“Điệp khúc” giá sữa tăng và những bất cập trong quản lý
VOV.VN -Theo các chuyên gia, những bất cập trong việc quản lý đã khiến doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở để lách luật tăng giá.
Bất chấp các quy định về quản lý giá sữa của Bộ Tài chính, từ trước Tết Nguyên Đán, giá sữa bột cho trẻ em vẫn tiếp tục tăng và dự báo sắp tới, nhiều sản phẩm sữa sẽ còn tăng giá nữa.
Tại các phố Hàng Buồm, Tôn Đức Thắng, Ngọc Hà (Hà Nội), nhiều chủ đại lý sữa cho biết, các dòng sữa Similac, Pediasure, Enfa... được thông báo sẽ tăng ở mức từ 5 - 7%, áp dụng cho tất cả các nhãn hàng, bao gồm cả sữa chua, sữa dành cho trẻ em và người lớn...
Nhiều hãng sữa lại rục rịch tăng giá |
Ngày 10/2, một số hãng sữa trong nước như Vinamilk đã tăng trung bình khoảng 6% so với giá cũ. Thời điểm áp dụng mức tăng giá thêm 7% vào ngày 1/3 tới. Điệp khúc mà các doanh nghiệp đưa ra để tăng giá sữa vẫn là… giá nguyên liệu thế giới tăng. Theo Công ty Vinamilk, giá thu mua sữa tươi nguyên liệu từ nông dân cũng tăng khoảng 22% so với đầu năm ngoái.
Chị Nguyễn Thu Trang, chủ một đại lý sữa trên phố Ngọc Hà cho biết: “Từ trước Tết, hãng sữa Abbott tăng giá từ 3 - 5%. Các công ty thông báo hầu hết các hãng sữa trên thị trường sẽ tăng giá, nhưng hiện giờ chưa có bảng giá mới nên chưa biết giá mới sẽ là bao nhiêu. Việc tăng giá này cũng ảnh hưởng đến sức mua của khách hàng”.
Tính từ đầu năm đến nay, sữa đã tăng giá 2 lần liên tiếp. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, việc tăng giá tùy tiện của các hãng sữa đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn tài chính, chi tiêu của mỗi gia đình cũng như khẩu phần ăn của trẻ nhỏ. Mặc dù là mặt hàng thiết yếu, nhưng thời gian qua việc giá sữa tăng liên tục cho thấy sự lỏng lẻo trong khâu quan lý giá. Sữa đã được đưa vào diện bình ổn, nhưng có vẻ lại càng dễ tăng hơn, vì doanh nghiệp chỉ cần đăng ký với cơ quan chức năng là đã đủ trách nhiệm, sau đó tha hồ tăng giá với cái cớ đã đăng ký, đã được chấp nhận.
Từ cuối năm 2013, sau những chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ về việc chấn chỉnh quản lý thị trường sữa, Bộ Y tế chính thức ban hành Thông tư 30 quy định danh mục sữa thuộc diện bình ổn giá. Như vậy, trước đây chỉ sản phẩm sữa cho trẻ em từ 0 - 36 tháng tuổi mới được quản lý giá, thì nay sản phẩm sữa cho trẻ từ 0 - 6 tuổi cũng phải được bình ổn giá.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Trí Long, chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu và quản lý giá, Thông tư 30 chỉ mới chỉ chuẩn hóa lại tên gọi thuộc diện quản lý giá của Nhà nước, bao gồm cả sữa và thực phẩm dinh dưỡng nằm trong diện kiểm soát về giá. Thông tư này cũng chỉ yêu cầu các doanh nghiệp kê khai giá, nhưng lại chưa thể kiểm soát được triệt để giá sữa nhập khẩu hay giá sữa thành phẩm sau sản xuất. Trong khi đó, Luật giá hiện đang cho phép các doanh nghiệp sữa được tăng giá từ 15 - 20% và mỗi lần tăng giá phải cách nhau tối thiểu 15 ngày. Như vậy, các doanh nghiệp sữa vẫn có thể thoải mái tăng giá vài lần trong năm, mà không sai luật.
Trước việc đề nghị tăng giá sữa của một số doanh nghiệp, Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính khẳng định sẽ kiểm tra để làm rõ những dấu hiệu bất thường. Đặc biệt, cơ quan này đã yêu cầu cơ quan hải quan vào cuộc điều tra liệu có hay không việc chuyển giá của doanh nghiệp sữa nhằm trục lợi.
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc kiểm soát chống chuyển giá, thì cần thiết phải có cơ chế kiểm soát giá, đưa ra quy chuẩn về quản lý, mức lợi nhuận bình quân mà doanh nghiệp được hưởng khi kinh doanh sữa. Có như vậy, giá sữa mới thực sự được quản lý và không lặp lại kỷ lục 3 năm 30 lần tăng giá sữa như thời gian qua./.