Tôi có một người họ hàng, vợ của ông cậu ruột, vốn là giáo viên dạy toán ở một trường huyện. Bà mợ theo chồng lên Hà Nội, ở nhà nội trợ một thời gian thì vì rảnh rỗi mà mở lớp phụ đạo tại nhà cho lũ trẻ bị hổng kiến thức.
Nhà ngoại ô, xóm nghèo, tiền học phí chỉ bằng 1/4 giá thị trường, còn miễn học phí cho con nhà hàng xóm có hoàn cảnh khó khăn, nhưng bà mợ tôi nhờ dạy học ở nhà mà nuôi được một chồng với 2 con, trong khi vẫn cơm lành canh ngọt.
Câu chuyện này nói lên điều gì?
Đó là tình trạng lũ trẻ hổng kiến thức, và cần phụ đạo luôn là một lực lượng dồi dào.
Bà mợ tôi không phải giáo viên trong biên chế, không có quyền lực để ép lũ trẻ phải học thêm, phụ huynh ở cái xóm nghèo ngoại ô đó không có nhu cầu con mình phải trở thành những đứa trẻ kiệt xuất.
Lũ học trò đó muốn học thêm, bố mẹ chúng phải chi ra một khoản tiền trong thu nhập ít ỏi của mình để cho con học thêm, để bù đắp lượng kiến thức mà chúng không hấp thu nổi ở trường; trong khi, bố mẹ chúng không có khả năng để kèm con học tập hàng ngày.
Chúng ta có lẽ đã quá quen với việc lũ trẻ đến trường rồi tiếp tục phải học thêm, đến mức chúng ta thấy rằng đó là chuyện bình thường.
Nhưng những nhà quản lý giáo dục, tôi không hiểu vì sao họ có thể chấp nhận hệ thống giáo dục mà họ quản lý lại không thể đảm bảo đa số lũ trẻ có thể theo được chương trình học mà không cần học thêm.
Do chương trình học quá tải, hay do chất lượng giáo viên, hay do môi trường sư phạm không đảm bảo…? Dù bất cứ lý do gì thì việc lũ trẻ ngoài đến trường học phải đi tìm lớp để học thêm cũng là điều mà những nhà quản lý giáo dục nên lấy làm xấu hổ.
Miễn học phí hay không? Đó là quyết định từ ý chí của Nhà nước, khi Nhà nước cần khẳng định sự ưu việt của mình, khẳng định quyết tâm theo đuổi mục tiêu tất cả trẻ em đều phải được đến trường.
Còn các nhà quản lý giáo dục, nhiệm vụ của họ là đảm bảo trẻ đến trường được học, và môi trường học tập đó đảm bảo phù hợp với đa số học sinh, những đứa trẻ đặc biệt, gặp những rào cản về nhận thức thì cần được xác định để trao cơ hội đặc biệt.
Những đưa trẻ đến trường để học, và chúng lẽ ra không cần phải chờ tiếng trống tan trường để vội vàng đến những lớp học thêm.
Bởi khi học sinh còn phải bù đắp kiến thức bằng các buổi học thêm, thì khoản tiền học phí được miễn, xem ra chẳng có nghĩa lý gì./.