Doanh nhân Việt kiều Lê Văn Vinh: Cà phê giả nhiều quá!
VOV.VN - Cùng với đó, trong các quán cà phê, phong cách phục vụ còn gượng ép, họ coi đây một nghề bất đắc dĩ, chưa dám tự hào khi phục vụ.
Tại lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 5 sắp được tổ chức tại tỉnh Đắc Lắc sắp tới, có 27 quán cà phê đăng ký phục vụ miễn phí cho du khách trong và ngoài nước. Gần trăm quán lớn khác tại thành phố cũng tăng nhân viên phục vụ và trang trí cho quán đẹp hơn, nhằm tạo ấn tượng về một thủ phủ cà phê đích thực.
Nhân dịp lễ hội, nhiều nhiều kiều bào ở nước ngoài đã trở về thành phố, mang theo tình yêu với quê hương, cùng nhiều suy nghĩ về sự phát triển của Ngành Cà phê nói chung và thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng.
Bên ly cà phê được coi là chính hiệu Buôn Ma Thuột, cùng phóng viên Đài TNVN thường trú khu vực Tây Nguyên, ông Lê Văn Vinh, một doanh nhân Việt kiều Mỹ, chia sẻ suy nghĩ của mình về Cà phê Buôn Ma Thuột, về tầm quan trọng của việc xây dựng “lòng tin cà phê” và đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp, để nâng cao năng lực cạnh tranh của cà phê Việt Nam.
Ông Lê Văn Vinh: Tôi sinh ra ở đây, đi Mỹ năm 1997 đến 2006 thì trở về, và từ đó năm nào cũng về một hai lần. Tôi là người biết uống cà phê từ nhỏ, hồi lớp 8. Uống cà phê được một năm thì đất nước giải phóng. Đến năm tôi 17-18, giai đoạn đó rất hiếm cà phê để uống, nên trải nghiệm cà phê lại không có. Còn bây giờ, đi uống cà phê thì có cảm giác là quán nào cũng bán được. Ngoại trừ không gian đẹp thì để lại cho người uống có một niềm tin về cà phê. Tôi nghĩ ngoài không gian đẹp, chỗ ngồi tốt thì anh phải tạo cho người ta lòng tin rằng cà phê của anh là cà phê thật, sau đó mới là cà phê ngon. Vì nếu ngon mà tôi không tin thì tôi càng sợ, vì tôi không biết cái gì trên tay.
PV : Bây giờ đi uống cà phê ở các quán của Buôn Mê Thuột, anh đã tin rằng, cà phê Buôn Ma Thuột là cà phê thứ thiệt chưa?
Ông Lê Văn Vinh: Không, trừ cà phê Trung Nguyên và một số quán khác. Tuy ở Buôn Ma Thuột, nhưng bảo tôi tin rằng 100% đều là cà phê Buôn Mê Thuột thì tôi không dám. Nếu bạn tôi ở nước ngoài về, chưa biết gì về Việt Nam, chỉ vào một quán ở Buôn Mê Thuột và hỏi “Đây có phải cà phê Buôn Mê Thuột thật không”? Tôi sẽ trả lời là không biết.Vì bây giờ cà phê giả nhiều quá.
PV : Nhiều người cho rằng, cà phê BMT cũng như cà phê Việt Nam bảo thủ và kém sáng tạo. Quanh đi quẩn lại chỉ có cà phê sữa nóng, sữa đá, đen nóng, đen đá thôi. Trong khi đó, cà phê ở các nước phát triển rất đa dạng. Người ta sợ khi cạnh tranh, cà phê VN sẽ bị thôn tính, bị ngã ngay trên sân nhà. Là người đi xa nhiều, anh nghĩ có nguy cơ đó không?
Ông Lê Văn Vinh : Thắng thua trên sân nhà của mình không tại vì cái đó. Ví dụ như nói về bánh mì kiểu Pháp. Bao nhiêu năm bánh mỳ kiểu Pháp ở Việt Nam vẫn ngon, dù bánh mỳ Mỹ, Tây du nhập vào. Như cà phê Starbuk, người ta thích chưa chắc đã vì cà phê ngon, mà có thể người ta thích vì người ta tin nó thật là cà phê. Cái thứ hai người ta thích cung cách phục vụ của nó. Thứ ba, nó là cái mới thì người ta thích. Nhưng nó chưa ở nước mình được năm mười năm. Mà về kinh doanh, chưa trụ được năm mười năm, chưa gọi là chắc chắn.
Còn cà phê Việt Nam, tuy đơn điệu nhưng vẫn có cái hay của nó. Tôi cho rằng tiếp tục cà phê sữa nóng, sữa đá, đen nóng đen đá vẫn tốt, với điều kiện phải tạo cho khách hàng niềm tin và cung cách phục vụ. Tôi thích anh phải phục vụ tôi một cách xứng đáng vì tôi là khách hàng đang trả tiền cho anh. Phải để đồng tiền của tôi được dùng xứng đáng. Đó là cái để cà phê Việt Nam cạnh tranh trên sân nhà.
PV : Vậy thì trải nghiệm cà phê của anh trong những lần gần đây thì cung cách phục vụ của các quán cà phê ở Buôn Ma Thuột mà anh đã trải qua, có xứng đáng giống như anh yêu cầu không?
Ông Lê Văn Vinh: Có tốt hơn nhưng đa phần vẫn còn gượng ép lắm. Người ta không thoải mái hoàn toàn. Người ta vẫn cảm thấy là vì bị bó buộc, buộc phải phục vụ anh. Hầu như người phục vụ vẫn cho rằng nghề của mình là một nghề bất đắc dĩ lắm, túng lắm mới phải làm, chưa dám tự hào vì phục vụ. Suy nghĩ thoáng hơn thì phục vụ là nghè chân chính và thậm chí thu nhập cao nếu phục vụ tốt. Vậy người chủ phải làm sao để cho người phục vụ tự hào. Họ phục vụ khách không phải là thua khách. Người khách ngồi quán có thể thu nhập còn ít hơn họ nữa mà. Phục vụ tốt chỉ vì đây là nhiệm vụ của tôi, không phải tôi thua anh.Nếu người phục vụ nghĩ được cái đó thì VN mình, không phải cà phê không đâu, mà cả các mặt hàng khác, có thể đấu với nước ngoài được, vì ở nước ngoài, người phục vụ cũng tự hào về nghề của mình.
PV: Xin cảm ơn ông!