Phim 18+ra rạp: Quản lý cách nào?
VOV.VN - Sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng là cần thiết nhưng chính ý thức của khán giả mới là yếu tố quyết định tạo ra một “văn hóa xem phim” văn minh, giúp các giá trị của điện ảnh được thăng hoa.
Thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc một số cụm rạp đã bất ngờ bị kiểm tra và bị phạt từ 60-80 triệu đồng do để lọt khán giả nhỏ tuổi vào xem bộ phim “Mai” của đạo diễn Trấn Thành vốn được dán nhãn “phim 18+”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Thanh Liêm, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL cho biết, vấn đề dán nhãn đã được quy định trong Luật điện ảnh từ những năm 2006. Luật điện ảnh mới quy định cụ thể hơn về mức phân loại thế nào, trách nhiệm của ai, gắn với đó là các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong vi phạm, xử phạt đối với các hành vi vi phạm.
"Sau mỗi đợt tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thì đương nhiên tình trạng vi phạm sẽ thuyên giảm; Bởi vì ý thức của những người thực thi thực hiện pháp luật sẽ được tăng lên, từ từng cụm rạp sẽ ý thức hơn trách nhiệm của mình; đồng thời gắn với đấy là các khán giả, trách nhiệm của phụ huynh sẽ được nâng cao".
- Theo quy định tại điểm C khoản 4 Điều 8 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, việc bán vé xem phim gắn nhãn 18+ cho trẻ em không đúng độ tuổi theo quy định vào rạp xem phim có thể bị phạt hành chính với mức phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng. Đây là mức phạt hành chính áp dụng đối với cá nhân.
- Tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 38 thì quy định: Trường hợp tổ chức thực hiện cùng hành vi vi phạm sẽ áp dụng mức phạt bằng 2 lần cá nhân. Như vậy, rạp chiếu phim có thể bị phạt hành chính với mức phạt tiền từ 60 triệu đến 80 triệu đồng nếu bán vé cho trẻ em xem các thể loại phim không phù hợp với lứa tuổi.
- Ngoài ra, theo quy định tại điểm Đ khoản 7 Điều 8 Nghị định 38 thì rạp chiếu phim còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.
Trên thực tế, nhiều phụ huynh rất ít khi để ý xem phim nào là phim 18 +, phim nào là phim 16 +...., cứ phim nào thấy "hot" là rủ con cái đi xem chứ không biết là vi phạm. Dường như chúng ta gắn mác cho phim cho đúng thủ tục, chứ cũng chưa thực sự quan tâm đến việc truyền thông để công chúng hiểu và chấp hành theo luật. Ông Lê Thanh Liêm, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL cho rằng, cơ chế mức xử phạt đã có khá đầy đủ, thanh tra Bộ đã thường xuyên chỉ đạo, không chỉ riêng giai đoạn có phản ánh báo chí và hàng năm đều tập huấn cho thanh tra các Sở, lực lượng thanh tra chuyên ngành văn hóa, thể thao, du lịch xử lý.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến để mọi người nắm được, đặc biệt là phụ huynh để hướng dẫn con em mình, về việc chấp hành đúng quy định về độ tuổi khi tham gia xem và thưởng thức các bộ phim là cần thiết", ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh.
Mới đây, Luật Điện ảnh (sửa đổi) cũng đã ghi rất rõ về việc giới hạn độ tuổi người xem, đặc biệt là trẻ em đối với những phim có cảnh nhạy cảm… Điều đó để thấy rằng đây rõ ràng là việc cần thiết và cấp thiết. Tuy nhiên, thực tế thì vấn đề này thực sự cũng rất tế nhị. Bởi nếu khán giả đến xem phim mà cứ căn vặn về tuổi tác, hay đang xem thì đoàn kiểm tra vào, dẫn đến gián đoạn bộ phim. Theo ông Liêm, nên linh hoạt trong quá trình xử lý trên cơ sở thượng tôn pháp luật là nguyên tắc cần tiến hành trong thời gian tới.
Phim ảnh cũng như hệ thống rạp chiếu phim, mục đích là để phục vụ nhu cầu văn hóa, giải trí cho người dân. Do vậy, nếu không kiểm soát tốt việc này thì vô hình chung sẽ “lợi bất cập hại”, khi mà phim ảnh lại khiến các em nhỏ bị ảnh hưởng về tinh thần, lệch lạc về nhận thức, hành vi...
Cũng theo ông Liêm, sắp tới khi phân loại phim ở hệ thống không gian mạng thì quản lý phim trên không gian mạng khó hơn rất nhiều. Vì vậy, ý thức tuân thủ pháp luật phải đặt lên rất cao và quan trọng vẫn là ý thức từ các bên liên quan: nhà làm phim, rạp chiếu và đặc biệt là người xem. "Nếu chỉ một trong các yếu tố này không thành thì việc quản lý của các cơ quan chức năng sẽ khó khăn hơn", ông Liêm cho biết.