Đìu hiu thị trường mua bán trái cây sầu riêng “tỉ phú”
VOV.VN - Khác biệt với các năm trước, hiện nay thị trường kinh doanh trái sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang trầm lắng. Các nhà kho mọc lên ồ ạt nay lại đóng cửa, chưa biết khi nào hoạt động. Ở thời điểm hiện tại, một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì việc đầu tư xây nhà kho với kinh phí khá lớn.
Ông Trình Văn Sỹ là chủ một doanh nghiệp kinh doanh trái sầu riêng tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, trong nhiều tháng qua, kho sầu riêng của doanh nghiệp đóng cửa. Các công nhân lao động tại đây tạm thời kiếm việc khác làm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do năm nay trái sầu riêng thất mùa.
"Kho không đóng hàng vì mùa rồi thất quá, đóng cửa nghỉ thời gian khá dài. Nhân công tôi cấp cho mỗi người một bao gạo mà không phải trả lương, 80% nhà kho đều đóng cửa, khoảng tháng 2 sau Tết mới vô mùa, mua mới nhiều”, ông Sỹ nói.
Vào thời điểm này năm ngoái, thị trường mua bán trái sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang rất sôi động. Dọc theo tỉnh lộ 864, 868, quốc lộ 1 thuộc địa bàn từ huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè, các nhà kho sầu riêng đông ken, xe container đậu nối đuôi nhau để chờ lên hàng đưa trái sầu riêng đi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ngược lại, năm nay hầu như các nhà kho đều đóng cửa, tạm ngưng hoạt động, nhân công lao động tại đây mất việc.
Qua tìm hiểu của PV VOV, thị trường kinh doanh trái cây “tỉ phú” này lắng dịu là do vườn sầu riêng thất mùa. Ở vụ nghịch vừa qua, có đến hơn 60% vườn cây giảm năng suất, mất mùa, từ đó kéo theo các doanh nghiệp không mua đủ sản lượng để giao cho đối tác nên phải tạm nghỉ.
Điều đáng quan tâm là những năm gần đây, trái sầu riêng sốt giá, hút hàng, doanh nghiệp xa gần đổ xô về các vùng trồng cây sầu riêng trọng điểm của huyện Cai Lậy, Thị xã Cai Lậy và Cái Bè đầu tư mở nhà kho kinh doanh mặt hàng này. Mỗi kho kinh doanh trái sầu riêng có mức đầu tư từ 4-5 tỷ đồng (tùy quy mô); nhiều trường hợp phải tốn kinh phí khá lớn để chuyển mục đích sử dụng đất. Nhiều tháng qua, do phải tạm ngừng hoạt động nên không ít doanh nghiệp gặp khó khăn; người xây kho sầu riêng cho thuê phải giảm giá, chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Ông N.T. L, một người dân tại ấp Bình Thanh, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy đã đầu tư nhiều tỷ đồng xây 3 nhà kho sầu riêng cho doanh nghiệp thuê mua trái sầu riêng xuất khẩu qua Trung Quốc chia sẻ: “Khó ở chỗ là hiện nay trái sầu riêng thất mùa, thứ 2 nữa là chủ vựa đóng cửa, phía Trung Quốc thuê kho giá cao quá đóng hàng bị thua lỗ nên ngưng. Còn vựa nào mở cửa thì đóng hàng 2-3 vựa ghép lại mới đầy một xe. Qua tắc phía Trung Quốc mua thì 3 ngày phải đóng hàng đủ 1 xe sầu riêng, còn không đủ phải bồi thường hợp đồng, thành ra bây giờ không dám ký hợp đồng. Mình cho thuê kho thì bây giờ người thuê đóng cửa xin giảm giá, người ta không làm được mình thu tiền sao được, phải giảm giá”.
Hoạt động mua bán trái sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang hiện nay rất đìu hiu do phụ thuộc vào vụ mùa và đầu ra là thị trường Trung Quốc. Việc đầu tư xây dựng quá nhiều nhà kho kinh doanh mặt hàng nông sản này cũng cần được quan tâm. Tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang có đến trên 100 nhà kho của các doanh nghiệp và cả người dân xây cho thuê để kinh doanh trái sầu riêng, tập trung nhiều nhất tại các xã Tam Bình, Ngũ Hiệp, Long Trung… Nếu thị trường trầm lắng kéo dài thì chủ các nhà kho này không biết phải làm gì.
Chủ trương của tỉnh Tiền Giang là chỉ cấp phép các công trình có đủ điều kiện nhất là đất xây nhà kho phải đúng mục đích sử dụng đất, đảm bảo an toàn giao thông, phòng cháy- chữa cháy… Các trường hợp xây nhà kho trên đất nông nghiệp đang được xử lý.
“Bây giờ các kho trái cây nếu có phép xây dựng thì họ vẫn xây dựng bình thường do nhu cầu kinh doanh của người dân mình không có ngăn cản được. Hướng tới lĩnh vực kinh doanh trái cây này sẽ được thẩm định, các nhà kho, nhà xưởng quy định thời gian nào phải đáp ứng, nếu không đáp ứng đủ điều kiện thì phải đóng cửa”, ông Trần Minh Tuân, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cai Lậy cho biết thêm.
Dù trái sầu riêng đang rất sốt giá, nhà vườn có thu hoạch sẽ lãi cao, tuy nhiên, cây ăn trái này phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Do đó, việc trồng và kinh doanh trái cây “tỉ phú” đang nở rộ tại tỉnh Tiền Giang cần được quan tâm từ nhiều phía, cần chủ động cân đối giữa “cung- cầu”, chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa, xây dựng mã số vùng trồng đi đôi với mã số cơ sở đóng gói đạt tiêu chuẩn vì thị trường xuất khẩu ngày càng được siết chặt hơn, đòi hỏi chất lượng cao hơn.