Doanh nghiệp Dầu khí nâng cấp các giải pháp ứng phó dịch Covid-19
VOV.VN - Các doanh nghiệp trong ngành Dầu khí luôn chủ động thắt chặt, tăng cường các giải pháp ứng phó dịch bệnh trong tình hình mới.
Trong cuộc họp giao ban với các đơn vị thành viên về kết quả SXKD 7 tháng đầu năm 2020, đề ra các nhiệm vụ và giải pháp 5 tháng cuối năm 2020, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng đánh giá cao công tác kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 trong toàn Tập đoàn. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các gói giải pháp hiện tại, cũng như thực hiện tốt công tác nhận định, dự báo tình hình dịch bệnh thời gian tới để chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra.
Phó Tổng Giám đốc PVN Lê Xuân Huyên đề nghị các đơn vị tuân thủ nghiêm theo chỉ đạo của các cơ quan chức năng về phòng chống dịch Covid-19 và tăng cường thêm các giải pháp phù hợp với đặc thù của từng đơn vị. Đặc biệt, đối với các lĩnh vực hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao, các đơn vị trong quá trình bảo dưỡng tổng thể, cần nâng công tác kiểm soát dịch bệnh lên một cấp độ nữa; có phương án kiểm soát dịch, cách ly, tránh lây nhiễm chéo… ở công trường. Nếu không kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đến tiến độ cũng như chất lượng công việc, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh chung.
“Trong lúc dịch bệnh rất căng thẳng, việc đổi ca cho người lao động ở các tổ hợp ngoài biển, cũng như ở nước ngoài rất khó khăn, ảnh hưởng nhất định đến tâm lý người lao động. Do đó, lãnh đạo các đơn vị cần động viên, đôn đốc người phụ trách các dự án ở nước ngoài, nhân sự công tác ngoài khơi, không chỉ bảo đảm gìn giữ an toàn trước dịch bệnh mà còn đảm bảo an toàn lao động, tránh để yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như phòng, chống dịch”, Phó Tổng giám đốc PVN Phạm Tiến Dũng lưu ý.
Tại các đơn vị trong toàn ngành Dầu khí, các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đang được triển khai rất quyết liệt và đang chủ động, kiểm soát tình hình. Tất cả đều đã sớm kích hoạt lại các giải pháp phòng chống dịch toàn diện trên kinh nghiệm triển khai công tác phòng chống dịch giai đoạn trước.
Ngay đầu tháng 8/2020, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã kích hoạt lại Hệ thống phòng, chống dịch Covid-19 trên các công trình biển, cũng như trên bờ, phát huy những bài học kinh nghiệm triển khai trong giai đoạn trước. Đến nay, Vietsovpetro đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, chưa phát hiện trường hợp nhiễm bệnh nào.
Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo) đã nhanh chóng gửi thông tin cập nhật tới toàn thể CBCNV Tổng công ty, ban hành Chỉ thị và triển khai nhiều biện pháp phòng chống nhằm kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo sức khỏe của người lao động, duy trì liên tục hoạt động SXKD của PVFCCo và góp phần vào công tác phòng, chống dịch của cả nước.
Nhằm chủ động quyết liệt ứng phó với các tác động của dịch Covid-19 trong giai đoạn tái diễn, Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) tập trung triển khai, thực hiện xây dựng các kịch bản về diễn biến của dịch bệnh, thị trường để từ đó đề ra các phương án ứng phó, giải pháp thực hiện và các điều kiện cụ thể thực hiện tương ứng cho từng phương án nhằm giảm thiểu tác động của bệnh dịch tới an toàn, hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị; chủ động rà soát kế hoạch huy động chuyên gia nước ngoài trong thời gian tới phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhận định được sự phức tạp của làn sóng dịch bệnh thứ 2, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) cũng đã kích hoạt lại ngay lập tức các biện pháp phòng, chống dịch một cách chủ động. BSR chuẩn bị bước vào chiến dịch Bảo dưỡng tổng thể (BDTT) lần 4 NMLD Dung Quất 51 ngày đêm. Công tác chuẩn bị BDTT gặp vô vàn khó khăn, trở ngại từ việc mua sắm trang thiết bị, huy động chuyên gia nước ngoài sang trong hoàn cảnh Việt Nam đang hạn chế nhập cảnh, công tác cách ly theo quy định phòng chống dịch… Được sự hỗ trợ từ PVN và các ngành chức năng, kinh nghiệm cùng sự chuẩn bị ứng phó dịch bệnh, đến nay, BSR cơ bản đã hoàn thành thành và sẵn sàng cho BDTT.
