Mỹ tập trận ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc
VOV.VN - Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn với Anh, Australia và Nhật Bản cùng thời điểm Trung Quốc tiến hành tập trận ở Biển Đông.
Mỹ tập trận quy mô lớn ở nhiều khu vực
Mỹ vừa khởi động cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với Anh, Australia và Nhật Bản, cuộc tập trận quy mô lớn đầu tiên trong hơn 4 thập kỷ qua trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc.
Cuộc tập trận Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương diễn ra từ 3-27/8, bao gồm các hoạt động diễn tập đổ bộ và hải quân quy mô lớn đầu tiên kể từ tập trận Ocean Venture của Mỹ năm 1981 với các đồng minh NATO trong giai đoạn cao trào của Chiến tranh Lạnh.
Cuộc tập trận là thông điệp gửi tới các đối thủ rằng, quân đội Mỹ “vẫn sẵn sàng tác chiến ở mức cao vì các cam kết trên toàn cầu”. Đảm bảo an toàn cho các hoạt động tự do hàng hải ở các vùng biển tranh chấp là cốt lõi trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.
Ngoài cuộc tập trận do Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dẫn đầu, Hải quân Mỹ còn tổ chức Diễn tập quy mô lớn (LSE) từ 3-16/8 ở nhiều khu vực trên thế giới, từ Biển Đen, Địa Trung Hải tới Biển Đông và Hoa Đông, trải dài 17 múi giờ khác nhau.
James R. Holmes, chuyên gia chiến lược hàng hải tại Trường Tác chiến Hải quân Mỹ, nhận định Hải quân Mỹ đang trở lại cách tiếp cận thời Thế chiến 2, bằng cách giảm bớt trọng tâm vào các đội tàu sân bay lớn, tìm cách thiết lập các lực lượng linh động hơn và không dễ bị tê liệt khi mất một vài chiến hạm chính.
Các cuộc tập trận của Mỹ diễn ra trùng thời điểm với các cuộc diễn tập quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông từ 6-10/8 mà Cục an toàn hàng hải Trung Quốc công bố ngày 4/8.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang “rầm rộ” tập trận ở Tây Thái Bình Dương, với sự tham gia của tàu hộ tống Type 054A Liuzhou, hai tàu hộ tống thuộc Type 056A và tàu hậu cần Type 903 Weishanhu. Nội dung tập trận gồm hơn 20 bài tác chiến bắn đạn thật. Cuộc tập trận này diễn ra trong bối cảnh Hải quân Trung Quốc gần đây tập trung vào việc huấn luyện binh sĩ sử dụng các trang thiết bị mới, nhất là tàu chiến, tại những vùng biển xa bờ.
Thông điệp rõ ràng gửi tới Trung Quốc
Cuộc tập trận Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có sự tham gia của Lục quân, Không quân, Hải quân, Thủy quân lục chiến Mỹ, cùng Các lực lượng vũ trang Anh, Lực lượng phòng vệ Australia và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.
Khoảng 36 tàu, trong đó có cả tàu sân bay và tàu ngầm, tham gia cuộc tập trận với hiều hoạt động huấn luyện như đổ bộ trên không, trên biển và trên mặt đất, cũng như các chiến dịch trên không và trên biển.
Giới phân tích cho rằng, các cuộc tập trận quy mô lớn này là nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với các đồng minh của Mỹ trong khu vực, cũng như thể hiện sức mạnh trước Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 nước leo thang trong nhiều vấn đề như thương mại, công nghệ, tấn công mạng, dịch Covid-19…
Các cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại việc Biển Đông sẽ trở thành điểm nóng giữa các cường quốc khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và Bắc Kinh cũng có thái độ ngày càng gây hấn ở Biển Đông.
Ấn Độ ngày 2/8 cũng tuyên bố điều tàu chiến tới Biển Đông trong nhiệm vụ kéo dài 2 tháng, trong đó có tham gia các cuộc tập trận với Mỹ, Nhật Bản và Australia - các nước thuộc Bộ tứ kim cương cùng New Delhi.
Theo Brad Glosserman, giáo sư tại Trung tâm hoạch định chiến lược, Đại học Tama, Nhật Bản, cuộc tập trận gửi đi “thông điệp rõ ràng” về khả năng và sự sẵn sàng của Mỹ trong khu vực, cũng như các cam kết của Mỹ với đồng minh và đối tác nhằm thúc đẩy an ninh và ổn định của khu vực.
“Đó cũng là thông điệp gửi tới Trung Quốc cũng như các đối thủ khác rằng, Mỹ và các đối tác an ninh luôn cảnh giác và có đủ năng lực. Không nước nào muốn một cuộc đối đầu hay xung đột. Tuy nhiên, một cuộc đối đầu hay xung đột có thể sẽ xảy ra nếu có sự tính toán sai lầm hoặc có sự việc ngoài ý muốn”, ông Glosserman cho biết.
“Thông qua các cuộc tập trận quy mô lớn hiện nay, chính quyền Biden muốn thể hiện cả với các đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như các đối thủ rằng, Mỹ không thu mình hay rút khỏi cam kết đối với an ninh khu vực. Nhật Bản, Australia, Mỹ hay Ấn Độ đều không có lợi ích khi để Trung Quốc biến Biển Đông hay biển Hoa Đông thành ‘các vùng biển của Trung Quốc” và đây là lý do những nước này tham gia vào đối tác chiến lược nhằm đẩy lùi sự mở rộng quân đội của Trung Quốc”, ông Remy Davison, giáo sư về chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Monash ở Australia nhấn mạnh./.