Thị trường nước giải khát: Nhìn lại lối rẽ của doanh nghiệp nội
VOV.VN - Doanh thu ngành nước giải khát năm 2015 đã đạt mức 85.000 tỷ đồng và sẽ không có dấu hiệu dừng lại.
Thị trường nước giải khát (NGK) sau thời gian phát triển nóng đã dần đi vào ổn định. Tuy nhiên đa phần các doanh nghiệp (DN) nội đã “rơi rụng” giữa đường bởi tiềm lực tài chính hạn hẹp và công nghệ yếu kém. Trong số những DN còn lại, Tân Hiệp Phát xứng tầm là đối trọng duy nhất với các ông lớn đa quốc gia, và có lẽ DN này đang đơn độc giữa chiến trường không tiếng súng.
Chặng đường 15 năm lịch sử
Chỉ trong một thời gian ngắn kể từ đầu những năm 2000, ngành NGK đã viết nên một trong những câu chuyện ly kỳ nhất về sức tăng trưởng, đem lại những đóng góp to lớn cho nền kinh tế.
Hơn 1 thập kỷ qua, ngành nước giải khát đã ghi dấu ấn đậm nét trong nền kinh tế đất nước. |
Theo ghi nhận của VietinBankSc, năm 2014 chỉ tính riêng doanh thu ngành NGK không cồn đạt ngưỡng 80.0320 tỷ đồng, năm 2015 là 85.000 tỷ đồng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tốc độ tăng trưởng ngành luôn trong trạng thái phi mã ở mức 5–7%, đặc biệt giai đoạn từ 2011 – 2014, phân khúc NGK không cồn đạt đỉnh 13,48%, gấp đôi mức tăng trưởng GDP.
Cần biết rằng, các thị trường lớn như Pháp, Nhật,… sức tăng trưởng chỉ kỳ vọng vào con số 2%/năm. Một so sánh thú vị để thấy sự tăng trưởng của ngành NGK nóng đến mức nào. Những con số “vô tiền khoáng hậu” mà ngành NGK đã đạt được trong khoảng 15 năm qua có sự đóng góp không nhỏ của hàng ngàn DN và cơ sở sản xuất trong nước.
Chính những DN và cơ sở sản xuất này (chứ không phải những ông lớn thế giới) tạo ra bức tranh vô cùng đa dạng của ngành giải khát với hàng trăm sản phẩm đủ loại khác nhau, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng.
Tân Hiệp Phát: Một vai gánh vác “sơn hà”
Khi những tên tuổi “vang bóng một thời” như Chương Dương, Tribeco dần rơi rụng bởi đối thủ thâu tóm hoặc lùi lại phía sau, Tân Hiệp Phát trở thành điểm tựa duy nhất, “gánh” cả ngành NGK nội trong cuộc cạnh tranh một mất một còn với các ông lớn thế giới. Thế chân vạc trong ngành NGK nhanh chóng được hình thành, đến giữa năm 2016, Coca Cola chiếm 41%, Tân Hiệp Phát giữ 25,5% và Pepsi có khoảng 22,7%.
“Sở dĩ chỉ còn lại Tân Hiệp Phát đơn độc trong cuộc chiến với các thương hiệu ngoại để phát triển sản phẩm mang tính biểu tượng của quốc gia, bởi các DN nội khác không đủ tiềm lực tài chính, công nghệ để bắt kịp thị trường trong khi mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt”, một chuyên gia trong ngành nhận định.
Điều này được chứng minh ở những năm 2000, lúc mặt bằng công nghệ Việt Nam đang lạc hậu đến rất lạc hậu, thì Tân Hiệp Phát đã sở hữu nhà máy nước tăng lực đóng chai thủy tinh duy nhất tại Việt Nam, đồng thời là một trong số ít DN trên thế giới có khả năng tự cung cấp bao bì khép kín.
Đến khi nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân còn đang trăn trở “làm sao để công nghệ nước ta chỉ còn tụt hậu so với thế giới khoảng 1-2 thế hệ”, thì Tân Hiệp Phát lại mở rộng quy mô, xây dựng hàng loạt các nhà máy tại Hà Nam, Chu Lai, Hậu Giang với công nghệ Aseptic có tổng trị giá lên tới 300 triệu USD nhằm nâng công suất lên mức 2,4 tỷ lít/năm.
“Điều quan trọng không hẳn là công nghệ mà các DN phải sáng tạo hơn nữa để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Việc tạo ra sản phẩm mới là yêu cầu bắt buộc đối với các DN trong thời điểm cạnh tranh khốc liệt này”, bà Trần Uyên Phương, Phó TGĐ Tân Hiệp Phát nói.
Nói là làm, bằng việc tung ra hàng loạt các sản phẩm có lợi cho sức khỏe như Trà thảo mộc Dr Thanh, Trà xanh không độ,… Tân Hiệp Phát đã nhanh chóng “thống lĩnh” thị trường NGK không gas, giúp thu về mỗi năm hàng ngàn tỉ đồng và tham vọng trong 10 năm tới sẽ tăng lên mức 3 tỉ USD.
Nước giải khát Việt Nam: Từ nấu nước đóng chai đến công nghệ thế kỷ
Hoặc phải lớn nhất, hoặc đứng thứ nhì, còn những thứ hạng sau đó coi như không có nhiều ưu thế trong một thị trường quá nhiều đối thủ, bởi nó được che chắn khá kỹ từ những DN lớn.
Bài học của Tân Hiệp Phát cho thấy, chiến lược phát triển và công nghệ đã tác động lớn đến sự tồn vong của mỗi DN. Tuy nhiên, dưới sức ép của thị trường, không phải DN nào cũng đưa ra được con đường đúng, vượt qua những điểm yếu cỗ hữu của DN Việt để trở thành những “đế chế” hùng mạnh, sánh ngang với các ông lớn đa quốc gia./.