“Đừng đổ lỗi cho WTO”
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) Trương Đình Tuyển cho rằng, “khó khăn của hệ thống ngân hàng chủ yếu do những yếu kém nội tại trong quản lý của chúng ta.
Theo ông Trương Đình Tuyển- người có công rất lớn trong việc đàm phán để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006, những thách thức hiện tại không phải do WTO mang lại, không phải do chúng ta mở cửa thị trường tài chính. Vì bản thân WTO không tạo ra nợ xấu, không tạo ra vấn đề khó khăn. Đúng ra, việc gia nhập WTO là tác nhân đòn bẩy để ngành ngân hàng đổi mới, nhưng chúng ta chưa theo kịp.
Thách thức xuất phát từ nội tại
Phát biểu tại Tọa đàm “Thị trường dịch vụ tài chính ngân hàng Việt Nam hậu gia nhập WTO” vừa được tổ chức tại Đại học Ngoại thương Hà Nội, PGS.TSKT Nguyễn Thị Quy- nguyên Hiệu phó, Trưởng Khoa Tài chính Ngân hàng trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, trọng tài viên trọng tài quốc tế cho rằng, một trong những thách thức hiện tại là năng lực tài chính của các ngân hàng còn thấp.
Tọa đàm về thị trường dịch vụ tài chính ngân hàng là sự kiện bên lề của cuộc thi “Sinh viên năng động 2011” do CLB Sinh viên nghiên cứu khoa học (YRC) của ĐH Ngoại thương tổ chức |
Tính đến tháng 6/2011, riêng 5 ngân hàng thương mại nhà nước (2 ngân hàng đã cổ phần nhưng vốn Nhà nước vẫn chiếm tỉ trọng lớn), đã chiếm 70% thị phần tài chính ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, các hệ số vốn tối thiểu (CAR) của một số ngân hàng lớn của Việt Nam trung bình chỉ xấp xỉ 9%, trong khi trên thế giới, mức trung bình khoảng 12%, châu Á-TBD trên 13%. Riêng tỉ suất lợi nhuận (ROE) trung bình của các nước trên thế giới khoảng 20%, trong khi ở nước ta, đa phần chỉ khoảng dưới 15%.
Qua điều hành, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng nâng vốn điều lệ nhiều lần, song so với các ngân hàng quốc tế còn rất thấp. Trong khi đó, số nợ xấu bình quân tính đến ngày 30/9/2011 của toàn hệ thống ngân hàng là 2,5%, cao hơn nhiều so với thế giới (0,4%). Đây là số liệu khiến chúng ta cần suy nghĩ.
Ở góc độ thanh khoản, theo PGS.TSKT Nguyễn Thị Quy, các ngân hàng Việt Nam huy động ngắn hạn cho vay dài hạn là điều rất vô lí và chịu rủi ro thanh khoản rất cao. Ở các ngân hàng thương mại, huy động vốn dưới 1 năm lên đến 99%, trong đó 50-60% có thời hạn từ 1- 6 tháng.
“Các ngân hàng kinh doanh và tuyên bố lãi hàng nghìn tỷ đồng nhưng doanh nghiệp kêu khóc vì thiếu vốn, nền sản xuất bị ảnh hưởng là điều cần suy nghĩ”- PGS.TSKT Nguyễn Thị Quy. |
Một thách thức không nhỏ đối với các ngân hàng trong nước là công nghệ lạc hậu, không đạt tiêu chuẩn quốc tế. Phân tích về khía cạnh này, PGS.TSKT Nguyễn Thị Quy cho rằng, chính “cái khó bó cái khôn” vì năng lực tài chính, lợi nhuận của các ngân hàng thấp. Cùng với đó là năng lực điều hành và quy trình quản trị còn yếu, dự báo rủi ro không cao trong khi rủi ro đe dọa bất cứ dịch vụ nào. Tuy nhiên, một điều cần khẳng định, tất cả những khó khăn trên không phải do lỗi của việc gia nhập WTO.
