Dịch tả heo châu Phi: Khi chính sách hỗ trợ chưa rõ ràng
VOV.VN - Thông tin sai lệch về dịch cũng như chính sách hỗ trợ khiến một số trang trại, hộ chăn nuôi quy mổ nhỏ lẻ rủ nhau “bán tháo” heo.
Trước nguy cơ dịch tả heo châu Phi đang lan ra tại một số địa phương, tại Đồng Nai, nơi có tổng đàn heo lớn nhất cả nước, nông dân đang chủ động giảm đàn để tránh thiệt hại trong trường hợp có dịch tả heo châu Phi xảy ra.
Chủ động giảm đàn
Các biện pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi đang được ngành chức năng và giới chăn nuôi khẩn trương thực hiện. Đồng Nai đã siết chặt kiểm soát tại các chốt kiểm dịch động vật, tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng trên diện rộng, tổ chức các đợt tuyên truyền cho người chăn nuôi hiểu rõ về dịch bệnh này cũng như các giải pháp phòng chống dịch.
Tuy nhiên, với việc dịch đã xảy ra ở hàng chục tỉnh thành, nhiều người chăn nuôi ở Đồng Nai đang có tâm lý giảm đàn để giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp xấu dịch xảy ra.
Người chăn nuôi chủ động giảm đàn để tránh thiệt hại trong trường hợp có dịch tả heo châu Phi xảy ra. |
Ông Đỗ Văn Thuận (xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất) cho biết, ông vừa quyết định giảm mạnh số đầu heo trong trang trại. Từ 70 heo nái và khoảng 300 heo thịt, nay ông Thuận chỉ giữ lại khoảng 20 nái, số heo thịt chờ xuất bán xong cũng sẽ giảm mạnh.
“Dịch tả này không có thuốc chữa nên bà con báo cho nhau bán bớt, bởi giữ đàn mà không có thuốc sẽ rất nguy hiểm. Cùng với đó, nhiều thông tin cho biết, lợn bị dịch là chết cả đàn nên người nuôi càng thêm lo lắng, phải bán đi, gỡ được tí nào hay tí đó”, ông Thuận chia sẻ.
Bình thường khi nuôi, heo thịt thường đạt trên 100 kg nông dân mới xuất bán, nhưng nay trước nguy cơ dịch tả heo châu Phi có thể xảy ra bất cứ lúc nào, người chăn nuôi ở Đồng Nam đã chọn cách xuất bán sớm hơn, khi heo đạt trọng lượng 70 - 80kg. Dù lợi nhuận không được như mong muốn, nhưng ít ra nông dân vẫn có lãi, và an toàn hơn trước trước nguy cơ dịch.
Ông Nguyễn Minh Quyền, một chủ trang trại ngậm ngùi chia sẻ, giá lợn thịt mấy năm nay không được ổn định. Khi lợn được giá một chút lại có dịch lở mồm – long móng, đến nay lại có dịch tả châu Phi. “Giá lợn ngày càng xuống, nhiều hộ nuôi mới chỉ đạt 70- 80 kg đã phải bán chạy, bán tháo, còn heo con người nuôi sợ không dám nhập”, ông Quyền cho biết.
Chính sách hỗ trợ cần rõ ràng
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, hiện giá heo ở phía Nam đã giảm xuống mức dưới 50.000 đồng/kg. Trong khi trước đó chưa lâu, giá heo rơi vào khủng hoảng, giá bán dưới giá thành sản xuất rất sâu khiến nhiều nông dẫn lỗ nặng, tâm lý có phần hoang mang.
Đáng chú ý, có hiện tượng thương lái ép giá, thậm chí thông tin sai lệch về dịch cũng như chính sách hỗ trợ khiến một số trang trại, hộ chăn nuôi quy mổ nhỏ lẻ rủ nhau “bán tháo” heo.
Bên cạnh đó, người chăn nuôi còn nhiều băn khoăn về chính sách hỗ trợ trong trường hợp xảy ra dịch như mức hỗ trợ, thủ tục hỗ trợ. Khi những thông tin này chưa rõ ràng thì nông dân cũng chưa thể yên tâm giữ đàn.
Do đó, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai kiến nghị, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm quyết định và công khai phương án hỗ trợ để người chăn nuôi có thể yên tâm duy trì đàn bên cạnh nỗ lực phòng chống dịch. Ngoài ra, việc này cũng sẽ góp phẩn đảm bảo thị trường thịt heo không bị xáo trộn.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai kiến nghị, chính sách hỗ trợ cần phải công khai, bởi việc công khai sẽ tác động lớn đến người chăn nuôi.
“Khi có thông tin hỗ trợ chính thức, người nuôi sẽ thực hiện “5 không” như không giấu dịch, không bán chạy, không phát tán… là những thông tin rất tốt để bà con chăn nuôi giữ được đàn làm sao tốt nhất”, ông Công đề xuất.
Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng khuyến cáo, người chăn nuôi không nên quá hoang mang, cần cố gắng giữ ổn định chăn nuôi, nhất là đối với đàn heo nái. Bởi sau khị dịch đi qua, dự báo thị trường sẽ thiếu hụt một số lượng thịt heo nhất định, nếu số heo nái bị hao hụt, người nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn khi tái đàn để bù đắp cho thị trường./.
TP HCM quyết liệt, chủ động phòng chống dịch tả heo Châu Phi