Doanh nghiệp nông sản “loay hoay” khi Trung Quốc mở cửa khẩu
VOV.VN - Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tạo điều kiện cho nhiều ngành hàng xuất nhập khẩu, trong đó có nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đặt ra với doanh nghiệp, nhất là việc ổn định sản lượng hàng hóa để cung ứng các đơn hàng từ phía đối tác.
Nhiều đơn hàng, doanh nghiệp vừa mừng vừa lo
Ngay sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, đơn hàng đặt mua thanh long ở Long An tăng đột biến. Giá thanh long tại vườn cách đây hơn 1 tháng chỉ khoảng 5.000 đồng – 10.000 đồng/kg thì nay tăng vọt từ 25.000 đồng – 32.000 đồng/kg, và dự báo sẽ còn tăng mạnh trong vài ngày tới.
Theo ông Nguyễn Thanh Tựu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nông sản Thanh Huệ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, vựa thanh long lớn nhất Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ đang khan hàng thanh long để cung cấp cho thị trường Trung Quốc dù giá tăng gấp 2-3 lần. Bởi, các đơn hàng xuất khẩu chủ yếu cung ứng cho EU, Trung Đông, Ấn Độ đã ký ổn định trước đó. Để cung ứng nguồn hàng thanh long cho thị trường Trung Quốc, hiện nay chỉ có một vài doanh nghiệp đủ năng lực huy động. Đây là số ít cơ sở hoạt động ổn định nhờ nỗ lực duy trì vùng trồng hoặc tái lập vùng trồng thanh long mới cách đây 2 năm.
“Doanh nghiệp muốn có hàng thì phải đi vòng hết cả Châu Thành xem có hàng mới dám chốt hợp đồng. Đơn hàng cả trăm container, nhưng phải xem đủ hàng mới dám chốt. Giờ xử lý tắt đèn rồi mở đèn lại để điều tiết sản lượng thì phải 2 tháng sau may ra mới có nhiều thanh long. Sản lượng ở Châu Thành thì phải qua tết mới đủ hàng. Giờ doanh nghiệp không dám chốt hàng, nếu có chốt cũng không đủ sức”, ông Tựu nói.
Ông Trần Ngọc Quý, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu nông sản Tam Nguyên Food, tỉnh Tây Ninh cho biết, việc Trung Quốc mở cửa trở lại là tín hiệu rất đáng mừng cho hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, việc mở cửa quá đột xuất ngay trước thềm Tết Nguyên đán khiến nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn để xoay sở nguồn hàng. Bên cạnh đó, dù tìm nguồn hàng có sản lượng, chất lượng theo đúng yêu cầu của đối tác thì nhiều doanh nghiệp vẫn còn một số khó khăn khác liên quan đến vấn đề tài chính…
“Ảnh hưởng này còn từ phía ngân hàng liên quan đến hoạt động vay vốn… dẫn đến doanh nghiệp gặp ảnh hưởng, kéo theo ảnh hưởng đến cả hoạt động của các đơn vị thu mua. Đối với các đơn vị thu mua thì chỉ trả trước 30%, còn 70% là ứng. Mà trong thời điểm này các doanh nghiệp gần như trong giai đoạn đáo hạn mà ngân hàng thì hầu như thu vào tuyệt đối chứ ít có giải ngân”, ông Quý cho biết.
Doanh nghiệp – Ngân hàng cần phải linh hoạt
Hiện phía Trung Quốc yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức biên mậu, tiểu ngạch. Đồng thời, Trung Quốc cũng yêu cầu phải đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm; Ký kết lại Nghị định thư xuất khẩu đối với 8 loại quả truyền thống, trong đó có thanh long, dưa hấu, xoài, hình thức quản lý tương tự như đối với măng cụt và sầu riêng; Yêu cầu khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói… Điều này đòi hỏi doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ phải đáp ứng nếu muốn xuất khẩu sang thị trường này.
Theo TS. Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường - Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Việt Nam luôn xác định đây là thị trường lớn, truyền thống. Tuy nhiên, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ phải chủ động vùng nguyên liệu và đơn hàng, tránh sản xuất ồ ạt. Một số mặt hàng đã có nghị định thư là yếu tố tích cực của xuất khẩu năm 2023. Để tận dụng cơ hội này doanh nghiệp, HTX cần có sự chuẩn bị kỹ từ nhân sự, nguồn lực, đối tác… Doanh nghiệp cần chủ động, đầu tư cho sản xuất, nuôi trồng để chiếm lĩnh thị phần, tăng sự cạnh tranh. Ngoài việc xúc tiến thương mại thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cũng cần hướng tới tìm kiếm đối tác sâu hơn đối với thị trường nội địa.
“Các doanh nghiệp cần chủ động cơ cấu danh mục đầu tư một cách linh động, sử dụng nguồn vốn tiết kiệm, chủ động hơn… Năm 2023 dù vẫn còn không ít khó khăn, nhưng với sự kỹ lưỡng thì doanh nghiệp cũng sẽ dễ dàng vượt qua. Đồng thời, ngân hàng cũng luôn được kỳ vọng ứng phó tốt, vượt qua những thách thức, đạt tăng trưởng tích cực”, TS. Hồ Minh Sơn khuyến nghị.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đòn bẩy tài chính vẫn luôn là giải pháp hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp đang gồng mình với lãi suất cao để nỗ lực phục hồi sản xuất kinh doanh. Chính bởi vậy, sự linh hoạt của ngân hàng trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng, giúp doanh nghiệp đáp ứng tốt hơn các đơn hàng đến từ thị trường Trung Quốc./.