Tính đến ngày 3/8 vừa qua, đã qua 10 ngày kể từ thời điểm dịch quay trở lại bùng phát ở Đà Nẵng và Quảng Ngãi, công tác chống dịch Covid-19 tại BSR đang phát huy hiệu quả, đảm bảo an toàn cho nhân sự BSR và nhà thầu làm việc tại NMLD Dung Quất. Hàng ngày có khoảng hơn 1.000 nhân sự, nhà thầu ra vào Nhà máy như nhà thầu thực hiện công tác chuẩn bị cho bảo dưỡng tổng thể lần 4 NMLD Dung Quất; chuyên gia O&M, nhà thầu cung cấp suất ăn, vệ sinh công nghiệp, Công ty Building… ngoài ra còn có khoảng hơn 1.200 lượt người lao động BSR ra/vào Nhà máy mỗi ngày. BSR bắt buộc tất cả các nhân sự khai báo y tế, kiểm tra hiệu lực thẻ ra/vào, cấp quyền ra/vào, đo thân nhiệt, sát khuẩn… trước khi vào làm việc bên trong NMLD Dung Quất.
Trước diễn biến mới của dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và thành viên thực hiện rà soát, tăng cường các biện pháp phòng, chống; Nghiêm chỉnh triển khai và tuyệt đối tuân thủ chỉ thị của Chính phủ, khuyến cáo y tế và của đơn vị. Toàn PV GAS được yêu cầu rà soát, chuẩn bị các phương án, trang thiết bị y tế, hậu cần ứng phó phòng, chống dịch Covid-19 theo các quy trình/phương án đã được phê duyệt của PV GAS và tại đơn vị.
PV GAS và các đơn vị chuẩn bị các phương án giãn cách, làm việc từ xa để triển khai khi cần thiết. Các trường hợp liên quan đến vùng dịch được sắp xếp làm việc từ xa để theo dõi sức khỏe và đảm bảo an toàn cho CBCNV. Đặc biệt, khối sản xuất tiếp tục bám sát và xây dựng kế hoạch sắp xếp nhân sự nhằm đảm bảo sản xuất tối ưu nhất để sẵn sàng kích hoạt trong trường hợp cần thiết hoặc khi có chỉ đạo của Tổng công ty.
Tại Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), “Khẩn trương, tăng cường, thắt chặt” là trạng thái phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện trong những ngày qua, trên tinh thần phát huy kinh nghiệm từ đợt trước và tuân thủ các chỉ thị chung. Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của PVCFC đã họp khẩn triển khai ngay các giải pháp đã được lên kế hoạch. Tổng Giám đốc PVCFC Văn Tiến Thanh cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đầu tiên và quan trọng nhất là bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động trong đó nâng cao vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc phát động và triển khai các hoạt động thiết thực nâng cao sức khỏe người lao động như thể dục thể thao, bổ sung dưỡng chất, trang bị công cụ, vật dụng y tế cơ bản trong phòng dịch...; Tuyên truyền nội bộ để người lao động hiểu mức độ nguy hiểm và tuân thủ tất cả các khuyến cáo của Bộ Y tế và chỉ thị của công ty; đặc biệt là chủ động các giải pháp, các kịch bản, phương án để bảo vệ an toàn cho đội ngũ vận hành, bảo dưỡng khi mùa bảo dưỡng đang đến gần”./.