“Đừng để dư luận không tốt trong đầu tư công”

VOV.VN - “Giải ngân chậm năm nào cũng lặp lại nhưng chậm khắc phục. Có chăng do công khai, minh bạch, do chưa thoả thuận được tỷ lệ ăn chia?”

Sáng 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

"Biết rồi, nói mãi" nhưng sao chậm được khắc phục?

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau), kết quả năm 2019 cho thấy nhiều chuyển biến, đáng khích lệ, là tiền đề để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch 5 năm theo Nghị quyết của Quốc hội.

Tuy vậy, ông vẫn băn khoăn về vấn đề đầu tư công – nội dung mà theo ông là “biết rồi, nói mãi” vì năm nào cũng được đề cập trong báo cáo của Chính phủ ở phần hạn chế, yếu kém.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận. Ảnh:quochoi.vn

Cho dù đây là vấn đề khó khăn, phức tạp nhưng ông thấy lạ là dù đã biết, dù có chỉ đạo quyết liệt nhưng càng khắc phục thì kết quả càng không tốt, điển hình là tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

“Giải ngân chậm năm nào cũng lặp lại nhưng chậm khắc phục. Có chăng do công khai, minh bạch, do kết quả chống tham nhũng thời gian qua đạt tốt, làm mất “động lực” của các chủ đầu tư? Chưa thoả thuận được tỷ lệ ăn chia, hay còn lý do nào khác?” – ông Nguyễn Quốc Hận đề nghị cần làm rõ, không nên để dư luận không hay, không tốt trong đầu tư công.

Còn theo đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), kết quả phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã chứng minh sinh động thái độ kiên quyết của Đảng, Nhà nước, tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.

Song, ông Tô Văn Tám cho rằng, trong lãng phí vẫn còn nhiều bức xúc khi nhiều dự án hàng trăm, hàng nghìn tỷ được đầu tư không đem lại hiệu quả như mong đợi, tình trạng đội vốn vẫn diễn ra, lãng phí đất đai còn phổ biến.

Dẫn số liệu cho thấy có hàng trăm dự án bị đánh giá là kém hiệu quả, ông Tô Văn Tám đặt vấn đề: “Nếu con số đó là đúng thì chúng ta nghĩ gì, giải thích thế nào với cử tri?” và đề nghị Chính phủ rà soát các dự án kém hiệu quả để xử lý, nhất là quy trách nhiệm rõ ràng.

“Vấn đề quy trách nhiệm cá nhân là rất quan trọng mà Quy định 205 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền đã chỉ rõ. Thiết nghĩ Chính phủ cũng cần có quy định như 205 trong đầu tư công, gìn giữ công thổ quốc gia” – ông Tô Văn Tám nói.

“Việc có lợi thì làm, việc không an toàn thì né”

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) đồng thuận với các báo cáo và đánh giá cao những kết quả đạt được thể hiện qua những con số cụ thể. Cử tri ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và của cả bộ máy. Những chuyển biến tích cực từng bước củng cố niềm tin của nhân dân.

Tuy vậy, đại biểu cũng nhấn mạnh còn nhiều tồn tại, thách thức đòi hỏi cần tập trung giải quyết với tinh thần quyết liệt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Cụ thể là việc thực thi pháp luật đang có vấn đề. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là sự chồng chéo, bất cập của nhiều quy định. Theo ông Hiền, đánh giá này là không sai, nhưng chưa đủ và sự bất cập, chồng chéo ở đâu, khi nào thì chưa được quan tâm làm rõ, tháo gỡ kịp thời.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền. Ảnh:quochoi.vn

Điều đáng lo ngại là tinh thần kiến tạo, trách nhiệm của Chính phủ chưa thực sự được quán triệt thực hiện trong toàn hệ thống. Còn có hiện tượng việc có lợi thì làm, việc không an toàn thì né tránh, đùn đẩy, việc mới thì ngại triển khai. Nhiều vụ việc chuyển lên, chuyển xuống, chuyển ngang, qua nhiều cơ quan vẫn chưa có lời giải. Vấn đề này là lực cản lớn, cần nghiêm túc nhìn nhận, quan tâm khắc phục.

Bên cạnh đó cần có chính sách để những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về những việc dù luật chưa quy định nhưng thực tế đem lại hiệu quả cao, được nhân dân ghi nhận.

Ông Nguyễn Thanh Hiền cũng chỉ ra thực tế “mất bò mới lo làm chuồng” khi nhiều vụ việc, như trong cổ phần hoá đất vàng, trong đầu tư xây dựng cơ bản khi nảy sinh thành vấn đề lớn mới được quan tâm xử lý vì chậm phát hiện.

Dẫn ví dụ về Công ty địa ốc Alibaba hoạt động ở nhiêu tỉnh, trong nhiều năm, ảnh hưởng đến hàng nghìn người hay vụ cháy Công ty Rạng Đông gây ô nhiễm môi trường, ông Hiền cho rằng, thực tế trên bộc lộ thiếu sót trong công tác quản lý, thậm chí buông lỏng, thiếu trách nhiệm.

“Đừng để người dân chịu hậu quả vì sự tắc trách của bộ phận cán bộ của chúng ta” – ông Nguyễn Thanh Hiền nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên