Doanh nghiệp ĐBSCL chật vật xoay sở sản xuất trong điều kiện dịch bệnh

VOV.VN - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những vùng kinh tế trọng điểm, có những đóng góp lớn về xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của vùng.

Dịch bệnh đã khiến cho hàng chục ngàn doanh nghiệp vùng ĐBSCL giải thể hoặc tạm ngưng hoạt động, điều này đã tác động lớn đến vấn đề xuất khẩu của vùng kinh tế trọng điểm này. Ngoài ra, đã có hàng chục ngàn lao động bị ảnh hưởng khi mất việc, tạm ngừng, dẫn tới những hệ lụy về sau.

Loay hoay với “3 tại chỗ” rồi “4 tại chỗ”

Việc thực hiện “3 tại chỗ” rồi đến “4 tại chỗ” đối với nhiều doanh nghiệp tại ĐBSCL không hề dễ dàng. Với những doanh nghiệp đầu tư máy móc công nghệ cao việc đảm bảo sản xuất còn đỡ khó. Còn những doanh nghiệp sử dụng lao động tay chân như: may mặc, chế biến cá tra có quy mô hàng ngàn lao động thì vất vả đủ đường. Không chỉ chi phí test nhanh mà việc giữ chân công nhân là một vấn đề nan giải đối với nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Võ Minh Trân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy Sản Cửu Long, tại khu Công nghiệp Sa Đéc, Đồng Tháp, dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc duy trì sản xuất “4 tại chỗ” của công ty với số lượng trên 10% lao động để đóng hàng thành phẩm giao cho đối tác như hợp đồng, còn hoạt động sản xuất đã tạm ngưng. Hiện nay, dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, phía công ty đang chuẩn bị nhận thêm khoảng 600 lao động để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

“4 tại chỗ là biện pháp nhất thời trong thời gian dịch thôi, công ty lúc nào cũng muốn là 1 cung đường 2 điểm đến xanh, đường xanh, nhà máy xanh để đi lại cho dễ dàng và an toàn nữa. Tại vì mình đã cấp giấy đó đi đúng tuyến đường đó, công an ở ngoài chốt kiểm đúng tuyến đường đó thì cho đi thôi. Công ty cam kết nếu người lao động ai mà đi sai tuyến đường có thể công ty sẽ sa thải người đó” - ông Võ Minh Trân nói.

Đồng Tháp đã nới lỏng giãn cách xã hội, từng bước tạo điều kiện cho sản xuất, giao thương, còn doanh nghiệp đã bắt đầu tuyển lao động, tăng công suất hoạt động. Việc khôi phục sản xuất, kinh doanh sẽ phải thích nghi với những diễn biến của dịch Covid-19. Thời gian qua việc thực hiện sản xuất, kinh doanh theo phương án “3 tại chỗ” rồi đến “4 tại chỗ” chỉ mang tính tạm thời, hiệu quả không cao mà doanh nghiệp đội chi phí rất nhiều, điều quan trọng hiện nay là doanh nghiệp thích ứng sống chung với Covid-19.

Bà Trần Thị Đào, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Về phía Imexpharm chúng tôi đã tiến hành tổ chức 3 – 4 tại chỗ thực sự chỉ 4 nhà máy nhưng mà chi phí từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng thậm chí 2 tỷ đồng mỗi tháng trong 3 tháng vừa rồi, thực sự kéo dài như vậy tăng chi phí lên rất là nhiều”.

