Dư luận về việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP
VOV.VN - Vừa qua, chính phủ Trung Quốc thông báo, nước này đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Quyết định này của Trung Quốc bước đầu nhận được phản hồi của các nước thành viên.
Trong một thông báo, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Bộ trưởng Thương mại nước này Vương Văn Đào đã gửi đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương tới Bộ trưởng Thương mại New Zealand, Damien O'Conno – nước giữ vai trò xử lý các công việc hành chính bao gồm cả cơ chế, đơn xin gia nhập của các bên liên quan. Hai bên đang thảo luận các bước đi tiếp theo để xử lý đơn gia nhập của Trung Quốc.
Trước đó, từ cuối năm ngoái, vào tháng 11/2020, tại Hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ ý định về việc Trung Quốc sẽ “xem xét tích cực” việc tham gia hiệp định này. Về vai trò khi tham gia hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: "Hợp tác đa phương là cách duy nhất để đối phó với những thách thức. Đại dịch Covid-19 một lần nữa cho thấy, lợi ích của các quốc gia luôn đan xen với nhau. Để đánh bại đại dịch và thúc đẩy sự phát triển kinh tế toàn cầu, tất cả các quốc gia nên hợp tác với nhau trên tinh thần của đối tác".
Dư luận bước đầu đã có phản hồi về quyết định của Trung Quốc. Nhật Bản nước giữ vai trò Chủ tịch Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) năm nay đã ngay lập tức hoan nghênh quyết định này của phía Trung Quốc, đồng thời cho biết sẽ tiến hành tham vấn với các thành viên khác để trả lời về yêu cầu của Trung Quốc.
Trước đó ngay sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi ở thăm Xinh-ga-po, Ngoại trưởng Singapore - Vivian Balakrishnan cũng đã bày tỏ hoan nghênh sự quan tâm của Trung Quốc đối với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương .
Theo đánh giá của giới chuyên gia, một khi gia nhập, Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn nhất Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Việc Trung Quốc xúc tiến tham gia Hiệp định là bước đi quan trọng để Trung Quốc củng cố hơn nữa vị thế về thương mại và đầu tư của nước này trong khu vực, sau khi đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) năm ngoái.
Ông Jamé Mayer, chuyên gia phân tích kinh tế tài chính của tờ Bloomberg, Mỹ nhận định: "Trung Quốc đang đẩy mạnh việc tham gia nhiều thỏa thuân lượng mại khu vực. Năm ngoái, Trung Quốc đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực. Tuy nhiên, hiệp định này chỉ tập trung vào khu vực châu Á. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có tầm ảnh hưởng về mặt địa lý sâu rộng hơn.
Việc Trung Quốc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cũng sẽ góp phần mở rộng khả năng kết nối thương mại của nước này hơn. Việc tham gia nhiều hiệp định thương mại sẽ góp phần Trung Quốc mở rộng hoạt động thương mại mà không bị đánh thuế quan".
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương được 11 quốc gia gồm Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam ký kết vào năm 2018. Hiệp định này ban đầu có tên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được coi là đối trọng kinh tế với sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực./.