“Có sức khỏe mới bơi được xa”
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) chia sẻ, đã có nhiều nước từng tuyên bố không cần WTO nhưng thực tế họ đều quyết tâm để gia nhập tổ chức này, vì đó là xu hướng khó đảo ngược.
Khi Việt Nam gia nhập WTO (năm 2006), theo lộ trình cam kết, các ngân hàng nước ngoài đã dần xuất hiện tại Việt Nam, từ việc đặt chi nhánh, liên doanh đến ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Điều này đã tạo ra áp lực cạnh tranh với các ngân hàng nội địa, buộc các ngân hàng Việt Nam phải đổi mới công nghệ quản lý của mình để có thể nâng cao được năng lực cạnh tranh, phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.
Cũng theo ông Trương Đình Tuyển, nhờ sự cố gắng chung, số ngân hàng Việt Nam vẫn chiếm đa số tuyệt đối. Và nếu biết tận dụng những cam kết khi gia nhập WTO, chúng ta vẫn phát triển tốt, nhưng quan trọng nhất là các ngân hàng Việt Nam phải tự vươn lên, phải đổi mới công nghệ quản lý, chuyển mạnh sang các dịch vụ chứ không phải chỉ tín dụng đơn thuần.
Còn theo PGS.TSKT Nguyễn Thị Quy, các ngân hàng nước ngoài đang tràn vào thị trường Việt Nam, cho dù chưa phải là “cỗ xe tăng” nhưng tương lai là điều khó tránh khỏi, khi chúng ta “mở hết cửa”.
Khó khăn của hệ thống tài chính ngân hàng chủ yếu do sự yếu kém nội tại của nền kinh tế |
Bà Nguyễn Thị Quy cũng dẫn số liệu cho biết, hiện nay có 5 ngân hàng liên doanh và 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 80 dịch vụ cho thuê tài chính, 48 chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam. Dù thị phần còn khiêm tốn (khoảng trên 10%), nhưng sự xuất hiện của ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đã mang đến một bầu không khí mới đối với thị trường tài chính trong nước.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Quy, “nhìn một cách bao trùm, ai cũng cảm thấy được một chiến lược thâu tóm dần dần của ngân hàng nước ngoài đối với ngân hàng trong nước”.
Chỉ tính đến kết quý III/2010, các ngân hàng nước ngoài đã có mức huy động lên đến 77.444 tỷ đồng, tổng tài sản tăng 29,8% so với năm 2009, tổng số dư nợ tín dụng là 38.322 tỷ đồng, tăng 11,9%. Như vậy, chiến lược mở rộng quy mô và chiếm lĩnh thị trường đang thể hiện mạnh mẽ. Đây là thách thức đối với thị trường non trẻ của Việt Nam.
Ông Trương Đình Tuyển cho rằng, thị phần của các ngân hàng nước ngoài thực tế có khi còn cao hơn 10% và con số này sẽ tăng lên, thậm chí tăng nhanh. Tuy nhiên, câu chuyện về “thôn tính ngân hàng trong nước” là điều không nên lo lắng vì chúng ta vẫn có “van an toàn” khi cam kết chỉ cho phép các ngân hàng nước ngoài nắm tối đa 30% số vốn của một ngân hàng cổ phần (con số thực tế hiện nay mới chỉ ở mức 15-20%). Tuy nhiên, theo vị chuyên gia đàm phán về WTO này, các ngân hàng nước ngoài sẽ đẩy mạnh thôn tính về thị trường, “vì đã vào WTO, anh nào khỏe hơn sẽ bơi tốt hơn”.
Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Trịnh Quang Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng Maritime Bank (MSB), các ngân hàng nước ngoài mới chủ yếu nhắm đến đối tượng VIP, thượng lưu. Hầu hết ngân hàng lớn của Việt Nam cũng chỉ tập trung vào các thành phố lớn, trong khi tiềm năng- thị trường nông thôn còn rộng mở. Do đó, ngân hàng trong nước vẫn có đầy tiềm năng và cơ hội nhưng phải mạnh dạn vươn lên để khẳng định mình./.