Doanh nghiệp "đứng hình" khi chi phí logistics tăng tới 7 lần

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Minh Cường, xã Tắc Vân, thành phố Cà Mau chuyên chế biến tôm xuất khẩu. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, một bộ phận công nhân ở tỉnh Bạc Liêu không thể qua làm việc, nhiều nhân viên cũng xin nghỉ nên thiếu nhân lực cũng đang là một vấn đề đáng lo ngại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải thực hiện "3 tại chỗ" hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” nên chi phí sản xuất tăng cao. Riêng chi phí cứ 3 ngày phải test Covid-19 cho công nhân đã tiêu tốn của khoảng 20 triệu đồng/1 lần test. Đặc biệt, chi phí logistics tăng mạnh, như xuất đi Châu Âu tăng tới tới 7 lần.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Minh Cường cho biết, thêm nếu trước đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, mỗi container đến các nước EU tốn khoảng 40 triệu đồng thì nay tăng lên gần 300 triệu đồng. Chi phí sản xuất, vận chuyển đều tăng cao đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

“Thị trường thì không đủ hàng để làm do công nhân ít quá. Với các gói hỗ trợ về chính sách nghe nói nhưng không hỗ trợ gì hết. Như bộ Công thương sẽ hỗ trợ tiền điện 10% trong 3 tháng từ tháng 9-12. Giờ hỏi thì chưa có chỉ đạo nên điện lực cho biết, chưa giảm chừng nào giảm sẽ báo, còn giờ vẫn phải đóng. Nói chung là chỉ đạo ở trên thì vậy nhưng chưa đi vào thực tế, như vấn đề vận chuyển hàng hóa, Bộ Giao thông chỉ đạo vậy mà mỗi tỉnh cũng thực hiện mỗi khác” - ông Nguyễn Minh nói.

Không chỉ gần 30 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm ở Cà Mau đều gặp những khó khăn cơ bản như vừa nêu mà gần như toàn bộ khoảng 4.000 doanh nghiệp của tỉnh Cà Mau đều đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Ông Lê Hoàng Phước, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cà Mau cho biết: “Khó khăn của các doanh nghiệp bây giờ coi như là phải làm lại từ đầu. Bây giờ bị hạn chế thị trường, thiếu vốn, bị đóng cửa, không có đầu vào cũng không có đầu ra. Đầu vào, đầu ra đều giảm hết nên rất khó khăn. Nếu sau dịch để phục hồi thì nhà nước làm sao phải giãn các nghĩa vụ, cho kéo dài thời gian, ví dụ như thuế. Thứ 2, nếu giãn cách theo kiểu này, nguyên liệu đầu vào rất là khó. Khi mà có sản phẩm rồi chuyển từ vùng này đến vùng khác cũng rất là khó. Cơ quan chức năng thực hiện nhiều biện pháp chống dịch thì nó ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Nhưng cái khó khăn cơ bản nhất vẫn là thiếu vốn”.

Hiện nay, các địa phương trong vùng ĐBSCL đang xây dựng kịch bản để phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 và phương án hỗ trợ doanh nghiệp ngưng trệ sản xuất trong thời gian qua.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, dịch bệnh đã ảnh hưởng tất cả lĩnh vực, không chỉ riêng về kinh tế, mà đời sống người dân cũng gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất. Trước những khó khăn này, Đồng Tháp sẽ có những hoạt động, giải pháp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hồi phục trong giai đoạn tới, nhất là những doanh nghiệp đang thực hiện “4 tại chỗ” tăng công suất hoạt động và thu hút thêm lao động.

“Tỉnh Đồng Tháp một mặt sẽ kích hoạt đối với các doanh nghiệp mở rộng công suất hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp này thu hút lại lao động và thực hiện tốt phương án phòng, chống dịch trong điều kiện hiện nay. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã ngưng trệ trong 3 tháng qua khôi phục dần lại, với phương án này chúng ta sẽ khôi phục 40 - 50% các doanh nghiệp đã ngưng trong 3 tháng thì sẽ dần đi vào hoạt động” - ông Phạm Thiện Nghĩa nói.

Trải qua những đợt giãn cách, hầu như các doanh nghiệp vùng ĐBSCL đã đuối sức. Một số doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động nhưng năng suất chỉ từ 30 đến 50%, trong khi đó chi phí đội lên gấp nhiều lần, từ việc duy trì “3 tại chỗ” rồi đến “4 tại chỗ”. Ngoài ra, chuỗi cung ứng từ cánh đồng đến nhà máy hầu như bị đứt gãy, doanh nghiệp thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất đầu vào, đầu ra thì bị đội lên do chi phí vận tải, logistics tăng cao đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp không đủ sức đành phải dừng cuộc chơi. Hiện nay, các doanh nghiệp mong muốn có những chính sách hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp có sức để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19.

Bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đã và đang còn những tác động khó khăn, diễn ra trên phạm vi cả nước, đặc biệt các tỉnh phía Nam. Nay các tỉnh, thành phía Nam đang từng bước khống chế được dịch bệnh, doanh nghiệp từng bước hoạt động trở lại. Đây là giai đoạn rất quan trọng để phục hồi kinh tế.

Để giúp doanh nghiệp vùng ĐBSCL nắm được những định hướng mới, bước vào giai đoạn tái sản xuất, vào lúc 8h30 phút ngày 1/10/2021, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp với Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại ĐBSCL (VOVĐBSCL) và Trung Tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội thảo trực tuyến "Bức tranh Kinh tế Việt Nam và ĐBSCL: Dự báo kinh tế quý IV và triển vọng năm 2022". Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Doanh nghiệp sẵn sàng sống chung với dịch lâu dài
Doanh nghiệp sẵn sàng sống chung với dịch lâu dài

VOV.VN - Chưa thể dự báo chính xác dịch Covid-19 có thể được kiểm soát triệt để khi nào, hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong tâm thế phải thích nghi, sống chung với dịch lâu dài.

Doanh nghiệp sẵn sàng sống chung với dịch lâu dài

Doanh nghiệp sẵn sàng sống chung với dịch lâu dài

VOV.VN - Chưa thể dự báo chính xác dịch Covid-19 có thể được kiểm soát triệt để khi nào, hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong tâm thế phải thích nghi, sống chung với dịch lâu dài.

Nếu biện pháp chống dịch quá khó khăn sẽ cản trở doanh nghiệp
Nếu biện pháp chống dịch quá khó khăn sẽ cản trở doanh nghiệp

VOV.VN - Theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Nếu biện pháp chống dịch quá chặt chẽ, khó khăn, cứng nhắc sẽ gây cản trở quá trình thực hiện vốn đầu tư, kể cả doanh nghiệp vốn FDI, hay vốn trong nước.

Nếu biện pháp chống dịch quá khó khăn sẽ cản trở doanh nghiệp

Nếu biện pháp chống dịch quá khó khăn sẽ cản trở doanh nghiệp

VOV.VN - Theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Nếu biện pháp chống dịch quá chặt chẽ, khó khăn, cứng nhắc sẽ gây cản trở quá trình thực hiện vốn đầu tư, kể cả doanh nghiệp vốn FDI, hay vốn trong nước.

Doanh nghiệp TP.HCM lo lắng về nguồn nhân lực khi chuẩn bị tái sản xuất, kinh doanh
Doanh nghiệp TP.HCM lo lắng về nguồn nhân lực khi chuẩn bị tái sản xuất, kinh doanh

VOV.VN - Nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM cho biết, họ đang lúng túng, bị động trong việc chuẩn bị tái sản xuất, kinh doanh sau ngày 30/9, nhất là chuẩn bị nguồn nhân lực.

Doanh nghiệp TP.HCM lo lắng về nguồn nhân lực khi chuẩn bị tái sản xuất, kinh doanh

Doanh nghiệp TP.HCM lo lắng về nguồn nhân lực khi chuẩn bị tái sản xuất, kinh doanh

VOV.VN - Nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM cho biết, họ đang lúng túng, bị động trong việc chuẩn bị tái sản xuất, kinh doanh sau ngày 30/9, nhất là chuẩn bị nguồn nhân lực.