Doanh nghiệp quân đội đang kinh doanh những lĩnh vực gì?
Dù số lượng không quá nhiều nhưng các doanh nghiệp quốc phòng đang giữ vị thế lớn ở nhiều lĩnh vực.
Bộ Quốc phòng hiện là bộ trực tiếp quản lý nhiều Tập đoàn, Tổng công ty với hơn 20 doanh nghiệp trực thuộc. Do đặc thù hoạt động, các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ Quốc phòng hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ xây dựng - bất động sản, viễn thông, tài chính, logistics, cơ khí, xăng dầu, cho tới nông nghiệp.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động đang trở thành những doanh nghiệp top đầu trong lĩnh vực kinh doanh của mình như Viettel, Ngân hàng Quân đội, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội hay Tổng công ty Đông Bắc...
Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn giữ thị phần container xuất nhập khẩu trên 85% khu vực phía Nam và gần 50% thị phần cả nước.(Ảnh minh họa:KT) |
Năm 2016, Viettel đạt hơn 226.000 tỷ đồng doanh thu, xấp xỉ 10 tỷ USD và hơn 43.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tổng doanh thu của Viettel cũng gấp gần 3 lần doanh thu của VinaPhone và Mobifone cộng lại, đồng thời là đơn vị đang đóng góp vào ngân sách lớn nhất trong số các doanh nghiệp quốc phòng, đạt trên 40.000 tỷ đồng.
Không chỉ ở thị trường trong nước, Viettel cũng là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động ra nước ngoài. Tính đến năm 2016, Tổng công ty Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) - công ty con của Viettel, có 35 triệu thuê bao trên 9 thị trường quốc tế, cung cấp dịch vụ tới khách hàng trải dài từ châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Kết thúc năm, doanh nghiệp này đạt hơn 15.300 tỷ đồng doanh thu, nhưng báo lỗ hơn 3.000 tỷ đồng do tỷ giá, chủ yếu tại thị trường Mozambique.
Một cái tên thường được nhắc đến ngay sau Viettel là Ngân hàng Quân đội (MBB). Nhà băng này cũng thuộc top một trong những ngân hàng lớn nhất hiện nay và được xét trong nhóm "Big 4" của thị trường. Được niêm yết từ năm 2011 nhưng phải đến đầu năm 2017 và đặc biệt là cuối tháng 5/2017, cổ phiếu MBB mới thực sự thăng hoa và đưa vốn hóa thị trường của Ngân hàng Quân đội lên hơn 38.000 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý I/2017, MBB đạt tổng tài sản hơn 250.000 tỷ với vốn điều lệ hơn 17.000 tỷ đồng. Năm 2016, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này cũng đạt tới 24% - cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực Logistics, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn giữ thị phần container xuất nhập khẩu trên 85% khu vực phía Nam và gần 50% thị phần cả nước. Doanh nghiệp này ghi nhận hơn 17.200 tỷ đồng doanh thu và gần 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2016, với hệ thống 19 cảng biển tại TP HCM, Vũng Tàu, Quy Nhơn, Hải Phòng…
Tương tự Viettel và Tân cảng Sài Gòn, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mepecorp) cũng là doanh nghiệp lớn dù là doanh nghiệp duy nhất của Bộ Quốc Phòng hoạt động trong lĩnh vực này. Tổng công ty là một trong những doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo trên thị trường xăng dầu nội địa, cung ứng các chủng loại xăng dầu, mỡ nhờn cho quốc phòng và các đối tượng kinh tế khác.
Các đơn vị thành viên Mipecorp trực tiếp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn 58 tỉnh, thành phố với gần 100 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc Tổng công ty và hàng trăm cửa hàng đại lý. Năm 2016, doanh nghiệp này đạt hơn 8.500 tỷ đồng doanh thu và 130 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Trong số hơn 20 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam là doanh nghiệp duy nhất hoạt động trong lĩnh vực hàng không, chủ yếu phục vụ hoạt động bay dầu khí và cho thuê chuyên nghiệp. Đơn vị này đang sở hữu đội ngũ phi công 120 người với 28 chiếc trực thăng, theo kế hoạch đội bay sẽ tăng lên 36 chiếc vào năm 2020.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, Tổng công ty 15 cũng là doanh nghiệp duy nhất hoạt động trồng cao su và khai thác cao su thiên nhiên. Tuy nhiên với đà lao dốc của giá mặt hàng này trong những năm gần đây, hoạt động của Tổng công ty 15 dần trở nên mờ nhạt so với những doanh nghiệp khác trong nhóm.
Với xây dựng – bất động sản, Tổng công ty 36 và Tổng công ty 319 là những doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng nổi trội nhất. Năm 2016, Tổng công ty 319 đạt gần 9.400 tỷ đồng doanh thu và gần 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Hoạt động chính của doanh nghiệp này là đầu tư hạ tầng giao thông thông qua các dự án BT, BOT và đầu tư bất động sản.
Trong khi đó, Tổng công ty 36 lại hướng tới hoạt động thi công xây lắp và xây dựng cơ bản (chiếm trên 80% tổng doanh thu). Năm 2016, tổng doanh thu của doanh nghiệp này đạt gần 3.700 tỷ đồng, so với quy mô tổng tài sản gần 7.000 tỷ. Những năm gần đây, giá trị doanh thu của doanh nghiệp luôn duy trì ở mức cao, với mức tăng trưởng bình quân khoảng 12% mỗi năm.
Cùng xuất phát từ Binh đoàn 11, Tổng công ty Thành An góp mặt trong nhiều công trình trọng điểm như Nhà ga T1 Sân bay Nội Bài, các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai cơ sở II, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cu Ba – Đồng Hới, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, cùng một số dự án BOT Quốc lộ 1; còn Tổng công ty 789 lại nổi bật với hoạt động xây dựng dân dụng và sản xuất vật liệu xây dựng.
Trong số này, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn và Tổng công ty xây dựng Lũng Lô là đơn vị có thế mạnh trong xây lắp các công trình thủy điện. Trường Sơn cũng là đơn vị lắp đặt đường dây tải điện 500Kv Bắc Nam và nhiều công trình thủy điện miền Trung, trong khi Lũng Lô từng nhận những công trình hàng trăm tỷ đồng từ Tổng công ty Điện lực Việt Nam thi công đường hầm Thủy điện Đa Him và Thủy điện Hàm Thuận.
Quân đội làm kinh tế: Nên hay không nên?
Với lĩnh vực đóng tàu, hai doanh nghiệp lớn trực thuộc Bộ Quốc phòng đang hoạt động này gồm Tổng công ty Sông Thu và Tổng công ty Ba Son, tuy nhiên mỗi doanh nghiệp hoạt động với một đặc thù riêng.
Trong khi hoạt động chính của Ba Son hướng đến loại tàu chở hàng tổng hợp và tàu container (chiếm trên 50% số sản phẩm trong những năm gần đây), thì Sông Thu hướng tới các sản phẩm mang công năng riêng biệt như tàu công trình, tàu tuần tra quốc phòng và tàu đa năng xử lý các sự cố trên biển./.