Nhiều hộ sản xuất kinh doanh thủy hải sản lâm vào cảnh nợ nần
VOV.VN - Tại tỉnh Quảng Trị có những cơ sở chế biến, kinh doanh thủy hải sản từng được công nhận là sản xuất kinh doanh giỏi đang gặp nhiều khó khăn.
Sau sự cố môi trường biển miền Trung, nhiều cơ sở chế biến, kinh doanh thủy hải sản ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị phải ngưng hoạt động do hải sản không tiêu thụ được
Cơ sở chế biến sứa Cửa Việt của bà Nguyễn Thị Thiếc ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh từng được vinh danh điển hình làm kinh tế giỏi ở tỉnh Quảng Trị, gương sản xuất kinh doanh giỏi cấp Quốc gia. Thời điểm này năm ngoái, cơ sở này có hàng chục lao động làm việc liên tục 3 ca bây giờ trở nên yên ắng không có người làm.
Số tiền điện chi trả cho việc chạy kho đông lạnh giữ số cá không tiêu thụ được lên tới vài chục triệu mỗi tháng. |
Ông Hoàng Đới, chồng của bà Thiếc cho biết, hơn 20 tấn sứa nhập về đúng thời điểm xảy ra sự cố môi trường, đến nay đã qua 5 tháng vẫn nằm ứ trong kho, bốc mùi, chưa biết lúc nào mới được đưa đi tiêu hủy.
“Trước đây mỗi ngày cơ sở xuất ra thị trường 10 tấn sứa đã chế biến. Từ khi xảy ra sự cố môi trường biển, việc kinh doanh bị ngưng trệ. Trong kho vẫn còn tồn đọng 20 tấn sứa đang bốc mùi, chờ tiêu hủy. Đề nghị cấp trên có thẩm quyền tạo điều kiện cho cơ sở được tiêu hủy số sứa đang phân hủy trong kho, tránh ô nhiễm môi trường”, ông Đới khẩn thiết.
Không riêng sản phẩm hải sản tươi sống, đông lạnh, nhiều cơ sở chế biến cá phơi khô cũng ngừng hoạt động. Cơ sở chế biến, kinh doanh cá phơi khô Gái Năng ở khu phố 2, thị trấn Cửa Việt trước đây mỗi tháng bán ra từ 3 - 5 tấn cá khô, mỗi năm thu lợi từ 100 - 150 triệu đồng.
Nhưng bây giờ trong kho còn tồn dư 8 tấn cá phơi khô. Mỗi tháng riêng chi trả tiền điện cho kho bảo quản hàng tồn đọng cũng mất hàng triệu đồng. Số cá phơi khô nay đang bị chuyển màu, hư hỏng gần 85%. Gia đình dự tính đem số cá này bán làm thức ăn cho gia súc để vớt vát phần nào số tiền lãi vay mượn ở ngân hàng. Ông Nguyễn Văn Năng, chủ cơ sở chế biến, kinh doanh cá khô Gái Năng cho biết, hiện gia đình ông vẫn còn nợ ngân hàng 375 triệu đồng.
“Những năm trước, cá trong kho lúc nào cũng tiêu thụ hết, thu lãi từ 100 - 150 triệu, công việc làm ăn rất trôi chảy. Từ khi sự cố môi trường biển, việc kinh doanh bị trì trệ, cá còn tồn đọng trong kho từ 8 - 10 tấn. Cơ sở đang ở trong cảnh không bán được cá, tiền nợ ngân hàng không trả được”, ông Năng chia sẻ.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn hàng chục cơ sở chế biến, thu mua hải sản đông lạnh phải ngưng hoạt động sau sự cố môi trường biển. Chỉ riêng khoản chi trả tiền điện mỗi tháng để bảo quản hải sản tồn kho hoặc chờ tiêu hủy lên tới hàng chục triệu đồng đẩy nhiều chủ cơ sở lâm cảnh nợ nần chống chất.
Để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở này, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Trị, trước mắt, các địa phương ven biển tập trung hoàn thành công tác kê khai thiệt hại.
UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức/đơn giá đền bù thiệt hại. Đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét, có phương án hỗ trợ các cơ sở kinh doanh, chế biến không tổ chức hoạt động sản xuất trong thời gian qua vì trên thực tế các cơ sở này bị thiệt hại rất nặng nề.
Ông Nguyễn Văn Huân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, để hỗ trợ cho người dân chế biến hải sản vùng ven biển, nhà nước đã có chính sách hỗ trợ thu mua và tiêu hủy số lượng thủy sản này với giá cả theo định mức giá thời điểm và nhà nước hỗ trợ 70% theo từng chủng loại sản phẩm, sau đó đem đi tiêu hủy.
Thực tế, trong Công văn 6851 của Bộ NN&PTNT cũng đã quy định rõ, đối với các kho đông lạnh bảo quản hải sản không bán được thì tiền thuế của họ được kê khai, áp giá đền bù. Tất cả tiền điện và tiền thuế trong 6 tháng từ tháng 4 đến tháng 9/2016 thì đều được nhà nước hỗ trợ./.